Đại biểu QH: Trốn, chậm đóng bảo hiểm xã hội phải xử lý như trốn thuế
TCDN - Theo đại biểu Ma Thị Thúy, nhiều nước quy định cơ quan thuế thực hiện luôn nhiệm vụ thu BHXH bắt buộc, sau đó chuyển về cho cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội. Hành vi trốn, chậm, nợ đọng bảo hiểm xã hội được xử lý hình sự như pháp luật quản lý thuế.
Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho rằng cần có giải pháp để hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần nhưng vẫn đảm bảo để người lao động có thể ổn định đời sống sau khi ngừng làm việc. Vì vậy, đề nghị nên có phương án sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm xã hội để thành lập Quỹ cho vay đối với người lao động phải ngừng việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy nêu thực trạng trốn, chậm, nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài thời gian qua, tập trung ở khu vực sản xuất kinh doanh. Các cơ quan đã nhiều lần trao đổi, đưa ra giải pháp, nhưng hiệu quả vẫn thấp, gây bức xúc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.
Theo nữ đại biểu, nhiều nước quy định cơ quan thuế thực hiện luôn nhiệm vụ thu BHXH bắt buộc, sau đó chuyển về cho cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội. Hành vi trốn, chậm, nợ đọng bảo hiểm xã hội được xử lý hình sự như pháp luật quản lý thuế nên không có tình trạng chây ỳ, trốn, chậm đóng kéo dài.
"Nếu áp dụng kinh nghiệm này của các nước, hiệu quả quản lý thu BHXH sẽ được cải thiện, bớt đi việc bàn thảo, sửa đổi luật không cần thiết; giảm nhẹ gánh nặng về thanh tra, kiểm tra, tố tụng khiếu kiện, giải quyết vi phạm", bà Thúy nói.
Theo đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn), để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, cần có quy định tăng chế độ chính sách của bảo hiểm xã hội để giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút bảo hiểm xã hội của người lao động.
Đại biểu dẫn chứng, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trả lời chất vấn về nguyên nhân người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần và đánh giá “không có quốc gia nào có cơ chế rút bảo hiểm xã hội dễ dàng như Việt Nam”. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng đây chính là tính ưu việt của nhà nước ta, nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Cũng theo đại biểu Thái, trong báo cáo tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội khoá XIII về thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần đối với người lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đánh giá có 5 nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần, trong đó nguyên nhân chủ yếu người hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần đa số là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp bị mất việc làm, “tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn 2020-2021 khi mà nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid -19.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh ở các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, bị ảnh hưởng lớn như: du lịch, khách sạn, vận tải, giáo dục, may mặc... ngừng hoạt động hoặc sản xuất, kinh doanh cầm chừng”.
Đại biểu Hồng Thái nêu rõ, người lao động bị ảnh hưởng tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 40 chiếm 77,5%. Ở độ tuổi này, tích lũy không nhiều, trình độ nhận thức và tuổi đời còn chưa cao nên chỉ quan tâm giải quyết vấn đề trước mắt; và trên thực tế tại các khu công nghiệp chỉ tuyển dụng công nhân trong độ tuổi từ 18 - 40, quá tuổi lao động trên hầu hết người lao động phải đi xin việc làm các công việc tự do khác, mặt khác công nhân nhiều tuổi cũng sẽ không thể làm dây chuyền mà phải nghỉ việc và thực tế ở Việt Nam.
Đại biểu cho biết, trong dự thảo Luật lần này đã mở rộng thêm nhiều đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ở khu vực không chính thức, điều này làm tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, nhưng cũng có thể làm tăng việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần do khu vực không chính thức việc làm không ổn định, nhiều tuổi rất khó tìm việc.
Do đó, đại biểu kiến nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc nghiên cứu, quy định đối với lao động ở khu vực tư, khu vực không chính thức nếu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam nếu nghỉ trước tuổi thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi trừ đi 1% (thay vì 2% như dự thảo Luật) và tiếp tục nghiên cứu có thêm những ngành nghề đặc thù nếu số năm đóng bảo hiểm xã hội cao thì cũng được nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi quy định ngoài các ngành nghề được nêu tại khoản 2 Điều 64 của Dự thảo Luật.
Về điều kiện hưởng lương hưu, theo đại biểu Phạm Thị Kiều, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%), tương đương hơn 2 triệu đồng. Đồng thời, dự thảo Luật đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu. Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hoá” của một bộ phận người dân trong tương lai. Đại biểu đề nghị cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.
Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 66 quy định “… cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%”. Theo đại biểu, quy định trong dự thảo luật như vậy là quá cao. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu quy định cho phù hợp, đảm bảo sự hài hòa giữa đóng và hưởng, vì độ tuổi bắt đầu tham gia đóng bảo hiểm của mỗi người khác nhau, cho nên cần quy định thời gian đóng bảo hiểm bao nhiêu để được hưởng tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% là phù hợp.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899