Đầu tư mạo hiểu cho Startup: Không đầu tư giai đoạn đầu, chỉ đầu tư dự án lớn

31/01/2020, 09:10

TCDN - Quỹ đầu tư mạo hiểm được xem là nguồn vốn quan trọng thứ hai, sau vốn tự tích lũy của các start up. Tuy nhiên, bình quân mỗi năm chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp Việt Nam nhận được đầu tư từ những quỹ này.

maohiem_1

Chỉ 10 doanh nghiệp nhận được đầu tư

Bà Hoàng Thị Hải Yến, Khoa Khoa học Quản lý, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện các nhà đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, họ hầu hết không đầu tư từ giai đoạn đầu và không đầu tư nhỏ mà đầu tư vào những dự án lớn, có quy mô hàng trăm nghìn USD. 

Thêm nữa, số lượng vốn đầu tư của các nhà đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp ở Việt Nam chưa nhiều, các quỹ như IDG Ventures Vietnam, Mekong Capital, Vina Capital đại diện cho là sóng đầu tư thứ nhất xuất hiện tại Việt Nam từ trước năm 2007. Các quỹ Cyber Agent, 500 start up, Golden Gate Ventures là đại diện cho làn sóng thứ hai và đang tích cực tìm kiếm các cơ hội đầu tư và các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam. Thế nhưng, có một thực tế là bình quân mỗi năm chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp Việt Nam nhận được đầu tư từ những quỹ này. Đây là một con số khá khiêm tốn so với khoảng 300 doanh nghiệp được đầu tư mỗi năm tại các thị trường như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc. Đặc biệt, chưa có quỹ nào thành lập pháp nhân tại Việt Nam mà vẫn thông qua văn phòng đại diện chi nhánh hoặc là một bộ phận của công ty quản lý.

Ngoài vấn đề số lượng ít ỏi, chất lượng các dự án đầu tư khởi nghiệp cũng chưa cao đòi hỏi vòng đầu tư dài hơi. Theo ông Nguyễn Lân Trung Anh - IDG Ventures Vietnam, thời gian trung bình để doanh nghiệp khởi nghiệp đạt được thành công ở Việt Nam là 6,6 năm, trong khi ở Mỹ trung bình các doanh nghiệp chỉ cần 3 - 4 năm. Nguyên nhân của tình trạng này là các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam thường trong tình trạng cô lập thiếu đối thủ lành mạnh, do đó thiếu chất xúc tác để có thể khai phá thị trường và phát triển mạnh mẽ.

TS. Trần Quang Vinh - Giám đốc điều hành quỹ Pinehill, kiêm cố vấn cho Chính phủ Mỹ về đầu tư hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp cho rằng, nhược điểm cơ bản của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam là thiếu kinh nghiệm và những kỹ năng cơ bản để chuyển hóa một cách hiệu quả các ý tưởng đổi mới sáng tạo thành sản phẩm dịch vụ đưa ra thị trường. Ở các nước phát triển cá các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm hơn về đầu tư nên vòng đầu tư từ ý tưởng đến khởi nghiệp gọi vốn đầu tư mạo hiểm và chuyển sang các giai đoạn tiếp theo trong đầu tư mạo hiểm trước khi làm IPO - có thể được tăng tốc rút ngắn. Còn ở Việt Nam, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có thêm những bước đệm để được huấn luyện, bồi dưỡng kinh nghiệm và các kỹ năng tối thiểu về kinh doanh quản trị tiếp thị. Với những hạn chế này, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đạt được thành công lần đầu ở tuổi đời khá muộn, trung bình là 28,5 tuổi, trong khi tuổi đời trung bình của các doanh nhân khởi nghiệp thành công lần đầu ở Mỹ là 23 tuổi.

Một vấn đề khác, loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp mang lại thành công cho nhà đầu tư mạo hiểm chủ yếu và liên quan tới công nghệ thông tin. Do đặc thù số vốn bỏ ra ban đầu không cần nhiều trong khi tiềm năng gia tăng giá trị doanh nghiệp trong tương lai nếu thành công là rất cao. Đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc các ngành công nghiệp quan trọng khác, ví dụ như công nghệ sinh học hay dữ liệu việc thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư mạo hiểm là một thách thức không nhỏ do số vốn phải đầu tư ban đầu tương đối cao để mua sắm nhà xưởng phòng thí nghiệm thiết bị và tiềm năng lợi nhuận không đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.

8-1

Trung gian thu hút vốn đầu tư cần được công nhận

Lý giải nguyên nhân các quỹ đầu tư mạo hiểm chưa thực sự mặn mà với start up Việt, bà Hoàng Thị Hải Yến nhấn mạnh, cho tới nay hoạt động đầu tư mạo hiểm chưa từng được định nghĩa trên các văn bản pháp luật của Việt Nam, cũng chưa có cơ chế quản lý, khuyến khích phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong khi, đối với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước, các trung gian thu hút vốn đầu tư họ thường cần được công nhận và có điều kiện thành lập và hoạt động một cách dễ dàng. Cụ thể ở Việt Nam chưa có các quy định về việc thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân, chỉ có quy định về việc thành lập các quỹ đầu tư chứng khoán với các điều kiện ngặt nghèo mà các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp khó có thể đạt được. 

Chính vì các lý do nêu trên đến nay vẫn chưa có các quỹ đầu tư mạo hiểm được thành lập tại Việt Nam, kể cả các quỹ đầu tư của nước ngoài cũng thành lập quỹ tại các thiên đường thuế và chỉ thành lập văn phòng đại diện ở Việt Nam. Các luật về thuế của Việt Nam cũng chưa khuyến khích hoạt động đầu tư mạo hiểm, ví dụ do Việt Nam chưa có thuế thu nhập thặng dư nên đối với nhà đầu tư cá nhân, đầu tư cho khởi nghiệp khi thoái vốn họ sẽ thuộc đối tượng bị thu thuế cao cho khoản đầu tư có lợi và không được tính theo phương pháp bù trừ cho các đầu tư lỗ. Trong khi đó, do tính chất của hoạt động đầu tư mạo hiểm, tỷ lệ thất bại cao hơn nhiều so với tỷ lệ thành công, chỉ khoảng 3 - 10%.

Để vốn đầu tư của các nhà đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp ở Việt Nam, phát huy vai trò của nhà nước trong việc giải quyết khiếm khuyết của thị trường và hỗ trợ các startup các chuyên gia khuyến nghị, kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự kết hợp chặt chẽ hài hòa với khu vực tư nhân trong đầu tư khởi nghiệp là một trong ba yếu tố chính tạo thành công cho các quốc gia có hoạt động khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh.

Hiện Việt Nam đã hình thành được các nguồn vốn dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp, chủ yếu là một số quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư thiên thần nước ngoài. Tuy nhiên, rõ ràng Việt Nam chưa phát huy được vai trò của Nhà nước trong đầu tư cho khởi nghiệp. Trong khi nhiều quốc gia khác, nhà nước đóng vai trò là một nhà đầu tư lớn, ở Việt Nam, Nhà nước chưa thể đầu tư được cho khởi nghiệp vì một số lý do liên quan tới cơ chế tài chính. 

