Hoạt động Kiểm toán Nhà nước nhìn từ vụ hủy truy thu 2.495 tỷ của Sabeco

02/01/2020, 07:28

TCDN - Với việc tuyên bố hủy bỏ kiến nghị truy thu 2.495,5 tỷ đồng từ Sabeco của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sau khi xin ý kiến các bộ, ngành thì nguyên tắc tính độc lập, chỉ tuân theo pháp luật của KTNN đã không được đảm bảo. Giả sử đã cưỡng chế Sabeco truy thu khoản tiền này giờ khắc phục thế nào?

sabe

Quyền lực tối thượng của KTNN

Theo Hiến pháp năm 2013, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Tổng KTNN là người đứng đầu KTNN, do Quốc hội bầu. KTNN là tổ chức được giao quyền lực rất lớn, hoạt động độc lập với Chính phủ. Theo Điều 7 Luật KTNN năm 2015, Báo cáo kiểm toán của KTNN sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán.

Đồng thời, Điều 57 Luật KTNN quy định nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán phải thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN. Trường hợp đơn vị được kiểm toán có khiếu nại thì trong thời gian giải quyết khiếu nại, đơn vị được kiểm toán vẫn phải thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN, trừ trường hợp Tổng KTNN, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.  

Với quyền lực pháp lý rất lớn như trên, vấn đề đặt ra là nếu KTNN kết luận, kiến nghị sai thì làm sao để có cơ chế phát hiện, xác định đúng sai, kèm theo đó là trách nhiệm của KTNN. Theo Luật KTNN năm 2015 thì đơn vị được kiểm toán không có quyền khởi kiện KTNN hoặc Tổng KTNN ra tòa. Trường hợp quá trình hoạt động kiểm toán của KTNN có sai phạm hoặc không đồng ý với kết luận, kiến nghị của KTNN, đơn vị được kiểm toán chỉ được quyền khiếu nại với Tổng KTNN hoặc tố cáo theo quy định tại Điều 69 và Điều 70 của Luật KTNN năm 2015.

Luật KTNN năm 2015 cũng không quy định trách nhiệm của KTNN khi có kết luận, kiến nghị sai, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp mà chỉ có một quy định chung tại khoản 3 Điều 13 Luật KTNN năm 2015 là Tổng KTNN chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung báo cáo kiểm toán của KTNN.

Không sai, vẫn rút kết luận?!

Trở lại câu chuyện 2.495 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối của Sabeco. Ngay sau khi có kết luận của KTNN ngày 08/02/2018, Sabeco đã có văn bản kiến nghị KTNN xem xét lại kết quả kiểm toán. Sabeco là doanh nghiệp lớn và KTNN đưa ra kết luận ngay sau khi Nhà nước thực hiện thoái vốn thành công 53,59% vốn điều lệ tại Sabeco ngày 18/12/2017.

Do đó, nội dung kiến nghị truy thu hàng nghìn tỷ đồng của KTNN đã thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận và đặc biệt là các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng đã có công văn gửi các cơ quan có thẩm quyền. Theo VAFI kết luận của KTNN là vi phạm Luật doanh nghiệp năm 2014. VAFI dẫn Điều 132, 135, 136,149 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, cho biết HĐQT doanh nghiệp chỉ có thẩm quyền đề nghị trước Đại hội cổ đông về mức chi trả cổ tức (lợi nhuận sau thuế để chia cho các cổ đông), chứ không có quyền quyết định thanh toán cổ tức cho cổ đông nào, kể cả cổ đông Nhà nước hay cổ đông đa số, mà không cần có Nghị quyết ĐHCĐ.

Tại Sabeco, cổ đông nhà nước (Bộ Công Thương) cũng chỉ là 1 cổ đông, kể cả trong trường hơp Bộ nắm giữ 89,59% vốn điều lệ doanh nghiệp thì cũng không thể ra lệnh cho người đại diện của mình, đang nắm đa số trong HĐQT có quyền tạm nộp 2.495 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước (NSNN), mà không có Nghị quyết ĐHCĐ. VAFI cảnh báo nếu HĐQT Sabeco thực hiện lệnh của Bộ Công Thương là tạm nộp 2.495 tỷ vào NSNN thì sẽ có nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Sau khi có nhiều ý kiến về kết luận của KTNN, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã có yêu cầu KTNN rà soát toàn bộ nội dung kết luận về việc: Sabeco, Habeco nộp bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt, nộp tiền phạt chậm nộp và nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, nộp khoản lợi nhuận chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước tại Sabeco.

Ngày 02/01/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và UBND TPHCM đề nghị chưa cưỡng chế thuế đối với Sabeco. Nội dung văn bản nêu: Trong thời gian Thủ tướng đang chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan xem xét, xử lý kiến nghị của KTNN và Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc chậm nộp thuế và tiền phạt vi phạm hành chính thuế của Sabeco, giao Bộ Tài chính, UBND TP.HCM chỉ đạo Cục Thuế TP.HCM chưa cưỡng chế Sabeco nộp tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính.

Đến nay sau gần 02 năm kể từ ngày ban hành kết luận KTNN (ngày 08/2/2018), KTNN có công văn số 1624/KTNN-TH ký ngày 25/12 của KTNN liên quan đến việc Sabeco kiến nghị nộp NSNN số lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 31/12/2016. Cụ thể, KTNN đã bỏ kiến nghị “Sabeco phải nộp NSNN số lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 31/12/2016 là gần 2.495 tỷ đồng”.

Lý giải cho quyết định hủy bỏ này, theo thông tin từ baokiemtoannhanuoc.vn tại bài viết “Cần hiểu đúng về nội dung KTNN kiến nghị SABECO nộp NSNN hơn 2.495 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối” đăng ngày 31/12/2019 nêu: Đối với quy định pháp luật để KTNN đưa ra kiến nghị “SABECO phải nộp NSNN số lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 31/12/2016 là 2.495 tỷ đồng” tại cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2016 đối với Sabeco (là doanh nghiệp nhà nước), KTNN đã căn cứ vào Điều 43 và Điều 48 Luật số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014; Khoản 4 Điều 20 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ; Điều 13 Thông tư số 61/2016/TT-BTC ngày 11/4/2016 của Bộ Tài chính.

KTNN đã kiến nghị SABECO nộp vào NSNN số lợi nhuận chưa phân phối đến 31/12/2016 là 2.495 tỷ đồng; nguyên nhân do người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không tổ chức ĐHĐCĐ để phân phối và nộp NSNN theo quy định.

Việc KTNN kiến nghị Sabeco tại thời điểm là doanh nghiệp nhà nước (trước khi tổ chức đấu giá để Công ty TNHH Vietnam Beverage mua 53,59% cổ phần của Sabeco do Nhà nước sở hữu) phải nộp lợi nhuận chưa phân phối đến 31/12/2016 là chính xác và đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, sau đó Nhà nước đã bán đấu giá 53,59% cổ phần của Sabeco do Nhà nước sở hữu cho Công ty TNHH Vietnam Beverage (Công ty con của ThaiBev).

Như vậy, KTNN vẫn khẳng định không kiến nghị sai truy thu 2.495 tỷ đồng và việc hủy bỏ kiến nghị KTNN là do việc thoái vốn của Nhà nước tại Sabeco sau đó. Tuy nhiên điểm rất nghịch lý là thời điểm KTNN công bố kết luận, kiến nghị là ngày 08/02/2018, trong khi việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco cho ThaiBev đã hoàn thành toàn bộ trong tháng 12/2017, trước thời điểm KTNN kết luận, kiến nghị.

Mặt khác, theo thông tin nêu trên, việc KTNN xác định Sabeco là doanh nghiệp nhà nước tại thời điểm kiểm toán năm 2016 là hoàn toàn sai so với quy định tại Luật số 69/2014/QH13 vì theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật số 69/2014/QH13 thì doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong khi đó Sabeco đã được cổ phần hóa từ từ năm 2008. Đến năm 2016, Nhà nước chỉ còn nắm giữ 89,59% vốn điều lệ tại Sabeco.

Khoản 5 Điều 5 Luật 69/2014/QH14 quy định việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải thông qua người đại diện phần vốn nhà nước. Quyền và trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước cũng đã được quy định cụ thể tại Điều 48, trường hợp người đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco không làm đúng thì chỉ có thể kiểm điểm, kỷ luật hoặc yêu cầu người đại diện bồi thường trách nhiệm với thiệt hại xảy ra nếu có thay vì căn cứ vào Luật 69/2014/QH14 để kiến nghị truy thu đối với Sabeco.  

Trường hợp, KTNN đã kiến nghị truy thu 2.495 tỷ đồng chính xác và đúng quy định pháp luật và nay phải hủy bỏ kiến nghị của mình sau khi nhận được ý kiến các bộ ngành liên quan thì nguyên tắc tính độc lập, chỉ tuân theo pháp luật của KTNN trong trường hợp này đã không được đảm bảo theo quy định Luật KTNN năm 2015 và Hiến pháp năm 2013.

Nếu Sabeco đã thực hiện, xử lý thế nào?

Một trong những giải pháp được Sabeco lựa chọn trước rủi ro bị cưỡng chế thuế là có văn bản “kêu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ. Sabeco là một trong những doanh nghiệp lớn nhất cả nước và có yếu tố nước ngoài khi Nhà nước đã bán 53,35% vốn điều lệ cho Thaibev, do đó Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan liên quan chưa thực hiện cưỡng chế thuế của Sabeco để có điều kiện xem xét.

Liệu các doanh nghiệp khác với vị thế bé hơn Sabeco có “may mắn” như Sabeco khi đối mặt với các kiến nghị, kết luận của KTNN mà doanh nghiệp cho rằng không hợp lý, trái với quy định của pháp luật. Theo thông tin từ baokiemtoannhanuoc.vn, cũng nội dung tương tự, Cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2016 tại HABECO, KTNN đã kiến nghị nộp NSNN lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 31/12/2016 là 1.391,8 tỷ đồng, đến ngày 30/11/2019, HABECO cơ bản đã nộp đầy đủ.

Việc chưa thực hiện cưỡng chế như trường hợp của Sabeco có thể nói là hết sức ngoại lệ. Theo quy định của Luật KTNN, kết luận, kiến nghị của KTNN dù đúng hay sai thì đơn vị được kiếm toán vẫn bắt buộc phải thực hiện đầy đủ, kịp thời. Trường hợp nếu doanh nghiệp không thực hiện như Sabeco thì phải bị cưỡng chế theo quy định của Luật quản lý Thuế vì khoản thu này đã được xác định là khoản phải nộp về NSNN.

Tuy nhiên, nếu giả sử Sabeco chấp hành đúng theo kiến nghị của KTNN và đã thực hiện nộp số tiền 2.495 tỷ đồng về NSNN thì hệ lụy và việc xử lý hậu quả sẽ trở nên hết sức phức tạp. Làm thế nào để hoàn trả lại số tiền này từ NSNN cho Sabeco? Số tiền hoàn trả là bao nhiêu? Sabeco liệu có được trả chi phí vốn cho khoản tiền này? Quan trọng hơn cả là môi trường đầu tư kinh doanh, việc thu hút vốn FDI của Việt Nam, niềm tin của nhà đầu tư ngoại liệu có bị ảnh hưởng khi Tập đoàn Thaibev bỏ ra gần 5 tỷ USD mua 53,59% vốn điều lệ của Sabeco từ Nhà nước nhưng sau đó Sabeco bị kiểm toán và cưỡng chế sai hàng nghìn tỷ đồng?

Việt Đặng
Bạn đang đọc bài viết Hoạt động Kiểm toán Nhà nước nhìn từ vụ hủy truy thu 2.495 tỷ của Sabeco tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

KTNN được quyền truy cập phần mềm dữ liệu đơn vị bị kiểm toán?
Trao thẩm quyền thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính; giám định tư pháp; Tuy cập phần mềm dữ liệu đơn vị bị kiểm toán... cho Tổng Kiểm toán Nhà nước là một trong các nội dung được UBTV Quốc hội, phiên họp thứ 36 cho ý kiến vào sáng 12/8.