Đề xuất VCCI hỗ trợ tạo ra Trung tâm sản xuất nguồn nguyên liệu tre

21/10/2019, 11:22

TCDN - Đây là kiến nghị của doanh nghiệp tại Diễn đàn hợp tác kinh doanh và phát triển bền vững chuỗi giá trị tre do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Oxfam Việt Nam tổ chức vừa qua.

zalo

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án Phát triển bền vững chuỗi giá trị nghêu và tre ở Việt Nam Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam” giai đoạn 2018 - 2022 do EU tài trợ và Oxfam quản lý, và Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy kinh doanh toàn diện trong chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ và thuỷ sản giai đoạn 2018 - 2022” do VCCI tổ chức thực hiện.

Theo TS. Nguyễn Trọng Nghĩa, Học Viện Chính Sách Phát Triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành tre công nghiệp phát triển các sản phẩm vật liệu tre kỹ thuật và giấy, giúp tạo ra các sản phẩm có thế thay thế gỗ truyền thống. Giá trị thương mại toàn cầu các sản phẩm tre là 68 tỷ USD (2018) trong đó tre công nghiệp chiếm khoảng 24%. Tốc độ tăng trưởng là 5% hàng năm.

Hiện Trung Quốc dẫn đầu ngành tre công nghiệp thế giới với 97% thị phần ván sàn. Các nhân tố chính tạo nên sự thành công của ngành tre công nghiệp Trung Quốc, đó là đồng bộ hóa quy mô sản xuất toàn diện, giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa giá trị gia tăng.

So với gỗ và các vật liệu thông thường khác, tre công nghiệp là vật liệu bền vững hơn. Tre có khả năng cải tạo rừng tốt, tính tái tạo nhanh và năng suất lớn khiến tre là một trong những vật liệu tốt nhất trong quá trình chuyển đổi cần thiết sang nền kinh tế tự nhiên tái tạo sinh học.

Ngoài ra, tre là cây có khả năng xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội tốt nhất trong các loại cây ở vùng miền núi.

Đại diện Công ty TNHH Mây tre Ngọc Động – Hà Nam cho rằng, tiềm năng mở rộng thị trường tre trên thế giới lớn hơn nhiều so với hàng thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, so với Trung Quốc sản phẩm từ tre của Việt Nam hiện gặp một số khó khăn.  Thứ nhất, Trung Quốc phát triển nghề tre trước Việt Nam là 20 năm. Thứ hai, ngành tre Trung Quốc được hỗ trợ nhiều, đây là một trong những nguyên nhân Mỹ đánh thuế mặt hàng này của Trung Quốc. Thứ ba, đấu tre của Trung Quốc mềm và dầy, vì vậy khi sử dụng cây tre được dùng 100%, giá trị trên một sản phẩm sẽ rẻ hơn.

Thực tế, doanh nghiệp khó có thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu bởi không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp Trung Quốc. Giá sản phẩm của Trung Quốc luôn rẻ hơn 20%. Hiện giá của Trung Quốc có xu hướng giảm xuống thấp hơn bởi Mỹ đánh thuế hàng Trung Quốc 7%, dẫn đến hàng Trung Quốc xuất sang châu Âu đnag rẻ hơn hàng Việt Nam khoảng 25%.

Để cạnh tranh được với Trung Quốc, các nhà khoa học cần nghiên cứu đề xuất lai tạo các loại giống tốt hơn. Hiện giống tre Việt Nam gốc to, ngọn nhỏ, cứng vì vậy khi đưa vào máy cắt, gọt thường bị vỡ, hỏng không thể dùng. Sản phẩm tre chủ yếu dùng tre, đũa, giá trị kinh tế thấp.

Để tăng giá trị sản phẩm ngành tre, mở rộng thị trường xuất khẩu cần đẩy mạnh liên kết giữa các bên. Trong đó, cần tạo ra doanh nghiệp lớn, có vai trò “bà đỡ” cùng sự hỗ trợ của Oxfam, VCCI để tạo ra trung tâm sản xuất ra nguồn nguyên liệu. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp nhỏ sẽ đi theo để tạo ra các sản phẩm nhỏ hơn như giá, kệ. Chỉ khi có doanh nghiệp lớn đi đầu, sẽ có có nguồn nguyên liệu tốt để các doanh nghiệp vệ tinh có thể xuất khẩu sang thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu.

Thu Hằng
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất VCCI hỗ trợ tạo ra Trung tâm sản xuất nguồn nguyên liệu tre tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận