Đại biểu Quốc hội: Nhà quản lý cần thể hiện thái độ phụng sự doanh nghiệp
TCDN - Đại biểu Trịnh Xuân An (Long An) cho rằng, chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ "phụng sự doanh nghiệp", chủ động, thực tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp đã “gần đất xa trời”.
Thảo luận tại Hội trường chiều 31/5, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội, kiến nghị cần phải có những giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp.
Theo ông An, 4 nút thắt mà doanh nghiệp đang gặp phải là: thiếu hụt về đơn hàng; tắc nghẽn dòng vốn; thể chế không đầy đủ, thủ tục hành chính bủa vây; những rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Nhìn vào những con số của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đưa ra và những thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có thể thấy, doanh nghiệp đang "khát" về tín dụng nhưng không tiếp cận được vốn, còn nếu có tiếp cận được thì rất khó để giải ngân do điều kiện vay về thủ tục”, đại biểu nói.
Cũng theo đại biểu, việc giảm lãi suất không quan trọng bằng tiếp cận được vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Trịnh Xuân An, cần tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu và chứng khoán, đồng thời cần tiếp tục rà soát thể chế, đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn và đặc biệt cần thay đổi văn hóa "doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy".
Đại biểu nhấn mạnh: “Chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ “phụng sự doanh nghiệp”, chủ động, thực tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó. Những việc gì cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay. Cần bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, không để đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp “đã gần đất xa trời”.
Trước đó, vào phiên thảo luận sáng, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho hay, nhìn lại những kết quả kinh tế - xã hội năm 2022 là rất đáng phấn khởi, nhưng những kết quả đạt được đầu năm 2023 thì lại rất đáng quan ngại. Khi GDP tăng trưởng quý 1 chỉ đạt 3,32%, thấp hơn với cùng kỳ 5,03%. Nhiều địa phương có vị trí quan trọng trong bản đồ kinh tế đất nước ở tốp đầu lại sụt giảm tăng trưởng, có địa phương tăng trưởng âm, mà nguyên nhân chính là do doanh nghiệp ở các địa phương đó đang gặp những khó khăn và do đó, điều đáng quan ngại lớn nhất hiện nay là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang cố thoi thóp để tồn tại khi khó khăn đang bủa vây.
Theo đại biểu, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể tăng lên. Doanh nghiệp nội địa đang đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản hoặc bị thâu tóm. Ví như hiện nay các tập đoàn Thái Lan đã sở hữu rất nhiều doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam và thu hàng tỷ USD tiền cổ tức từ các doanh nghiệp đứng đầu này khiến cho nền kinh tế, nền sản xuất vốn đã ốm yếu của doanh nghiệp Việt Nam trở nên rất mong manh.
Cùng với đó, theo đại biểu Thắng, vòng kim cô của các quy định pháp luật càng siết chặt. Sau một thời gian thực hiện chủ trương của Chính phủ giảm tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên năm thì nay đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Những quy định chưa hợp lý, siết chặt quá mức trong phòng cháy, chữa cháy, những ách tắc trong các kiểm định phương tiện giao thông đường bộ, lãi suất tiền cho vay ở mức cao như là những cú bồi khiến cho doanh nghiệp “knock out” ngay trên sân nhà của chính mình.
Doanh nghiệp khát vốn để phục hồi phát triển nhưng rất khó tiếp cận, kể cả gói tín dụng giảm lãi suất 2% cũng không thực sự hấp dẫn và rất rườm rà về thủ tục tiếp cận. Tất cả những vấn đề trên đây chỉ là những mảnh ghép đơn lẻ trong bức tranh kinh tế, còn màu xám càng thấy doanh nghiệp đang đứng trước vô vàn khó khăn mà Quốc hội cần biết, Chính phủ cần thấy rõ để có giải pháp tháo gỡ ngay điểm nghẽn này.
“Doanh nghiệp ví như xương sống của nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển thì đất nước hưng thịnh, doanh nghiệp suy yếu thì nền kinh tế khó khăn. Bởi vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp phải sống thật, sống khỏe, cường tráng thì đất nước mới cường thịnh”, đại biểu Hoàng Đức Thắng khẳng định.
Do đó, trước mắt đại biểu đề nghị rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, về các quy định cứng nhắc, siết chặt quá mức, hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp, khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899