Đại gia hàng không Nhật Bản đặt cược vào hàng không giá rẻ để chống chọi COVID-19

11/05/2021, 10:09

TCDN - Hàng không giá rẻ trở thành hy vọng của hai tập đoàn hàng không Nhật Bản khi họ vẫn đang phải tiếp tục "đốt" tiền và giảm chi phí để duy trì hoạt động.

Trong bối cảnh thị trường du lịch thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ đại dịch COVID-19, hai tập đoàn hàng không của Nhật Bản là ANA Holdings (ANA) và Japan Airlines (JAL) đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tận dụng những xu hướng tích cực nhất định, bao gồm cung cấp các dịch vụ giá rẻ.

Do nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng có cơ hội phục hồi nhanh hơn nhiều so với các chuyến đi công tác, ANA và JAL đều đang tăng cường hợp tác với các hãng hàng không giá rẻ.

Vốn là những nhà cung cấp dịch vụ đầy đủ, chiến lược của ANA và JAL có thể là con dao hai lưỡi, theo nhận định của giới chuyên gia hàng không.

ANA, công ty mẹ của All Nippon Airways Co., dự định tung một thương hiệu hàng không giá rẻ (LCC) mới trong giai đoạn từ nay đến tháng 3/2023, với các chuyến bay kết nối Nhật Bản tới Đông Nam Á và châu Đại Dương.

Hành khách và tiếp viên của hãng hàng không JAL trên một chuyến bay. Ảnh: Kyodo

Hành khách và tiếp viên của hãng hàng không JAL trên một chuyến bay. Ảnh: Kyodo

Đối thủ nội địa của ANA là JAL sẽ hợp nhất với Spring Airlines Japan vào tháng 6. Spring Airlines Japan, doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn hàng không giá rẻ Spring Airlines của Trung Quốc, sẽ hoạt động song song với một hãng giá rẻ khác là Zipair Tokyo của ANA. Zipair Tokyo đã bắt đầu hoạt động từ năm ngoái, khi đại dịch hoành hành.

Động thái ấy phản ánh sự thay đổi chiến lược của JAL, nhằm tách biệt khỏi những quan điểm thận trọng đối với các thương hiệu hàng không giá rẻ mà hãng từng đề cập.

Yuji Akasaka, Chủ tịch JAL, phát biểu tại cuộc họp báo hôm 7/5: "Đại dịch COVID-19 đang tác động đáng kể đến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không và hành vi người tiêu dùng, cùng với môi trường thị trường. Trong bối cảnh đó, chúng tôi sẽ thúc đẩy cải cách để tạo ra một cấu trúc kinh doanh bền vững. Chúng tôi (JAL) sẽ nghiêm túc vun đắp cho tiềm năng phát triển của thị trường hàng không giá rẻ". 

Chủ trương hướng về dịch vụ giá rẻ của hai hãng hàng không hàng đầu Nhật Bản diễn ra khi họ vẫn đang phải tiếp tục "đốt" tiền và cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động.

Với năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2021, ANA lỗ ròng kỷ lục lên tới 404,62 tỷ yen (tương đương 3,7 tỷ USD), trong khi JAL cũng công bố khoản lỗ ròng 286,69 tỷ yen, khoản lỗ đầu tiên của hãng kể từ năm 2012.

Song Shinya Hanaoka, một giáo sư về chính sách hàng không tại Học viện Công nghệ Tokyo, cảnh báo rằng việc nhờ cậy vào các LCC có thể chỉ cung cấp giải pháp nhất thời.

"Thương hiệu hàng không giá rẻ là một chiến lược kinh doanh an toàn trước mắt. Tuy nhiên, những phương như thế chưa đủ để trở thành nguồn lực doanh thu mạnh mẽ cho các tập đoàn", Shinya Hanaoka bình luận.

Nhã Vy
Bạn đang đọc bài viết Đại gia hàng không Nhật Bản đặt cược vào hàng không giá rẻ để chống chọi COVID-19 tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Đường sắt bết bát vì hàng không giá rẻ?
Kết thúc năm 2019, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (VNR) tiếp tục ghi nhận những số liệu không mấy khả quan khi không đạt kế hoạch đặt ra, nối dài những khó khăn, đà tụt giảm, khi bị cạnh tranh về hành khách với hàng không gia rẻ và hàng hóa với hàng hải, đường bộ.