Đề xuất tăng tỷ lệ chi ngân sách cho du lịch lên mức 3 - 4%
TCDN - Tăng tỷ lệ chi ngân sách cho du lịch hàng năm hiện nay từ mức 1,4% lên 3 - 4% tổng chi ngân sách nhà nước như một số quốc gia trong khu vực, góp phần bảo đảm gia tăng năng lực cạnh tranh ngành du lịch Việt Nam so với các quốc gia phát triển trong khu vực như Thái Lan, Singapore.
Báo cáo tham luận Thực trạng và giải pháp phục hồi du lịch Việt Nam 2022 - 2023 tại Hội thảo du lịch 2021 “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển”, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV khẳng định, ngành du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trực tiếp ở mức khá cao 9,2% GDP quốc gia. Du lịch Việt Nam cũn đem lại doanh thu lên tới 32,8 tỷ USD và 2,5 triệu việc làm trong năm 2019 trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020 doanh thu du lịch lữ hành đạt 17,9 ngàn tỷ đồng, giảm 59,5%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 510,4 nghìn tỷ, giảm 13% so với năm trước. Năm 2021, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tiếp tục giảm mạnh, hết tháng 11 đạt 331,5 nghìn tỷ đồng, giảm 26%, doanh thu du lịch lữ hành chỉ đạt 5,6 nghìn tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ.
Theo ông Lực, trong ngắn hạn, nhiệm vụ chính của ngành du lịch nên tập trung vào công tác khắc phục hậu quả và phục hồi trong và sau đại dịch.
Cụ thể, khuyến khích phục hồi du lịch nội địa trước ngay dịp Tết và đầu năm 2022 và có lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn. Kiểm soát dịch bệnh và thích ứng an toàn. Triển khai chứng nhận, hộ chiếu vaccine. Thu hút lao động du lịch trở lại làm việc. Tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch phục hồi và thích ứng tình hình mới. Triển khai đồng bộ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022 - 2023.
Đáng chú ý, trong nhóm giải pháp huy động và phân bổ nguồn lực, theo TS Cấn Văn Lực, việc đầu tiên tăng tỷ lệ chi ngân sách cho du lịch hàng năm hiện nay từ mức 1,4% lên 3 - 4% tổng chi ngân sách nhà nước như một số quốc gia trong khu vực, góp phần bảo đảm gia tăng năng lực cạnh tranh ngành du lịch Việt Nam so với các quốc gia phát triển trong khu vực như Thái Lan, Singapore.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, Chính phủ có thể xem xét nghiên cứu thực hiện đầu tư công trực tiếp vào kết cấu hạ tầng các khu vực phát triển du lịch, kết cấu hạ tầng trọng điểm, liên kết vùng, bảo tồn di tích. Nhiệm vụ chính của nguồn vốn ngân sách vẫn đóng vai trò là là vốn “mồi”. Chức năng chủ yếu là Chính phủ đóng vai trò của một cơ quan hướng dẫn, quản lý và kiểm soát đầu tư phát triển du lịch.
Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng, nhất là cao tốc Bắc - Nam, sân bay, nâng cấp đường sắt; tháo gỡ vướng mắc để phát huy hình thức hợp tác công - tư (PPP)… Đây sẽ là động lực quan trọng góp phần phục hồi kinh tế xã hội, phục hồi và lan tỏa du lịch.
Thứ tư, phát triển thị trường vốn gắn với hỗ trợ huy động tài chính cho ngành du lịch: nghiên cứu phát triển trái phiếu du lịch, trái phiếu xanh, đẩy mạnh cổ phần hóa ngành du lịch, thúc đẩy quá trình niêm yết doanh nghiệp du lịch lên thị trường chứng khoán; để tăng khả năng huy động vốn, tăng tính công khai, minh bạch và chuyên nghiệp của doanh nghiệp.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899