VN-Index quay đầu giảm gần 3 điểm, cổ phiếu HSG bị cắt margin
TCDN - Kết thúc phiên giao dịch 31/5, VN-Index giảm gần 3 điểm (tương đương 0,27%) xuống còn 1.075,17 điểm; nhóm CP có vốn hoá lớn trong rổ VN30 chịu tác động tiêu cực từ nguồn cung giá rẻ.
Việc nhóm CP có vốn hoá bị bán mạnh khiến cho VN-Index kết phiên cuối cùng của tháng 5 với số điểm giảm. Cụ thể, chỉ số này giảm gần 3 điểm (tương đương 0,27%) xuống còn 1.075,17 điểm. Tuy nhiên, bảng điện HoSE lại không phản ánh đúng thực tế khi số mã tăng là 225 mã (26 mã trần), trong khi số mã giảm là 167 mã (3 mã giảm sàn).
Ngược lại, bảng điện rổ VN30 chìm trong sắc đỏ với 19 mã giảm so với 8 mã tăng và 3 mã đi ngang là BCM, POW và STB. Theo thống kê, nhóm CP kéo giảm VN Index gồm có: PLX, SSI, VCB, VHM, VIC, VJC, VRE, VPB, TCB, HDB, MSN, BVH, GVR, MBB.
Thanh khoản tiếp tục là điểm cộng của thị trường phiên hôm nay với hơn 924 triệu CP được chuyển nhượng trên sàn HoSE, tương đương giá trị giao dịch đạt 15.818 tỷ đồng. Trên cả 3 sàn, tổng giá trị giao dịch đạt gần 18.520 tỷ đồng.
Không chịu sức ép giảm giá từ CP lớn, cả HNX-Index và UPCoM-Index cùng kết phiên hôm nay trong sắc xanh. Cụ thể, HNX-Index tăng 1,48 điểm (0,67%), còn UPCoM-Index tăng 0,38 điểm (0,46%).
Ngày 30/5/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM ra thông báo về việc bổ sung danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Theo đó, cổ phiếu HSG của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) lọt tầm ngắm do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng niên độ tài chính 2022-2023 là số âm.
Cụ thể, trong nửa đầu niên độ tài chính 2022 - 2023, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 14.898,3 tỷ đồng, giảm 49,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 424,2 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 873 tỷ đồng, tức giảm 1.297,2 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 12%, về chỉ còn 7,3%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 69,2% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 2.458,8 tỷ đồng, về 1.093,7 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 15,8%, tương ứng giảm 19,8 tỷ đồng, về 105,5 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 1,2%, tương ứng giảm 2,3 tỷ đồng, về 188,6 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 42,5%, tương ứng giảm 1.045,1 tỷ đồng, về 1.411,8 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong nửa đầu niên độ 2022-2023, Hoa Sen ghi nhận lỗ 506,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 904,7 tỷ đồng, tức giảm 1.411,4 tỷ đồng.
Như vậy, lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, đây chính là nguyên nhân chính dẫn tới lỗ trong nửa đầu niên độ tài chính 2022-2023.
Được biết, theo quy định hiện hành, nếu lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo tài chính soát xét bán niên là số âm, cổ phiếu sẽ bị đưa vào danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
Căn cứ vào Báo cáo tài chính bán niên của Hoa Sen, với việc ghi nhận lỗ 424,2 tỷ đồng, cổ phiếu HSG sẽ sớm bị đưa vào danh sách cổ phiếu không được cấp margin. Trong đó, hiện nay, theo dữ liệu của Chứng khoán SSI, đơn vị này đang cấp margin với tỷ lệ 50% cho cổ phiếu HSG.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899