Đề xuất lùi thời điểm, cân nhắc mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xe pick-up chở hàng
TCDN - Nhiều chuyên gia đề xuất lùi lại thời gian áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xe pick-up chở hàng cabin kép vài năm và giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe này có thể xuống tới 30 - 40%.
Hiện tại, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) quy định: xe hybrid, là loại xe sử dụng cả động cơ xăng và năng lượng điện, sẽ được áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 70% mức thuế suất đối với xe sử dụng động cơ đốt trong thông thường.
Về xe pick-up chở hàng cabin kép, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề xuất điều chỉnh thuế suất nhằm đảm bảo công bằng giữa các loại xe. Theo đó, xe pick-up sẽ chịu mức thuế cao hơn so với hiện tại, nhưng lộ trình tăng thuế sẽ được cân nhắc để tránh tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam.
Tại tọa đàm “Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với xe hybrid và xe pick-up: Giải pháp nào phù hợp” ngày 3/4, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, hiện xe xe hybrid sạc trong (HEV) đang được đề xuất mức thuế 70% và xe hybrid sạc ngoài (PHEV) được đề xuất thuế 50% (so với xe xăng), trong khi nhiều ý kiến đề xuất ưu đãi như nhau giữa 2 loại xe nói trên, mức 50%.
"Nếu bây giờ khuyến khích tất cả, cùng giảm 50% thì rất tốt. Phải có chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thân thiện với môi trường và tạo thói quen cho người tiêu dùng. Vì khi thuế giảm thì giá xe cũng giảm và khuyến khích người dân lựa chọn", bà Nguyễn Thị Cúc nói.
Bà Nguyễn Thị Cúc, nhận định rằng việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe hybrid có thể khiến ngân sách nhà nước giảm khoảng 5.000 tỷ đồng/năm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, chính sách này sẽ giúp tiết kiệm tới 26.000 tỷ đồng chi phí nhiên liệu và 28.000 tỷ đồng nhập khẩu dầu thô.
Đối với xe pick-up chở hàng, ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG, cho biết, ở Việt Nam, xe pick-up chở hàng cabin kép lưu hành ở đô thị chiếm gần 30%.

Còn lại, hơn 70% người tiêu dùng xe pick-up chở hàng cabin kép thuộc khu vực miền núi và các tỉnh ngoài Hà Nội và Tp.HCM. Trong số này, có hơn 64% là khách hàng cá nhân, gồm nông dân, kỹ sư, cá nhân kinh doanh tự do; nhóm này mua xe nhằm mục đích vận tải, kinh doanh thương mại với quy mô vừa và nhỏ. 36% khách hàng còn lại là các cơ quan, doanh nghiệp như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Tập đoàn Viettel…, dùng xe này để thực hiện nhiệm vụ quốc gia và các hoạt động chuyên ngành.
Theo bà Cúc, nên nhìn vào đối tượng sử dụng xe bán tải, 70% phục vụ ở nông thôn, chủ xe phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể. Tăng thuế suất cao ngay lập tức sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh và người dân ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
“Hiện, tôi nghiêng về phương án chúng ta lùi lại thời gian áp dụng, không phải là ngay từ 2026, có thể lùi lại vài năm. Thêm nữa, mức ở đây đang cân nhắc là 50%, 55% hoặc 60% của xe con chở người; chúng tôi nghĩ rằng chọn phương án 40% cũng rất phù hợp, thậm chí có thể tiếp thu mức thấp hơn là 30% cũng hài hòa”, bà Cúc phân tích.
Cũng từ góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Ngọc Thái, đại diện KPMG, cho rằng nên nên có lộ trình tăng thuế với xe pick-up chở hàng cabin kép, không nên tăng đột ngột mà nên tăng dần, bắt đầu từ năm 2027 hoặc 2028.
"Chính sách ban hành nên có lộ trình để người dân hoặc đối tượng được điều chỉnh có thời gian chuẩn bị. Không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như hộ kinh doanh cá thể, mà bản thân doanh nghiệp tham gia sản xuất phân khúc pick-up này cũng có lộ trình chuyển đổi của riêng họ", ông Thái nhấn mạnh.
Theo ông Trương Xuân Cừ, (đại biểu Hà Nội) cho rằng với xe pick-up chở hàng cabin kép nên áp mức thuế suất bằng 40-50% xe chở người. Bởi xe pick-up chở hàng cabin kép rất hữu dụng với nông thôn, miền núi, vừa chở người vừa chở sản phẩm hàng hóa. Với đặc điểm và tiêu chuẩn phân định rõ như vậy thì cần có chính sách thuế hướng tới bảo đảm yêu cầu phát triển ở các khu vực nông thôn miền núi - nơi mà chúng ta đang đặt trọng tâm; đặc biệt, ngành nông nghiệp rất quan trọng.
Đại biểu Phan Đức Hiếu kiến nghị chỉ nên tăng thuế với xe pick-up chở hàng cabin kép lên mức tối đa là dưới 50%, lý tưởng là 40% và bắt đầu từ năm 2028, chia theo từng giai đoạn như 2028 - 2030. Theo đó, đến năm 2030, mức tăng sẽ đạt thêm khoảng 15% so với hiện nay - tức là khoảng 5% mỗi năm. Đây là mức hài hòa, phù hợp với cách tiếp cận của doanh nghiệp.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899