Dịch Covid-19 khiến hơn 32 triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực
TCDN - Tính đến tháng 12 năm 2020, cả nước có 32,1 triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…
Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý IV, những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của dịch Covid-19 đều có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. So với quý trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,4%, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 5,4%.
Tình hình lao động, việc làm quý IV năm 2020 có nhiều dấu hiệu khởi sắc so với quý trước, tuy nhiên các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý IV và cả năm 2020 vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến tháng 12 năm 2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.
“Dịch Covid-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm đồng thời khiến cho nhiều người trong số họ buộc phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh cho hay.
Tính chung cả năm 2020, số lao động có việc làm phi chính thức là 20,3 triệu người, tăng 119,1 nghìn người, số lao động có việc làm chính thức là 15,8 triệu người giảm 21,1 nghìn người so với năm 2019. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức năm 2020 là 56,2%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với năm 2019.
Theo Tổng cục Thống kê, tình trạng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng cao trong năm 2020 trái ngược với xu thế giảm tỷ lệ này trong những năm gần đây. Trong giai đoạn 2016-2019 trước khi dịch Covid-19, bình quân lao động chính thức tăng 5,6%/năm, lao động phi chính thức tăng 3,6%/năm. Tốc độ tăng lao động chính thức cao gấp 1,6 lần tốc độ tăng lao động phi chính thức kéo theo tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức giảm dần qua các năm.
Tuy nhiên đại dịch Covid-19 trong năm 2020 đã khiến nền kinh tế gặp phải nhiều khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải chống đỡ bằng nhiều biện pháp trong đó có cả các biện pháp tinh giảm lao động (cắt giảm, nghỉ luân phiên,…), tuyển dụng lao động thời vụ, lao động tạm thời để duy trì hoạt động. Điều này làm số lao động chính thức giảm và số lao động phi chính thức tăng dẫn đến tình trạng tăng trở lại tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức trong năm 2020 sau nhiều năm liên tục giảm.
Ông Phạm Quang Vinh nhấn mạnh: “Rõ ràng, đại dịch Covid đã tước đi cơ hội có việc làm chính thức của người lao động, khiến một phần trong số họ không tìm được việc làm mới, một số khác phải chuyển sang làm các công việc phi chính thức không ổn định, thiếu bền vững”.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 không chỉ tước đi cơ hội có việc làm chính thức của nhiều người lao động mà còn khiến họ rơi vào tình trạng thiếu việc làm. Tính chung năm 2020, số lao động trong độ tuổi thiếu việc làm là gần 1,2 triệu người, tăng 456,7 nghìn người so với năm 2019. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,51%, trong đó khu vực thành thị là 1,68%; khu vực nông thôn là 2,93% (năm 2019 tương ứng là 1,50%; 0,76%; 1,87%).
Đa số những người thiếu việc làm không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật càng cao, tỷ lệ thiếu việc làm càng thấp. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi năm 2020 của lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 2,87%; sơ cấp là 2,25%; trung cấp là 1,58%; cao đẳng là 1,52%; từ đại học trở lên là 1,04%.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899