Các rào cản này được chỉ ra bởi nguyên nhân chính là nguyên tắc bảo toàn vốn trong chi ngân sách nhà nước, do đó khi đặt câu hỏi có nên hay không tham gia thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm của Nhà nước tồn tại hai luồng quan điểm trái ngược. Một số chuyên gia cho rằng nên hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm của nhà nước như mô hình của Israel. Tuy nhiên, một số chuyên gia khác e ngại không khả thi. Bởi cơ chế tài chính hoặc thiếu ngân sách. Các quy định về các quỹ từ ngân sách nhà nước hiện nay cũng không thể giải ngân được nếu không thay đổi cơ chế tài chính. Chính vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần xác định Nhà nước muốn hay không muốn tham gia vào đầu tư cho khởi nghiệp để tư vấn ban hành những quy định và hướng dẫn cụ thể dành riêng cho đối tượng này. Theo đó, để phát huy vai trò của nhà nước trong việc giải quyết các khiếm khuyết của thị trường tài chính dành cho khởi nghiệp thông qua một số điểm lưu ý. Thứ nhất, Nhà nước chung tay chia sẻ những rủi ro trong hoạt động đầu tư mạo hiểm. Cụ thể, rủi ro đối với ngân hàng có thể được chia sẻ thông qua hoạt động bảo lãnh công nghệ trong tín dụng. Rủi ro đối với các nhà đầu tư có thể được chia sẻ khi nhà nước đối ứng với vốn đầu tư của quỹ đầu tư mạo hiểm các nhà đầu tư thiên thần. Để làm được như vậy, cần sửa đổi bổ sung các quy định của Bộ Luật hình sự, Luật Ngân sách và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp để đảm bảo hoạt động đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp khởi nghiệp được hiệu quả.

Thứ hai, Nhà nước tham gia vào hoạt động đầu tư mạo hiểm cho các lĩnh vực khoa học công nghệ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và kinh tế quốc gia như: công nghệ sinh học vật liệu mới, nông nghiệp sạch mà các nhà đầu tư tư nhân chưa mấy mặn mà. Thực tế hiện nay không chỉ các nhà đầu tư mạo hiểm hoặc các nhà đầu tư thiên thần, các cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh tư nhân cũng đang chỉ tập trung vào lĩnh vực thông tin và truyền thông, chưa hề đi vào lĩnh vực khoa học công nghệ khác.

Thứ ba, Nhà nước hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng khởi nghiệp trong giai đoạn đầu. Trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, khi đối tượng khởi nghiệp chỉ có ý tưởng công nghệ chưa thực sự có nguồn thu, doanh nghiệp sẽ khó gọi được vốn đầu tư từ các quỹ, do đó Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư cho đối tượng khởi nghiệp trong giai đoạn đầu. Như vậy có thể bằng cách trực tiếp đầu tư hoặc đối ứng đầu tư với nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư cho giai đoạn đầu. Giai đoạn phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp càng sớm, tỷ lệ đối ứng của Nhà nước càng cao.

Theo thống kê từ Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã và đang hoạt động tại Việt Nam, tăng khoảng 30% so với năm 2016. Trong đó hầu hết các nhà đầu tư mạo hiểm hiện nay ở Việt Nam là các nhà đầu tư nước ngoài, điển hình như: IDG Ventures Vietnam, Mekong Capital, Vina Capital, Cyber Agent…

Bên cạnh đó trong 2 năm 2016 - 2017 nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa cũng được thành lập và tham gia vào thị trường đầu tư mạo hiểm như SeedCom, FPT Ventures, 500 Startups Vietnam, VIISA, ESP… Một số ngân hàng, công ty lớn như Vietcombank, BIDV, VPBank, Việt Á Bank, Tổng công ty Dầu khí có một số công ty Quản lý Quỹ để quản lý các quỹ.

Thi Thi

Tạp chí số Xuân 2020
Bạn đang đọc bài viết Đầu tư mạo hiểu cho Startup: Không đầu tư giai đoạn đầu, chỉ đầu tư dự án lớn tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thu hút vốn FDI cho startup Việt: Ngoài ý tưởng sáng tạo nổi bật cần có sự chuyên nghiệp, trung thực, rõ ràng
Sự đổ bộ của các quỹ đầu tư nước ngoài đã mở ra cơ hội đối với các startup Việt. Tuy nhiên, để có thể gọi vốn thành công, startup Việt buộc phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe thông qua hồ sơ, BCTC và các kế hoạch dự kiến - bà Nguyễn Thy Nga - Sáng lập viên V-startup Việt Nam chia sẻ.