Thủ tướng: Một số đường dây buôn lậu, hàng giả liên quan lãnh đạo cấp tỉnh bảo kê

03/01/2020, 13:35

TCDN - 'Có một số đường dây liên quan lãnh đạo cấp tỉnh. Việc bảo kê hay chỉ là có người nhà tham gia các đường dây đó rất nguy hiểm', Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm (Ban 138) và Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban 389) của Chính phủ, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, các mặt hàng giả mạo phổ biến bao gồm: Quần áo, giầy dép, hàng tiêu dùng, điện tử viễn thông, thực phẩm; vật tư nông nghiệp; dược phẩm, vật liệu xây dựng, phụ tùng ô tô, xe máy… Vi phạm chủ yếu là giả mạo xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hiện nay đến từ 2 nguồn: Nhập lậu từ biên giới, cửa khẩu đưa về (thậm chí sản xuất hàng giả nhãn hiệu của Việt Nam ngay từ bên nước ngoài rồi đưa về); sản xuất trong nội địa (làng nghề, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, khu dân cư) với phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi nhằm trốn tránh kiểm tra, kiểm soát.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị ngày 2/1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị ngày 2/1.

Các đối tượng vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh phụ kiện, đầu mối chuyên sản xuất các loại bao bì, tem, nhãn giả. Hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Thành phẩm sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua. Sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngay tại nhà ở, trong thôn xóm, làng nghề để trốn tránh, dễ tẩu tán tang vật nếu bị phát hiện, kiểm tra.

Theo ông Trần Hữu Linh, yếu tố tinh vi của nạn buôn bán hàng giả còn thể hiện ở yếu tố “giả về chất lượng và đo lường” cũng đang là xu hướng phổ biến, nhất là mặt hàng phân bón, dược phẩm, xăng dầu. Kinh doanh hàng giả nay đã thêm phương thức thông qua mạng Internet thay cho phương thức bán hàng truyền thống. Việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trên Internet là rất khó khăn, nhất là việc thu thập thông tin, manh mối chứng cứ để xử lý vi phạm.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận năm 2019 kinh tế - xã hội mọi mặt đã được kết quả toàn diện hơn hẳn 2018 có sự đóng góp lớn của các lực lượng chống tội phạm, gian lận thương mại, hàng giả, như tội phạm giảm trên 7%; số người bị bắt đưa vào trại giam giảm đến 15.000 người...

Tuy nhiên, nhìn nhận toàn diện, Thủ tướng đánh giá thực tế trên vẫn chưa đáp ứng mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân, khi buôn lậu, tội phạm vẫn tinh vi, manh động hơn; nhiều vụ buôn ma túy lớn thu được cả tấn ma túy, sản xuất cả chục triệu lít xăng giả… 

Có nhiều vụ buôn lậu quy mô lớn nhưng không xác định được đối tượng phạm tội, cầm đầu. Cùng với đó là có dấu hiệu lộ lọt thông tin khi chia sẻ, phối hợp giữa các lực lượng, khiến nhiều vụ việc phải dùng cảnh sát hình sự để đánh trực diện.

Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần đánh giá vai trò lãnh đạo cấp ủy địa phương, ban chỉ đạo địa phương khi có dấu hiệu bảo kê, tiêu cực. “Có một số đường dây liên quan lãnh đạo cấp tỉnh. Việc bảo kê hay chỉ là có người nhà tham gia các đường dây đó rất nguy hiểm”, Thủ tướng nói.

Để công tác đấu tranh tội phạm, gian lận hàng giả năm 2020 tốt hơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần làm rõ chức năng nhiệm vụ của các lực lượng, không để “cha chung không ai khóc” cũng như phải phát động phong trào giám sát của người dân với các lực lượng thực thi công vụ. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải xử lý trách nhiệm cá nhân tập thể trong các vụ việc vi phạm bị phát hiện một cách nghiêm khắc, không nể nang, đình chỉ người có dấu hiệu làm ngơ, bao che, bảo kê cho sai phạm.

Bích Thảo (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng: Một số đường dây buôn lậu, hàng giả liên quan lãnh đạo cấp tỉnh bảo kê tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bộ Công Thương quyết đẩy lùi hàng lậu, hàng giả
Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung đẩy lùi nạn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng.