Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngành ngân hàng phải gỡ nút thắt vốn BT, BOT

02/01/2020, 15:07

TCDN - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngành ngân hàng không được thắt chặt tín dụng lĩnh vực BT, BOT mà phải tìm cách tháo gỡ.

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020 sáng nay 2/1/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo. 

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, trong khi đó tại Việt Nam ngành ngân hàng đã phối hợp tốt với các ngành khác góp phần vào ổn định vĩ mô, lạm phát thấp và còn giảm lãi suất hai lần trong năm 2019.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngành ngân hàng không được thắt chặt tín dụng lĩnh vực BT, BOT mà phải tìm cách tháo gỡ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngành ngân hàng không được thắt chặt tín dụng lĩnh vực BT, BOT mà phải tìm cách tháo gỡ.

Đáng chú ý, Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc giữ ổn định tỷ giá và tăng được dự trữ ngoại hối. “Dự trữ ngoại hối trong một năm mà tăng trên 20 tỷ USD, đạt tổng số gần 80 tỷ USD. Con số này nhiều người không ngờ tới”, người đứng đầu Chính phủ ghi nhận. 

Ngoài ra, Thủ tướng cũng ghi nhận kết quả của Ngân hàng Nhà nước khi bỏ lượng tiền Đồng lớn để mua vào 20 tỷ đô la trong năm qua với khoảng 500 nghìn tỷ đồng, cung tiền lớn như vậy mà lạm phát không tăng nói lên sự khéo léo trong công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Riêng vấn đề lãi suất, Thủ tướng nhấn mạnh, lãi suất ở Việt Nam vẫn còn cao. “Tôi mới gặp Thống đốc Ngân hàng TƯ Bangkok thì lãi suất ở Thái Lan thấp lắm. Mình huy động cao thì phải tính toán, giảm ngay thì không được nhưng phải tính toán để giảm chi phí kinh doanh vì phần lớn sản xuất kinh doanh vẫn dựa vào tín dụng ngân hàng là chính”, Thủ tướng nói.

Về tín dụng, Thủ tướng cũng nêu vấn đề tín dụng với lĩnh vực GTVT nói chung và các dự án BT, BOT nói riêng. “Tôi lưu ý là tín dụng cho BOT, BT, GTVT không phải siết chặt lại mà thảo luận hai bên cùng giải quyết. Tín dụng cho các nhà đầu tư BT, BOT, đừng cái gì cũng nói siết lại mà hai bên phải cùng mở ra, hai bên cũng thắng mới là quan trọng”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thực tế cho thấy, hiện các ngân hàng thương mại đang tập trung tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông. Việc rót cả nghìn tỷ đồng cho vay dự án BOT, BT với một ngân hàng là không hề dễ dàng bởi thời gian thu hồi vốn của các dự án BOT, BT giao thông thường kéo dài 3 - 5 năm, thậm chí 10 - 15 năm hoặc lâu hơn. Không chỉ đối diện rủi ro về thời gian thu hồi vốn, các ngân hàng cũng rất khó để kiểm soát hết chất lượng các dự án, chẳng hạn tỷ lệ thất thoát vốn trong quá trình xây dựng, lưu lượng xe cộ lưu thông thấp hơn dự kiến, mức phí của chủ đầu tư đưa ra không được người sử dụng công trình chấp nhận… Những vụ lùm xùm ở trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), trạm BOT Hạc Trì, Việt Trì (Phú Thọ)... chắc chắn đã khiến không ít ngân hàng ám ảnh.

Theo các chuyên gia tài chính, việc kiểm soát rủi ro trong cấp tín dụng đối với dự án BOT nên thận trọng. Tuy nhiên, một con đường BOT có thể cải thiện hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy cả một vùng phát triển, vì thế cần có sự hợp tác giữa Nhà nước với tư nhân, cùng bỏ tiền làm dự án, cùng chia sẻ rủi ro để thúc đẩy sự phát triển chung. Nếu “phanh gấp” sẽ tạo cú sốc đối với các dự án đang triển khai dở dang. Với các dự án BOT thực hiện đúng quy định, nhà đầu tư đáp ứng năng lực, điều kiện, dự án trọng điểm, ngân hàng nên tiếp tục rót vốn theo tiến độ đã cam kết.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với chỉ đạo của Chính phủ và cho rằng việc tài trợ tín dụng cho các dự án BOT, BT phải được quy chuẩn hóa và giám sát chặt chẽ, đặc biệt ở khía cạnh năng lực tài chính, phương án hoàn trả của chủ đầu tư; Tăng minh bạch, nâng chất lượng, hiệu quả… Có như vậy, các tổ chức tín dụng sẽ hết cơn ám ảnh bởi nợ xấu khi cho vay theo hình thức này.  

Bích Thảo (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngành ngân hàng phải gỡ nút thắt vốn BT, BOT tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan