Dịch corona: Du lịch Việt Nam tê liệt, nông nghiệp khó khăn chồng chất

06/02/2020, 16:40

TCDN - Virus corona bùng phát là “hiện tượng kích hoạt”, tự nó có thể khu trú ở một số tổn thất nhất định. Nhưng yếu tố kích hoạt của nó nằm ở chỗ làm cả chuỗi cung ứng toàn cầu bị rối loạn.

Ngành du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự bùng phát dịch virus Corona

Ngành du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự bùng phát dịch virus Corona

TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) đánh giá, dịch bệnh lần này nghiêm trọng hơn dịch SARS năm 2003. So sánh có thể thấy, thời điểm hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đã lớn hơn, quy mô so với nền kinh tế thế giới rất rõ ràng dẫn đến tỉ lệ tác động cũng sẽ lớn hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, vai trò của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu hiện rất quan trọng, tác động của bệnh dịch lần này sẽ làm các thị trường như nguyên liệu, sản xuất, lao động sẽ bị xáo trộn.

Một điểm nghiêm trọng là năm 2003 nền kinh tế Trung Quốc đang trong thế đi lên, năm nay lại đang đi xuống. Nếu nền kinh tế đang đi lên thì khi có dịch bệnh sẽ không bị ảnh hưởng mạnh, năm nay đang đi xuống dẫn tới nhiều tác động tiêu cực.

Việc thứ 2 liên quan đến thương chiến Trung - Mỹ trong 2 năm qua khiến nền kinh tế Trung Quốc đi xuống rất nhiều. Ngoài ra, ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc trong sự kiện lần này từ mạng xã hội rất khác, năm 2003 không có mạng xã hội, đến 2004 Facebook mới xuất hiện. Ảnh hưởng của truyền thông, MXH theo 2 hướng, một mặt làm cho thông tin dịch bệnh bị thổi phồng. Tuy nhiên, một mặt vẫn cần những thông tin từ MXH để từ người lao động, doanh nghiệp nắm bắt được các quyết định.

Hiện nay, các xí nghiệp ở Trung Quốc đang thiếu người nghiêm trọng, giống như tình trạng sau Tết phải tăng giá cho dịch vụ osin. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc, kể cả ở những vùng xa xôi, không liên quan đến dịch bệnh cũng tăng giá 150% lương cũng không có người đến làm. Với tình trạng chi phí lao động tăng vọt mà không tìm được người dẫn đến doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giao thương cũng đã dừng rồi.

Có thể thấy, chính sách để hỗ trợ của bất cứ chính quyền nào cũng rất hạn chế. Hiện tại, chính quyền trung ương Trung quốc chỉ có một cách nhanh nhất là chính sách là mở rộng tiền tệ, bơm tín dụng, tăng cường tín dụng,… tất cả các động thái từ ngắn hạn đến dài hạn. Những chính sách dài hạn quá cũng có thể chưa cần dùng tới vì có thể chưa có tác dụng.

Các chuyên gia thế giới gọi dịch virus này là “hiện tượng kích hoạt”, tự nó có thể khu trú ở một số tổn thất nhất định. Nhưng yếu tố kích hoạt của nó nằm ở chỗ làm cả chuỗi cung ứng toàn cầu bị rối loạn. Giảm tốc của kinh tế Trung Quốc năm nay chắc chắn sẽ giảm.

Trên thực tế, không có dịch bệnh do virus, kinh tế Trung Quốc đã giảm. Cộng thêm yếu tố dịch bệnh rất giống như đối với một cá nhân, kinh tế Trung Quốc đã đến tuổi trung niên, đã bắt đầu yếu, nay lại mắc thêm dịch bệnh nên tiếp tục yếu thêm.

Trả lời câu hỏi ảnh hưởng của dịch virus Corona đến ngành cụ thể, TS. Nguyễn Đức Thành cho hay, ngành du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự bùng phát dịch virus Corona.

Việt Nam là một trong những quốc gia đón lượng khách du lịch Trung Quốc hàng năm rất lớn, du khách Trung Quốc đóng vai trò quan trọng với ngành du lịch hàng năm.Theo Tổng cục Thống kê, tính trong năm 2019, có 5,8 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường khách du lịch quốc tế lớn nhất, chiếm khoảng 1/3 trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Các chuyến bay đến và đi Trung Quốc bị ngừng trệ không chỉ gây tổn thương lớn cho ngành hàng không mà còn làm “tê liệt’ lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam.

Việc du khách Trung Quốc giảm mạnh không chỉ có nguy cơ phá vỡ mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế của ngành du lịch, mà còn tác động sâu sắc đến doanh thu ngành du lịch cũng như đóng góp của ngành vào GDP quốc gia.

Tác động của virus Corona đối với trái cây, rau đã nhãn tiền

Tác động của virus Corona đối với trái cây, rau đã nhãn tiền

Theo TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vấn đề lo lắng nhất của nông sản của Việt Nam và người nông dân vẫn là vấn đề thị trường. Dịch cúm corona tác động tới nông nghiệp theo 2 hướng.

Thứ nhất là cầu. Hiện tại thị trường gần nhất và lớn nhất của chúng ta là Trung Quốc bị tác động trực diện từ corona. Điều này khiến cầu của thị trường sẽ trở về với những sản phẩm cơ bản như lương thực thực phẩm, và bỏ qua những sản phẩm khác như hoa quả... Như vậy, tác động về trái cây, rau đã nhãn tiền có thể thấy.

Nhu cầu giảm thêm một lần nữa từ những ảnh hưởng do việc buôn bán cũng hạn chế như chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ ngưng trệ khiến cho cầu giảm. Trong khi đó, giao thương bị gián đoạn do dịch bệnh, “ngăn sông cấm chợ” khiến chi phí giao dịch cao, mặt hàng tươi sống của Việt Nam sẽ không bảo quản được.

Thứ hai về kết cấu sản xuất tiêu dùng trong nước trong ngắn hạn không thể thay đổi ngay được để đáp ứng nhu cầu từ thị trường này. Tôi cũng phải nhấn mạnh lại, khi tất cả các vấn đề liên quan đến giao thương bị gián đoạn, nông sản sẽ “nghẽn".  

Chưa tính đến dịch bệnh này, ngày đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã dự báo năm 2020 sẽ là năm khó khăn của ngành nông nghiệp. Ví dụ như dịch tả lợn Châu Phi khiến cho người chăn nuôi lao đao trong năm 2019 thì đến năm 2020 vẫn còn rất nhiều tác động khác như khó khăn kỹ thuật, tái đàn, vốn…

Hay như năm nay nông nghiệp đương đầu với hạn hán sông Mekông, lâu lắm không diễn ra tình trạng này. Dịch virus corona nổi lên đã che mất những tác động này nhưng về cơ bản vẫn là những khó khăn chúng ta phải vượt qua. Như vậy, khó khăn chồng khó khăn và khó có thể nói chúng ta lạc quan về nông nghiệp trong năm nay nay được.

Hà Quyên
Bạn đang đọc bài viết Dịch corona: Du lịch Việt Nam tê liệt, nông nghiệp khó khăn chồng chất tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan