Đề nghị không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư
TCDN - Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, thời hạn sở hữu nhà chung cư là quy định can thiệp đến quyền sở hữu, tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nên lựa chọn phương án không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Theo Cổng thông tin Điện tử Quốc hội, chiều 9/3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)”.
Góp ý về thời hạn sở hữu nhà chung cư tại Dự thảo, Phó tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thành viên Hội đồng khoa học của UBTVQH Đậu Anh Tuấn cho rằng, đây là quy định mới và nhận được sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp.
Theo Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, cần cân nhắc, xem xét một số vấn đề như: Đánh giá tác động quy định, về bảo đảm quyền sở hữu tài sản của người dân; về mối quan hệ với quyền sử dụng đất;…
Ngoài ra, ông Đậu Anh Tuấn cũng lưu ý, thời hạn sở hữu nhà chung cư là quy định can thiệp đến quyền sở hữu, tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản vì vậy cần phải được đánh giá tác động một cách thận trọng và kỹ càng. Trong hai phương án Dự thảo đưa ra, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lựa chọn phương án không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Cùng quan điểm, PGS.TS Đặng Minh Tuấn, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, cần tiến hành đánh giá tác động quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư một cách kỹ lưỡng, tránh ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng,...
PGS.TS Đặng Minh Tuấn nói, Luật sửa đổi cần nghiên cứu nhấn mạnh hơn cách tiếp cận về bảo đảm quyền có chỗ ở và sở hữu nhà ở của công dân. Đồng thời, Luật bổ sung các quy định bảo đảm quyền của các cá nhân, công dân và các nhóm yếu thế trong xã hội theo pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia trên thế giới.
Theo dự thảo Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đề xuất 2 phương án về sở hữu nhà chung cư.
Phương án 1, bổ sung quy định về sở hữu nhà chung cư, theo đó, quy định cụ thể về căn cứ xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu sau khi nhà chung cư bị phá dỡ.
Với phương án 1, khoản 2 điều 25 quy định: “Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế nhà chung cư theo kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền (gọi chung là tuổi thọ công trình). Thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế phải được ghi rõ trong văn bản thẩm định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xây dựng”.
Phương án 2 là giữ nguyên như quy định hiện hành, người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài.
Tại hội nghị phản biện xã hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa tổ chức, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, việc bổ sung quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư trong trường hợp nhà chung cư không còn đủ điều kiện an toàn cho người sử dụng, là không xác đáng và không phù hợp với thực tiễn. Không thể đánh đồng những nhà chung cư đã xuống cấp, hết hạn hiện nay với những nhà chung cư hình thành quyền sở hữu từ quyền mua, bán hợp pháp theo giá thị trường vào những năm nhà nước có chủ trương phát triển thị trường nhà ở.
Cũng theo ông Đường, nhà chung cư thời trước đây chủ đầu tư là nhà nước, không gắn với trách nhiệm của một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Công trình nhà chung cư gắn liền với nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng công trình, vì vậy cần gắn với quyền, nghĩa vụ doanh nghiệp xây nhà chung cư và trách nhiệm quản lý của Nhà nước với công trình chung cư. Tuy nhiên, những quy định của Khoản 3 Điều 25 không thấy trách nhiệm của nhà đầu tư đâu cả.
Đề cập đến quy định quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà chung cư bị phá dỡ ở Khoản 1 Điều 26, ông Trần Ngọc Đường nhìn nhận nội dung này là thiếu toàn diện, không hợp tình, hợp lý lý. Bởi nếu không xử lý thỏa đáng hậu quả của việc tuyên bố chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư của chủ sở hữu, thì thị trường bất động sản về nhà chung cư sẽ kém sôi động, người dân kém nhiệt tình với việc ở nhà chung cư.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899