Đề xuất giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0%
TCDN - Trước kiến nghị của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi Việt Nam và chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo.
Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam (VFA) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương.
Theo VFA, từ cuối tháng 12/2021, thuế nhập khẩu lúa mỳ từ 3% đã giảm xuống còn 0%; ngô giảm từ 5% xuống còn 2%. Trong khi đó, khô đậu tương là mặt hàng có giá thành cao, là nguyên liệu chính trong công thức sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng vẫn giữ mức thuế nhập khẩu 2%, gây nhiều áp lực lên chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Tình trạng này gián tiếp dẫn tới 45-50% trang trại chăn nuôi lớn treo chuồng và khoảng 70-75% gia trại và hộ chăn nuôi nhỏ tạm ngừng tái đàn do giá bán sản phẩm chăn nuôi không bù đắp được chi phí thức ăn.
Do đó, nếu thuế nhập khẩu khô đậu tương được giảm về 0% sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành thức ăn chăn nuôi trong nước.
Thông qua việc giảm mức thuế nhập khẩu này cũng sẽ góp phần kiểm soát lạm phát và đảm bảo đời sống người chăn nuôi. Bởi hiện nay, khô đậu tương là mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sản lượng nhập khẩu về Việt Nam lớn thứ hai và kim ngạch nhập khẩu lớn nhất trong các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Cùng đó, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT đề xuất giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0%.
Trước kiến nghị của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam giảm thuế nhập khẩu khô dầu đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành sản xuất trong nước, theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo.
Cụ thể, Bộ Tài chính chủ trì với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét, xử lý kiến nghị của Hiệp hội trong sửa đổi các văn bản liên quan về thuế nhập khẩu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định pháp luật.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899