Miễn thuế TNDN 3 năm đầu: Hỗ trợ doanh nghiệp vượt “cửa tử”
TCDN - Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB nhận định Nghị quyết 68 nêu miễn thuế TNDN trong 3 năm đầu là một chính sách tuyệt vời bởi đây là giai đoạn sinh tồn của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp start-up – những đơn vị đầu tư lớn, mạo hiểm.
Chia sẻ về chính sách thuế, phí thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, ông Từ Tiến Phát chỉ rõ, việc miễn thuế TNDN trong 3 năm đầu là một chính sách rất tuyệt vời. Ba năm đầu tiên là giai đoạn sống còn của doanh nghiệp, đặc biệt với các start-up – những đơn vị thường phải đầu tư lớn và chấp nhận rủi ro. Việc miễn thuế trong thời gian này sẽ góp phần nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới phát triển vững chắc.
Cũng theo ông Phát, hiện nay phần lớn doanh nghiệp ở nước ta là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, với hơn 50% không thể tồn tại quá 1-2 năm sau khi thành lập. Do đó, chính sách miễn thuế TNDN trong giai đoạn đầu hoạt động là một giải pháp hỗ trợ rất hiệu quả.
Vấn đề thứ 2, theo Tổng giám đốc ACB, là việc tiếp cận tài sản là đất công. Để thuê được những tài sản với chi phí phù hợp, cạnh tranh, là một điều tương đối khó khăn với doanh nghiệp. Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian vừa qua đã dễ dàng trong việc tiếp cận, tuy nhiên họ gặp những cản trở như là tài sản thế chấp, cho vay như thế nào, định giá tài sản như thế nào, cũng như việc minh bạch về thuế như thế nào.

(Ảnh minh họa)
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, về lĩnh vực thuế phí, có thể áp dụng thuế TNDN ưu đãi luỹ tiến. Trong đó doanh nghiệp đầu tư công nghệ AI, tự động hoá, kinh tế tuần hoàn được giảm 50 % thuế TNDN trong 5 năm; nếu chứng minh giảm 30 % phát thải CO₂ thì được +2 năm ưu đãi.
Hay thực hiện “Khấu trừ R&D ngược” (khấu trừ cho nghiên cứu và phát triển) mà hiểu đơn giản là cho phép doanh nghiệp khấu trừ 150 % chi phí R&D trước khi tính thu nhập chịu thuế. Việc này đang được áp dụng ở Singapore, Hàn Quốc.
Cùng với đó, miễn lệ phí môn bài và phí công bố thông tin cho startup dưới 3 năm tuổi; áp dụng hoàn thuế giá trị gia tăng trong 7 ngày cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đạt chuẩn nội địa hóa 30 %.
Theo bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính cơ quan soạn thảo đã ngồi với các nhóm doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến. Đơn cử như trường hợp doanh nghiệp TH Group chia sẻ rằng, khi hoạt động tại Nga, họ nhận được sự hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi xanh. Cụ thể, khi doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, thiết bị hoặc thay đổi dây chuyền sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, chính phủ Nga – kể cả đối với doanh nghiệp nước ngoài – hỗ trợ tới 30% chi phí đầu tư. Điều đặc biệt là khoản hỗ trợ này không yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn tất thanh toán rồi mới nộp hồ sơ xin hỗ trợ, mà được trừ trực tiếp vào thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp trong năm. Nếu năm đó TH Group có nghĩa vụ thuế TNDN, thì khoản hỗ trợ được khấu trừ ngay, giúp doanh nghiệp không cần phải làm thủ tục hoàn thuế phức tạp.
“Chúng tôi lắng nghe từng câu chuyện và cách làm chính sách của các quốc gia để học hỏi và tránh lối mòn tư duy cũ. Theo phương thức truyền thống, doanh nghiệp phải nộp tiền trước, sau đó mới chứng minh và làm thủ tục để được hoàn lại – điều này gây không ít khó khăn và mệt mỏi. Ngay cả việc hoàn thuế VAT hiện nay cũng đang gặp nhiều vướng mắc”, bà Thủy chỉ rõ.
Theo bà Thủy, tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân đã cố gắng đưa tối đa các ưu đãi thuế, phí, đất đai, tài chính cho doanh nghiệp. Về tiếp cận đất đai cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thì cũng đã được thể chế hoá. Các vấn đề KHCN cũng đưa vào dự thảo Nghị quyết, các chi phí doanh nghiệp bỏ ra để thực hiện R&D sẽ được tính thành 200% khi xác định để tính thuế TNDN. Có nghĩa rằng doanh nghiệp bỏ 1 đồng thì chi phí doanh nghiệp được trừ khi xác định thuế là 2 đồng. So với truớc đây, các nghị quyết đặc thù thì doanh nghiệp mới được 150%.Hoặc miễn thuế 3 năm cho doanh nghiệp, miễn phí, lệ phí môn bài từ năm 2026 cũng đã được dự kiến. Hay những chính sách sẽ triển khai ngay những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như: hỗ trợ 10.000 CEO, hỗ trợ các doanh nghiệp đi ra quốc tế,…
“Thủ tướng đã chỉ đạo, dự kiến cố gắng ban hành Nghị quyết của Quốc hội trước ngày 18/5, khi phổ biến Nghị quyết thì kèm theo chương trình hành động của Chính phủ”, bà Thủy nói.
“Chúng tôi lại muốn các quy định pháp luật thật sự đi vào thực tiễn đời sống kinh doanh. Đó là quy định về thành lập doanh nghiệp, hậu kiểm như như liên quan đến thuế, thanh tra thuế, kiểm tra thuế. Chúng ta nhận thấy rằng lý do mà nhiều doanh nghiệp nhỏ không muốn phát triển lớn hơn hoặc các hộ kinh doanh còn chưa mặn mà với việc chuyển đổi lên doanh nghiệp chính là những vướng mắc trong thực hiện nghĩa vụ về thuế, kiểm tra, thanh tra và các vấn đề liên quan khác”, ông Từ Tiến Phát kiến nghị.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899