Thị trường mỹ phẩm của L’Oreal tại Việt Nam: 60% là hàng xách tay và hàng giả

28/11/2019, 15:36

TCDN - Thời điểm hiện tại, thị trường mỹ phẩm của L’Oreal tại Việt Nam gần như đang được thống trị bởi hàng xách tay và hàng giả đến hơn 60%. Thông tin này được đưa ra tại Diễn đàn “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp”.

00.2..................................................

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh – Giám đốc đối ngoại và truyền thông Công ty L’Oreal Việt Nam chia sẻ, L’Oreal bắt đầu việc chống hàng giả vào năm 2008 khi thị trường thủ đô tràn ngập các cửa hàng mang bảng hiệu L’Oreal chính hãng chỉ trong vòng một năm sau khi L’Oreal chính thức đến Việt Nam với 3 thương hiệu đầu tiên: Lancome, L’Oreal Paris và Maybelline New York.

Hàng giả chiếm lĩnh thị trường với thị phần lên đến 75% và trở thành nguồn cung cấp sản phẩm làm đẹp chủ lực cho người tiêu dùng.

Vì vậy, L’Oreal đã gửi công văn kêu cứu đến các cơ quan chính phủ và trong tất cả các cuộc họp cấp cao giữa Tập đoàn và Văn phòng Thủ tướng, vấn đề này cũng được nêu tên.

Chính việc kiểm tra chặt chẽ thị trường mỹ phẩm trong thời gian từ 2012- 2014 đã giúp việc thị phần mỹ phẩm giả giảm đáng kể tại Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam, năm 2015 hàng giả lại được biến tướng sang hàng xách tay, bày bán công khai trên các trang mạng, doanh thu được ghi nhận từ một trang mạng vào thời điểm đó là hơn 1 tỷ đồng/ tháng.

Việc chuyển hướng kinh doanh ồ ạt qua mạng làm cho việc chống hàng giả của doanh nghiệp và cơ quan quản lý thị trường trở nên khó khăn và vất vả hơn do khả năng điều tra và kiểm tra các kho hàng được đặt trong các hộ gia đình là không khả thi.

Đơn cử như thời điểm hiện tại, thị trường mỹ phẩm của L’Oreal tại Việt Nam gần như đang được thống trị bởi hàng xách tay và hàng giả đến hơn 60% (số liệu được dựa trên kênh phân phối trên cả 2 kênh online và offline).

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh kiến nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng với Cục Quản lý cạnh tranh sớm đưa ra các quy định liên quan đến việc bảo vệ thương quyền, kinh doanh hàng giả trên mạng.

Cùng đó, lực lượng chức năng cần truyền thông giáo dục hiệu quả về hậu quả của việc buôn bán, sản xuất hàng giả cũng như hậu quả khôn lường cho sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng hàng giả.

Ông Hoàng Ánh Dương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường thừa nhận, việc kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo xuất xứ gặp nhiều khó khăn nhất là truy xuất nguồn gốc hàng hóa. sBởi, nếu cơ quan thực thi không có có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định chất lượng thì việc phát hiện vi phạm là rất khó khăn, đặc biệt là đối với hàng nhập lậu sau khi đã được đưa qua các đường mòn, lối mở.

Khi đã lưu thông trên thị trường, hàng giả mạo xuất xứ thường trà trộn cùng với hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng, vì vậy, việc phát hiện vi phạm cũng gặp khó khăn.

Đối với hàng hóa giả mạo xuất xứ không có doanh nghiệp chủ thể quyền rõ ràng thì càng khó khăn (chẳng hạn như hàng nông sản, hàng hóa nguyên liệu, hàng hóa giả mạo doanh nghiệp, địa chỉ không có thật,…).

Để phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông Hoàng Ánh Dương cho rằng lực lượng quản lý thị trường cần đổi mới phương pháp thu thập thông tin, thống kê, phân loại các chủng loại mặt hàng kinh doanh trên địa bàn.

Đặc biệt, trong môi trường mạng internet, cần tuyên truyền, vận động người tiêu dùng tham gia mua sắm qua ứng dụng thương mại điện tử tại các trang, ứng dụng, sàn thương mại điện tử uy tín, đã được thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ triển khai các công cụ trực tuyến kết nối giữa cơ quan quản lý thị trường, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm hỗ trợ hiệu quả và thuận tiện cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn tiêu dùng cũng như chia sẻ thông tin, tố giác vi phạm.

Thu Hằng
Bạn đang đọc bài viết Thị trường mỹ phẩm của L’Oreal tại Việt Nam: 60% là hàng xách tay và hàng giả tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bộ Công Thương quyết đẩy lùi hàng lậu, hàng giả
Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung đẩy lùi nạn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng.