Đại biểu Quốc hội: "Xóa nợ thuế làm tổn thương ngân sách"

02/11/2019, 08:32

TCDN - Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) çho rằng, việc xoá khoản nợ 20.000 tỷ đồng nghĩa với việc làm tổn thất ngân sách.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại hội trường.

Ngày 1/11, Quốc hội thảo luận về Nghị quyết về khoanh, xoá tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách, VnExpress cho biết.

Ông Nghĩa tính toán, với tổng số tiền Chính phủ đề xuất khoanh, xoá nợ lần này trên 20.000 tỷ đồng, trong đó gần 16.400 tỷ đồng là tiền chậm nộp, phạt chậm nộp, đem chia cho mỗi hộ nghèo thì bình quân mỗi nhà sẽ có 1 triệu đồng. "20 triệu hộ thuộc diện nghèo sẽ được hưởng số tiền này, nhưng thực tế là không và ngân sách bị tổn thất khi xoá số nợ thuế trên", ông Nghĩa nói. 

Theo ông, nếu chỉ thông qua về nguyên tắc thì quá trình triển khai thực hiện có thể đẻ ra tiếp nhiều tiêu cực. Vì thế, chuyện nói "cứ quyết đi rồi sau này phát hiện sẽ xử lý, thu hồi chắc chắn là việc rất khó". 

Nhất trí cần thiết ban hành nghị quyết xử lý nợ thuế, nhưng bà Bùi Thị Quỳnh Thơ - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế lưu ý, việc xử lý nợ vừa tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế nhưng cũng cần phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi hoặc cố tình chây ì nợ thuế.

Bà Thơ cho rằng, số tiền xóa nợ rất lớn nên dự thảo nghị quyết cần nêu rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan khi để xảy ra việc xóa nợ thuế sai đối tượng, tránh tình trạng lợi dụng chính sách hoặc lợi ích nhóm làm thiệt hại ngân sách nhà nước.

Về các đối tượng được đề xuất xử lý tiền nợ thuế đó là người chết, song thực tế có những người chết vẫn có người thừa kế pháp lý, nghĩa là vẫn tồn tại theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.

"Các nghĩa vụ tài sản được thực hiện như các khoản nợ thuế và các khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước tiền phạt. Như vậy, trường hợp này đối tượng thừa kế vẫn phải có trách nhiệm", đại biểu Quỳnh Thơ nhấn mạnh.

Ông Dương Minh Tuấn - Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho rằng, phải huỷ quyết định xoá, khoanh nợ thuế với trường hợp phát hiện người nộp thuế quay lại sản xuất kinh doanh hoặc lập doanh nghiệp mới. Khoản nợ thuế đã xoá khi đó phải nộp đầy đủ vào ngân sách. 

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói, không phải ban hành nghị quyết này là xóa ngay được nợ, mà phải căn cứ vào từng đối tượng, hồ sơ đáp ứng các điều kiện cụ thể thì khoản nợ mới được xử lý.

Thuyết phục thêm các đại biểu, Bộ trưởng Tài chính cho hay, cơ quan thuế vẫn theo dõi chi tiết từng đối tượng cụ thể trong diện được xóa nợ, khoanh nợ.

Thúy Hà (T/h)
Bạn đang đọc bài viết Đại biểu Quốc hội: "Xóa nợ thuế làm tổn thương ngân sách" tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan