Thu hút vốn FDI cho startup Việt: Ngoài ý tưởng sáng tạo nổi bật cần có sự chuyên nghiệp, trung thực, rõ ràng

30/01/2020, 13:58

TCDN - Sự đổ bộ của các quỹ đầu tư nước ngoài đã mở ra cơ hội đối với các startup Việt. Tuy nhiên, để có thể gọi vốn thành công, startup Việt buộc phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe thông qua hồ sơ, BCTC và các kế hoạch dự kiến - bà Nguyễn Thy Nga - Sáng lập viên V-startup Việt Nam chia sẻ.

Bà Nguyễn Thy Nga - Sáng lập viên V-startup Việt Nam

Bà Nguyễn Thy Nga - Sáng lập viên V-startup Việt Nam

Theo bà sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các startup Việt được thể hiện như thế nào?

Vốn đầu tư nước ngoài nói chung, các quỹ đầu tư nước ngoài nói riêng gần đây đã dành mối quan tâm lớn tới startup Việt. Theo báo cáo thường niên về tình hình đầu tư vào các tác của TFI trong năm 2017 startup Việt đã được đầu tư khoảng 291 triệu USD, trong đó có 46 triệu USD từ vốn đầu tư trong nước và 245 triệu USD từ các vốn đầu tư nước ngoài. Con số đó đã tăng lên 889 triệu USD vào năm 2018 với 92 thương vụ đầu tư.

Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài như Golden Gate Ventures,Topica, Access Ventures… sẽ đầu tư cho các startup Việt triển vọng với tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng trong 3 năm tới. Ngoài ra, Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu cũng công bố khoản đầu tư 3 triệu Euro cho cộng đồng startup Việt.

Cùng với việc hội nhập sâu rộng thị trường quốc tế, Chính phủ đã và đang có nhiều chính sách khuyến khích nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Chính phủ cũng có nhiều chương trình liên kết với nước ngoài nhằm nâng cao đào tạo hỗ trợ các khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng kết nối Việt Nam với các cơ hội kinh doanh toàn cầu. Điển hình như chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan, chương trình đã thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ngay từ thời kỳ đầu của làn sóng khởi nghiệp Việt Nam. Trải qua 2 giai đoạn chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan đã giúp nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng phát triển và hướng ra thế giới. Trong số đó có doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam giành được giải thưởng khởi nghiệp toàn cầu ở Mỹ, đây là nhóm khởi nghiệp được chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan hỗ trợ tài chính và đào tạo khởi nghiệp ngay từ khi mới lên ý tưởng.

Có thể thấy, quỹ đầu tư nước ngoài đã dần trở thành cơ hội lớn mang tầm ảnh hưởng quan trọng đối với các startup của Việt Nam, quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?

Sự đổ bộ của các quỹ đầu tư nước ngoài đã mở ra một cơ hội lớn đối với các startup Việt. Các quỹ đầu tư không những có nguồn vốn lớn mà còn có thể chuyển giao công nghệ khoa học hiện đại, giúp cải thiện trình độ chuyên môn, trình độ quản lý - những điều cần thiết để các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển bền vững và lâu dài. Cùng với đó các quỹ đầu tư nước ngoài còn đem tới một lượng đối tác khách hàng, giúp mở ra cơ hội cho các startup Việt tiến tới thị trường quốc tế.

Để có thể gọi đầu tư thành công các startup Việt buộc phải đáp ứng được những yêu cầu vô cùng khắt khe từ các nhà đầu tư nước ngoài, ngoài một ý tưởng sáng tạo nổi bật và có hiệu quả các startup Việt cũng cần có một sự chuyên nghiệp, trung thực, rõ ràng thông qua bộ hồ sơ gọi vốn, báo cáo tài chính và các kế hoạch dự kiến. Không những thế các startup Việt cũng phải tìm hiểu và nắm rõ ngôn ngữ văn hóa truyền thống và chuẩn mực xã hội các quốc gia của các nhà đầu tư mà mình hướng tới. Điều quan trọng nhất là phải nắm bắt nhanh kịp thông tin cơ hội trướckhi bị vuột mất.

7-6

Các dự án của các startup sinh viên, có thể tiếp cận được nguồn vốn này không?

Hiện nay có nhiều bạn sinh viên khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong các trường đại học có nhiều câu lạc bộ, hội sinh viên khởi nghiệp, một số trường đã mở các chương trình đào tạo liên quan tới khởi nghiệp như chương trình đào tạo khởi nghiệp và Phát triển kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có nhiều chương trình khởi nghiệp dành cho các bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp, gia tăng kỹ năng kiến thức.. .

Tuy nhiên, các dự án của các bạn sinh viên đa số vẫn còn khá non, vấp phải nhiều khó khăn. Cũng như các startup Việt khác, các bạn sinh viên cũng gặp những khó khăn về vốn, cơ sở vật chất, kỹ năng quản trị, khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính. Không những thế các bạn còn thiếu hụt kinh nghiệm ứng xử - những thứ không thể học trên ghế nhà trường, vì vậy việc hỗ trợ là vô cùng cần thiết. Vốn đầu tư nước ngoài chính là một mục tiêu lớn cho các sinh viên hướng tới là động lực thúc đẩy để cố gắng hoàn thiện hơn. Vốn đầu tư nước ngoài giúp mở ra cơ hội phát triển, hoàn thiện dự án, tích lũy kinh nghiệm. Khi có thể tiếp cận những hỗ trợ để gọi vốn đầu tư từ nước ngoài, các bạn sẽ có cơ hội tiếp cận được nguồn thông tin, được đào tạo rèn luyện học hỏi và mở ra cơ hội phát triển toàn cầu.

7-3

Liệu có phải Việt Nam đang bỏ lỡ cơ hội đầu tư và thu lời từ các startup tỷ đô vì đa phần startup Việt Nam đang được các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài tài trợ vốn?

Chính phủ hiện có nhiều quyết định, đề án để tăng hiểu biết và hỗ trợ đối với các startup Việt. Trong đó, quyết định 844/2016/QĐ-TTg đưa ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ hỗ trợ phát triển 2000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; giúp 100 doanh nghiệp tham gia đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm thực hiện mua bán sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các startup chỉ được ban hành lần đầu tiên vào năm 2016, một số vẫn đang trong quá trình hoàn thành. Các quyết định, đề án chỉ mang tính định hướng. Các tiêu chí hỗ trợ chủ yếu cho các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp các startup có thể không tiếp cận được hoặc không có nguồn thông tin. Không những thế tình trạng ngân sách nhà nước còn hạn chế và mang tính chất vốn mồi. 

Hiện các doanh nghiệp và các nhà đầu tư như cá nhân Việt Nam cũng đã bắt đầu quan tâm tới startup, đặc biệt, nhiều tập đoàn doanh nghiệp trong nước lớn như FPT, Viettel, Vingroup, Cengroup đã tham gia đầu tư mạo hiểm với các quỹ đầu tư như FPT Ventures, Seed Con, CMC InnovationFund… Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như V- Startup, VSV… cũng có nhiều hỗ trợ về kiến thức kĩ năng và hỗ trợ gọi vốn cho startup với nhiều nguồn cung cấp các đã dễ dàng tiếp cận với các quỹ đầu tư. Tuy nhiên nguồn lực của các quỹ này còn non trẻ và còn nhiều hạn chế.

Trong bối cảnh như vậy, các quỹ đầu tư là một sự hỗ trợ thiết thực mà các startup có thể hướng tới. Quỹ đầu tư nước ngoài không chỉ là mang lại nguồn vốn và quan trọng nhất là những kiến thức, kĩ năng các startup học được khi tiếp cận môi trường khởi nghiệp toàn cầu.

Thu Hà

Tạp chí số Xuân 2020
Bạn đang đọc bài viết Thu hút vốn FDI cho startup Việt: Ngoài ý tưởng sáng tạo nổi bật cần có sự chuyên nghiệp, trung thực, rõ ràng tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899