Đề xuất giảm thuế nhập khẩu thịt lợn, thịt gà

10/12/2019, 08:37

TCDN - Bộ Tài chính vừa có đề xuất giảm mức thuế nhập khẩu một số mặt hàng thịt gà và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh, một số mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế nhập khẩu các mặt hàng thịt gà đã chặt mảnh và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh từ 20% xuống 18%.

Theo Bộ Tài chính, qua số liệu thống kê so với năm 2018, lượng nhập khẩu thịt gà của Việt Nam tăng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2019 nhưng đã giảm dần từ tháng 6 đến nay. Mặt khác, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì việc tăng lượng nhập khẩu xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân dịch tả lợn nên người dân chuyển sang tiêu dùng thịt gà.

"Trong các nhóm hàng nông nghiệp, nhóm mặt hàng thịt gà là nhóm Việt Nam thực hiện bảo hộ cao, trong các Hiệp định thuế quan hoặc trong quá trình đàm phán, nhóm hàng này luôn trong nhóm nhạy cảm cao, không cam kết cắt giảm hoặc nếu buộc phải cắt giảm sẽ vào giai đoạn cuối cùng khi thực hiện cam kết", Bộ Tài chính nhận định.

nhu-cau-tieu-thu-thit-lon-tai-cac-sieu-thi-tang-manh-12

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu thịt lợn, thịt gà. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh thịt gà, Bộ Tài chính cũng xin ý kiến giảm thuế nhập khẩu thịt lợn tươi và ướp lạnh, trừ thịt nguyên con và nửa con, trừ thịt mông đùi và vai, từ 25% xuống 22%. Theo Bộ Tài chính, điều chỉnh này có thể làm tăng số thu ngân sách nhà nước từ việc tăng sản lượng nhập khẩu. 

Bộ Tài chính cũng dẫn số liệu thống kê của Hội chăn nuôi Việt Nam giai đoạn 2016-2019 cho thấy, Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về sản lượng thịt lợn và thứ 7 toàn cầu về số lợn giết mổ. Hiện nay trên cả nước vẫn còn 85% đàn lợn, lượng đàn lợn tiêu hủy chiếm khoảng 15%. Trong trường hợp thiếu thịt lợn, Việt Nam sẽ mở rộng quy mô tái đàn và bù đắp bằng gia tăng sản lượng bò, dê, gà. 

"Việc tăng nhập khẩu thịt lợn, trong trung và dài hạn là chưa thể đoán định, nhưng trong ngắn hạn, chăn nuôi trong nước vẫn đáp ứng được. Hơn nữa, người tiêu dùng Việt Nam chưa quen với thịt lợn nhập khẩu, vẫn sử dụng thịt lợn sản xuất trong nước là chính", Bộ Tài chính cho biết.

Dự báo, giá thịt lợn thời gian tới sẽ tăng do nguồn thịt lợn sẽ thiếu hụt trong năm nay, đặc biệt dịp cuối năm. Việc thiếu hụt không chỉ xảy ra ở thị trường nội địa mà còn ở nhiều nước khác.

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ vào đầu tháng 12/2019, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, dự kiến thời gian tới Việt Nam thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn. 

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã chỉ đạo nhập khẩu thịt lợn để bù đắp lượng thiếu hụt trên cơ sở phải đảm bảo cân đối lợi ích giữa người tiêu dùng và người chăn nuôi trong nước.

Bích Thảo
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất giảm thuế nhập khẩu thịt lợn, thịt gà tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản
Thuế nhập khẩu các mặt hàng thịt gà đã chặt mảnh và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh giảm từ 20% xuống 18%; mặt hàng táo tươi, nho tươi giảm từ 10% xuống 8%; Pho mát và sữa đông giảm thuế MFN từ 10% xuống 5%... là những đề xuất của Bộ Tài chính tại công văn 14813/BTC-CST ngày 6/12.
Thu thuế xuất nhập khẩu đã vượt chỉ tiêu
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến 30/11/2019, toàn ngành hải quan đã thu đạt 318.061 tỷ đồng, bằng 105,8% dự toán, bằng 100,8% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 11,43% so với cùng kỳ năm 2018.