Người dân có quyền rút hay không rút bảo hiểm xã hội một lần
TCDN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, người dân, người lao động có quyền rút hay không rút bảo hiểm xã hội một lần. Chúng ta xử lý ở đây tức là vẫn đảm bảo quyền này. Phương án có nhiều nhưng tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu, thẩm tra để tạo được sự đồng thuận.
Ngày 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, Luật Bảo hiểm xã hội là một luật rất quan trọng, có đối tượng chịu sự tác động rất lớn và lâu dài, có tính chất xương sống, cốt lõi và bảo đảm để bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhiều quy định được sửa đổi trong dự thảo Luật chưa có căn cứ thuyết phục, cần phải tiếp tục đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, lấy ý kiến rộng rãi các chủ thể áp dụng, đối tượng chịu sự tác động để bảo đảm sự đồng thuận, tính khả thi.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, ngày 19/9, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng ký tiếp thu các nội dung đó, kèm theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Hiện chỉ còn một nội dung là các phương án cho rút bảo hiểm xã hội một lần. Đây là vấn đề rất hệ trọng, nếu chúng ta công bố sớm các phương án ra có thể tạo hiệu ứng nhất định với xã hội. Đặc biệt, nếu như số đang được hưởng quyền lợi theo Nghị quyết 93, nếu thời điểm này chúng ta tung ra về phương án sẽ tạo phản ứng nhất định về vấn đề này.
Mặt khác, theo nguyên tắc làm việc của Chính phủ khi thay đổi những chính sách lớn thì phải báo cáo với Chính phủ để xin ý kiến. Do đó, những vấn đề này, trước mắt Thủ tướng và các đồng chí cũng cho ý kiến đề xuất với Thường vụ, lắng nghe thêm ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội định hướng.
Tại Phiên họp, liên quan đến vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là vấn đề lớn nhất trong sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này. Trong dự án Luật có đưa ra rút thời gian đóng và hưởng bảo hiểm xã hội từ 20 xuống 15 năm và tới đây theo nghị quyết Trung ương hướng tới lộ trình là 10 năm. Người dân, người lao động có quyền rút hay không rút bảo hiểm xã hội một lần. Chúng ta xử lý ở đây tức là vẫn đảm bảo quyền này. Phương án có nhiều nhưng trên cơ sở ý kiến, hồ sơ hoàn thiện của Chính phủ, Ủy ban Xã hội và các cơ quan tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu, thẩm tra để tạo được sự đồng thuận.
Đề cập về trợ cấp hưu trí xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành bảo hiểm xã hội đa tầng là theo nghị quyết Trung ương. Do đó sẽ phải điều chỉnh lại Luật Người cao tuổi. Chính phủ và cơ quan thẩm tra dự án Luật nghiên cứu thêm có đặt vấn đề sửa đổi một khoản hay điều nào của Luật Người cao tuổi trong dự án luật này để tương thích giữa hai luật.
Riêng nội dung liên quan đến trợ cấp cho người cao tuổi sẽ thành ra một cấu phần trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, gọi là Quỹ trợ cấp hưu trí xã hội. Đây là bảo hiểm nhưng từ thuế chứ không phải là nguyên tắc đóng hưởng. Vấn đề này thế giới đã thực hiện và chúng ta đã học tập, nghị quyết trung ương đã báo cáo, chứ không thể quay lại tư duy là của trợ cấp người cao tuổi. Chúng ta muốn hình thành mạng lưới xã hội bảo hiểm bao trùm, Ủy ban Xã hội và các đơn vị liên quan lưu ý về việc này.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đây là vấn đề liên quan đến quán triệt nghị quyết của trung ương về hệ thống pháp luật nên phải có điều chỉnh. Luật Người cao tuổi vẫn tồn tại và quy định rất nhiều nội dung khác cho người cao tuổi, chứ không phải chỉ có mỗi vấn đề này. Riêng nội dung điều chỉnh về vấn đề trợ cấp, tuổi được hưởng bao nhiêu, mức thế nào, các cơ quan nghiên cứu thêm là có hay không có một điều khoản sửa nội dung trong Luật Người cao tuổi.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899