Đề xuất miễn thuế, giảm lãi suất và hỗ trợ tiếp cận đất đai thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

15/05/2025, 14:03
báo nói -

TCDN - Sáng 15/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân trong đó có tập trung vào các chính sách miễn thuế, hỗ trợ tiếp cận đất đai, tài chính, tín dụng…

Theo Bộ trưởng, Nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Bộ Chính trị nêu tại Nghị quyết số 68 nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thuận cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, vươn tầm quốc tế nhằm tạo“cú hích, đòn bẩy, điểm tựa” tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân.

Dự thảo Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; áp dụng cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, Dự thảo thể chế hóa theo 5 nhóm chính sách lớn. Thứ nhất, cải thiện môi trường kinh doanh: Quy định về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, tiếp cận nguồn lực, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; Quy định về nguyên tắc xử lý các vi phạm, giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh; Giải quyết phá sản doanh nghiệp theo thủ tục rút gọn.

Thứ hai, hỗ trợ tiếp cận tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh: Quy định các chính sách hỗ trợ đặc biệt của nhà nước, cụ thể: Hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ; Hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công.

Thứ ba, hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công: Quy định hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp cho các dự án xanh, tuần hoàn…; mở rộng đối tượng, phạm vi hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ tài chính, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu.

Thứ tư, hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực: Quy định hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo thông qua các chính sách ưu đãi thuế cho các hoạt động này; nhà nước hỗ trợ xây dựng, hoặc thuê, mua các nền tảng dùng chung; Hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030.

Thứ năm, hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong: Quy định 02 chính sách cho nhóm doanh nghiệp này, bao gồm: Đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế xã hội, quan trọng quốc gia; Hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi.

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, Ủy tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn xây dựng ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; tán thành với phạm vi điều chỉnh và phạm vi thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội như Chính phủ đề xuất.

Về các nội dung cụ thể, (Điều 7), đối với quy định tại khoản 4 Điều 7 (về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ), Ủy ban đề nghị nghiên cứu hoàn thiện quy định này để tránh cơ chế “xin - cho”, trục lợi chính sách, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể về hình thức hoàn trả cho chủ đầu tư bảo đảm tính khả thi của quy định, tương ứng với hình thức trả tiền thuê đất.

Về hỗ trợ tài chính, tín dụng (Điều 9); hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực (Điều 13); hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu (Điều 15), để bảo đảm chính sách hỗ trợ lãi suất tại khoản 1 Điều 9 dự thảo Nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả, cần rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, bảo đảm quy định rõ ràng về tiêu chí xác định đối tượng cho vay, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra tại Điều 5 dự thảo Nghị quyết và Nghị quyết số 68-NQ/TW, bảo đảm cơ quan nhà nước, ngân hàng thương mại thực hiện nguyên tắc tự quyết định, tự chịu trách nhiệm.

Một số ý kiến đề nghị rà soát các nội dung mang tính tổ chức thực hiện, có khả năng phải thay đổi thường xuyên theo tình hình thực tế, không thuộc thẩm quyền Quốc hội xem xét, quyết định; hiện nay, các cơ quan của Chính phủ vẫn đã và đang triển khai thực hiện một số nội dung; đề nghị quy định tại văn bản của Chỉnh phủ theo tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW và Kết luận số 119-KL/TW.

Một số đề xuất hỗ trợ tài chính, tín dụng, thuế theo Dự thảo:

Điều 9: Hỗ trợ tài chính, tín dụng

1. Doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).

2. Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện các chức năng sau đây:

a) Cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa;

b) Cho vay khởi nghiệp;

c) Tài trợ vốn ban đầu cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo, dự án xây dựng vườn ươm;

d) Đầu tư vào các quỹ đầu tư địa phương, quỹ đầu tư tư nhân để tăng nguồn cung vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo;

đ) Tiếp nhận và quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều 10: Hỗ trợ thuế

1. Miễn thuế TNDN trong thời hạn 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Việc xác định thời gian miễn, giảm thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế TNDN.

2. Miễn thuế TNCN, thuế TNDN cho các cá nhân, tổ chức đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

3. Miễn thuế TNCN trong thời hạn 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

4. Miễn thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

5. Chi phí đào tạo và đào tạo lại nhân lực của doanh nghiệp lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNDN.

6. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 1/7/2026. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất miễn thuế, giảm lãi suất và hỗ trợ tiếp cận đất đai thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chủ tịch Quốc hội: Cải thiện môi trường đầu tư bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân cần có cơ chế chính sách hỗ trợ hình thành doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp tiên phong. Quan tâm cải thiện môi trường đầu tư theo phương châm phải bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng tương tự như doanh nghiệp FDI.
Thủ tướng: Cần xác định điểm nghẽn trong kinh tế tư nhân
Thủ tướng cho rằng cần xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng, đóng góp cũng như những điểm nghẽn, nút thắt khiến kinh tế tư nhân chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; mối quan hệ giữa kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác.

x