Đề xuất giảm tiền thuê đất, thuế TNDN "cứu" doanh nghiệp kinh doanh du lịch
TCDN - Tại Hội thảo du lịch 2021 “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển”, nhiều ý kiến đề xuất giảm tiền thuê đất, giảm 30 - 50% thuế TNDN cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, giảm thuế GTGT, áp dụng thí điểm và mở rộng hoàn thuế GTGT cho du khách quốc tế khi xuất cảnh.
Sáng ngày 25/12, tại Nghệ An, Hội thảo du lịch 2021 “Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển” đã chính thức khai mạc. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tỉnh Nghệ An tổ chức.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) chia sẻ: “Tôi đau đáu vấn đề thuế để làm thế nào cho du lịch phát triển. Chúng ta muốn kinh doanh được phải có đất. Chính phủ có quyết định giảm 30% tiền thuê đất nhưng chỉ có năm 2021. Tôi nhất trí với các đề xuất về giảm tiền thuê đất trong các năm tiếp theo 2022, 2023”.
Cũng theo bà Cúc, nhìn ra ngoài kia biển xanh, diện tích cho xây dựng du lịch chỉ chiếm 25 - 30%. Hiện nay đất thuê gồm cảnh quan, đất lưu không trả tiền theo năm. Bà Cúc đề nghị tách riêng tiền thuê đất đất lưu không và đất xây dựng, giảm từ 50 - 70% đất lưu không giúp doanh nghiệp du lịch hồi phục và phát triển.
Cùng với đó, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 30% đến 50% và trong thời hạn khoảng 2 đến 3 năm tùy theo mức độ kiểm soát dịch bệnh Covid-19 (quy định hiện hành chỉ giảm 30% trong 2 tháng).
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành du lịch, theo bà Nguyễn Thị Cúc cần kiến nghị đưa du lịch vào lĩnh vực hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là cú hích cho du lịch phát triển vì du lịch hiện tại là ngành công nghiệp không ông khói. Cần có quy định không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (theo mức thuế suất hiện hành là 20%) đối với phí phục vụ du lịch (nên có cơ chế phân phối cho người lao động và doanh nghiệp du lịch).
Đồng thời, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quy định với hoạt động kinh doanh du lịch, không hạn chế doanh thu thực tế và doanh thu so với năm trước. Đưa hoạt động kinh doanh du lịch vào ngành nghề (lĩnh vực) được hưởng thuế suất thuế TNDN ưu đãi theo thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông 20% (15% - đến 17% và được thêm thời gian miễn thuế, giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp mới thành lập kinh doanh trong ngành du lịch: miễn thuế 4 năm, giảm 50% từ 5 đến 9 năm).
Ngoài ra, Chủ tịch VTCA kiến nghị, áp dụng thí điểm và mở rộng hoàn thuế GTGT cho du khách quốc tế khi xuất cảnh theo phương thức giảm trừ giá bán ngay tại địa điểm mua hàng (được chỉ định bở cơ quan có thẩm quyền) thay vì hoàn thuế tại cửa khẩu như hiện hành để khách du lịch ở lại Việt Nam lâu hơn và mua nhiều hàng ở Việt Nam. Để tránh tình trạng lấy tiền hoàn thuế GTGT nhưng không rời Việt Nam thì ngoài visa, thị thực cần bổ sung thêm hỗ trợ là vé máy bay rời Việt Nam phù hợp với thị thực, Visa.
Hiện nay, Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của UBTVQH cho miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020, 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020. Tuy nhiên, vị chủ tịch VTCA đề nghị xóa tiền thuế, tiền thuê đất chậm nộp vào ngân sách nhà nước trong khoảng thời gian 3 đến 5 năm hoặc, xem xét lại miễn tiền chậm nộp những năm trước.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel) cho rằng, triển khai chương trình thí điểm thẻ thông hành xanh ở Việt Nam sẽ có hiệu quả không chỉ với du lịch mà còn có thể tháo “nút thắt” cho nhiều ngành khác, từ thương mại, vận tải, hàng không, dịch vụ, thể thao, văn hóa…
Ông Kỳ kiến nghị, kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng phí công đoàn đối với các doanh nghiệp và các đối tác bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công thuộc diện nộp thuế bậc 1 và 2.
Đề nghị Chính phủ cân nhắc, nghiên cứu thêm phương án hỗ trợ dựa trên chi phí, thay vì dựa trên số thuế phải nộp (giảm thuế suất), để hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp không có lợi nhuận. Khấu trừ ở mức cao hơn với những khoản chi bồi dưỡng, hỗ trợ người lao động vì dịch bệnh.
Đề nghị giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2021, tiếp tục giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, 2023 cho các doanh nghiệp lữ hành; giảm 50% mức thuế suất VAT của 3 tháng cuối năm 2021 và các năm 2022, 2023.
Bên cạnh đó, theo ông Kỳ, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các hãng hàng không (giảm thuế phí, nộp ngân sách nhà nước, giảm giá dịch vụ điều hành bay và dịch vụ cảng hàng không, hỗ trợ người lao động; hỗ trợ cơ cấu nợ vay, giảm lãi suất vay, miễn giảm các khoản vay bảo lãnh Chính phủ…).
Giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp du lịch theo hướng lãi suất cho vay không cao hơn 3% so với lãi suất huy động tiền gửi. Hỗ trợ doanh nghiệp với gói vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động để duy trì nguồn nhân lực của doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, đại dịch Covid-19 là biến cố chưa từng có đối với ngành du lịch toàn cầu cũng như đối với du lịch Việt Nam. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cũng ghi nhận đây là điều tồi tệ nhất trong chuỗi lịch sử phát triển của du lịch thế giới từ năm 1950 và đặt dấu chấm hết cho giai đoạn 10 năm tăng trưởng liên tục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2009. Ngành du lịch tại nhiều quốc gia trong năm 2021 cũng đã có những bước đi đầu tiên để dần phục hồi, trong đó có cả Việt Nam.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899