Cục Tài chính doanh nghiệp: Tích cực phối hợp, chủ động giám sát
TCDN - Ngày 3/01, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham mưu trình cấp có thẩm quyền 17 đề án
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến cho biết, trong năm 2019, Cục TCDN đã xây dựng 17 đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó có 08 Đề án để Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ và 09 Đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ. Quy trình soạn thảo, ban hành văn bản được đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản đều được lấy ý kiến tham gia của các đơn vị trong và ngoài Bộ, thẩm định của Vụ Pháp chế, Bộ Tư pháp, đảm bảo tiến độ và chất lượng của văn bản.
Bên cạnh đó, các công tác tổng hợp, phân tích, đánh giá, báo cáo Lãnh đạo Bộ, Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, về tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, về kết quả đánh giá, xếp loại DNNN... đã được Cục TCDN thực hiện một cách thường xuyên, đầy đủ, kịp thời, cơ bản đảm bảo chính xác, đáp ứng được quy định và yêu cầu.
Đặc biệt, những nhận xét, đánh giá, kiến nghị được Cục đưa ra trong các báo cáo, tổng hợp để Lãnh đạo Bộ báo cáo Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; góp phần đưa ra các quyết sách để phát triển kinh tế, xã hội (báo cáo hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc), giúp Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo quy định (báo cáo tình hình tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp)...
Đối với công tác kiểm tra, giám sát, xếp loại doanh nghiệp, Cục đã thành lập, tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra, giám sát hoặc phối hợp với các cơ quan đại diện chủ sở hữu để đánh giá về hiệu quả sản xuất, kinh doanh đồng thời nắm bắt, đánh giá thực trạng công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp đã giúp các TĐKT, TCT, DNNN chấn chỉnh, hoàn thiện và thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Việc Cục thường xuyên có báo cáo cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính, kinh doanh không có hiệu quả, lỗ, mất vốn của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước đã giúp cơ quan đại diện chủ sở hữu kịp thời chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Công tác phối hợp với Bộ, ngành, địa phương trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN, Cục đã định kỳ, thường xuyên báo cáo Bộ dự họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp, các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, các vấn đề về liên quan đến tài chính doanh nghiệp.
Tham gia ý kiến với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành về việc thoái vốn đầu tư, phương án cổ phần hóa và sắp xếp lại doanh nghiệp; phương án tái cơ cấu của các TĐKT, TCT; hướng dẫn xử lý các vướng mắc của các TĐ, TCT, DNNN khi triển khai cổ phần hóa.
Thực hiện Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN, phân công của Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ và nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Tài chính giao, Cục TCDN đã thực hiện quản lý, điều hành Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo đúng quy định. Báo cáo Bộ thực hiện chuyển đủ 50.000 tỷ đồng từ Quỹ về NSNN trước 16/12/2019, đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao.
Đồng thời, Cục đã tổ chức triển khai, vận hành theo dõi, quản lý Quỹ (xây dựng Quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong Cục; hạch toán, theo dõi các khoản thu, chi, tài sản và nguồn Quỹ; đôn đốc thu nộp về Quỹ, xác nhận tiền nộp về Quỹ, đối chiếu số dư…). Phối hợp với các cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc kiểm tra, quyết toán Quỹ, quyết toán tiền thu về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước..., đôn đốc các đơn vị trực thuộc quyết toán Quỹ, xác định cụ thể số tiền còn phải nộp, lãi chậm nộp và yêu cầu thực hiện nộp đầy đủ về Bộ Tài chính.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13
Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2020 cục TCDN sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau: Rà soát, tổng kết và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13 trình Bộ trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình làm việc của Quốc hội năm 2021 – 2020; Xây dựng Báo cáo của Chính phủ để báo cáo Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2019.
Trong năm 2020, Cục sẽ thực hiện Báo cáo Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ về công tác giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại DNNN năm 2019; báo cáo tổng hợp giám sát tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp năm 2020.
Về công tác kiểm tra, giám sát, xếp loại doanh nghiệp, Cục sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước; Tham gia ý kiến với các Bộ, ngành về việc xếp loại các TĐKT,TCT; về giám sát, xử lý tài chính tại các DNNN đặc biệt là các DNNN có dấu hiệu mất an toàn tài chính, kinh doanh thua lỗ, mất vốn.
Đối với công tác sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN, Cục tiếp tục tham gia Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc cổ phần hóa các TĐKT, TCT nhà nước. Xử lý những vướng mắc, khó khăn của các Bộ, ngành, địa phương khi triển khai công tác sắp xếp, cổ phần hóa DNNN theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Định kỳ báo cáo Bộ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, cơ cấu lại DNNN. Phối hợp với các cơ quan đại diện chủ sở hữu xử lý hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình sắp xếp, tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN.
Không để chính sách bị “khê”
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải đánh giá, năm 2019 về cơ bản Cục Tài chính doanh nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, các cơ chế, chính sách đảm bảo tiến độ đề ra.
Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng các chính sách ban hành có hiệu quả thực thi tốt, Thứ trưởng yêu cầu, giữa các phòng trong Cục cũng như các lãnh đạo Cục cần thống nhất, phối hợp chặt chẽ hơn. Tránh một số trường hợp cùng nội dung liên quan nhưng giữa văn bản này, văn bản khác do Cục trình không khớp nhau.
Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với việc đánh giá những kết quả đã thực hiện trong 5 năm qua và xây dựng kế hoạch, chiến lược cho giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm của Cục là xây dựng các cơ chế, chính sách về đổi mới doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn, kinh tế tập thể...
Trên cơ sở các chính sách này, Cục sẽ cùng với Vụ Tài chính ngân hàng xây dựng kế hoạch tài chính Trung hạn 2021 – 2025. Theo đó, các nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn sẽ thực hiện ra sao, tiến độ như thế nào Cục cần nghiên cứu cụ thể.
Với nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của Cục là rà soát, tổng kết và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13 trình Bộ trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình làm việc của Quốc hội năm 2021 – 2020, vì vậy Cục cần giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo Cục phụ trách, đảm bảo đúng thời gian, đồng thời định kỳ báo cáo tiến độ, chất lượng của Đề án.
Những cơ chế, chính sách về cổ phần hóa như Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 và Nghị định 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ Cục cần đẩy nhanh tiến độ cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Do vậy, Cục cần đặt quyết tâm để năm 2020 không để diễn ra tình trạng chính sách bị “khê”, phải chỉnh sửa nhiều lần.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899