DNNVV khởi nghiệp: Thiếu kinh nghiệm, không sẵn sàng chấp nhận rủi ro

19/04/2019, 10:17

TCDN -
Tiếp cận vốn được xem là vấn đề khó khăn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp. Tuy nhiên, đây không phải vấn đề chính, bởi thực tế, có nhiều kênh huy động vốn. Yếu tố quan trọng nhất giúp DNNVV khởi nghiệp sáng tạo thành công là kinh nghiệm.

Tốc độ tăng trưởng ấn tượng


Kết quả báo cáo Thách thức tăng trưởng của DNNVV của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) cho thấy, có tới 68% doanh nghiệp ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình 20%; 20% doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng trên 50% trong 3 năm liên tiếp. Có khoảng 40% doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng mang tính ổn định, bền vững; 30% doanh nghiệp muốn thoái vốn hoặc rút lui khỏi lĩnh vực đang hoạt động. Tỷ trọng doanh nghiệp mong muốn được tư vấn từ bên ngoài liên quan phát triển thương mại điện tử là 28%, cao hơn mức 22% cấp độ khu vực ASEAN và 19% cấp độ trên toàn cầu.

Ông Sharath Martin, Chuyên gia tư vấn của ACCA khu vực ASEAN, Australia và New Zealand đánh giá, đây là con số rất ấn tượng khi chỉ có 39% các DNNVV trên toàn cầu đạt tốc độ tăng trưởng hơn 20% và ở khu vực ASEAN là 44%.

Ông Tăng Ngọc Trường An, Tổng giám đốc Công ty Ibosses Việt Nam dẫn chứng, theo Báo cáo bảng xếp hàng điều kiện kinh doanh của 54 quốc gia, Việt Nam đang dẫn đầu ở các chỉ số: Năng động ở thị trường nội địa (5/54), văn hóa chuẩn mực xã hội (6/54), cơ sở hạ tầng 10/54… Song lại đang tỏ ra lép vế ở các chỉ số: Tài chính (39/54), giáo dục kinh doanh sau phổ thông (40/54), chuyển giao công nghệ (34/54)… Như vậy, Việt Nam đang đối mặt với hai vấn đề cần giải quyết là tài chính và công nghệ.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, một trong những khó khăn của DNNVV khi khởi nghiệp sáng tạo chính là vốn. Hiện nay, đi vay ngân hàng rất khó, bởi ngân hàng cần có dự án khả thi, minh chứng đủ dòng tiền, bao lâu trả lại cho ngân hàng và kế hoạch thực hiện…

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định, kinh nghiệm thế giới cho thấy có 5 nhân tố khiến các startup thất bại là không sẵn sàng chấp nhận rủi ro; không dành đủ thời gian và công sức cho doanh nghiệp; thiếu kỹ năng quản trị điều hành; thiếu kiến thức về khởi nghiệp và thị trường. Có thể nói, tiếp cận vốn không phải vấn đề chính của các startup, mà mong muốn lớn nhất của họ là giảm bớt thủ tục hành chính về khởi nghiệp sáng tạo, tiếp đó là giảm thuế, nguồn vốn từ các quỹ đầu tư chứ không phải từ ngân hàng.

Yếu tố quan trọng nhất giúp DNNVV khởi nghiệp sáng tạo thành công là kinh nghiệm. Kinh nghiệm được đúc rút từ chính những lần khởi nghiệp thất bại trước đó, kinh nghiệm học từ các doanh nghiệp khác trong cùng ngành nghề. Bởi vậy, tư duy của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phải thay đổi, phải biết chấp nhận rủi ro và tăng cường bổ sung những kiến thức về thị trường.
Trên thực tế, các start- up hiện đang tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng vô cùng khó khăn. Bởi bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cần tuân thủ các quy định và cơ chế thị trường. Đặc biệt, ở Việt Nam, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế diễn ra rất phổ biến. Trong khi đầu tư cho khởi nghiệp thì rủi ro cao, nên khi xảy ra cho vay mà mất vốn thì cả bên vay và bên cho vay đều gặp vấn đề.

Vốn từ ngân sách chỉ là vốn mồi


Theo TS. Cấn Văn Lực, có 4 nguồn vốn hỗ trợ các startup. Thứ nhất là nguồn vốn của Chính phủ. Thứ hai là các quỹ đầu tư. Thứ ba là từ các định chế tài chính (ngoài ngân hàng còn có các công ty tài chính); từ vườn ươm khởi nghiệp - chỗ huy động vốn cho startup. Thứ tư là nguồn vốn huy động từ người thân, gia đình, bạn bè. Vì vậy, không phải cứ “vướng” về vốn là nghĩ ngay tới ngân hàng.

Các doanh nghiệp không nên quá dựa vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, bởi những nguồn vốn này có hạn nên chỉ có ý nghĩa là nguồn vốn mồi, chứ không thể đồng hành với doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động. Thay vào đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm, từ thị trường vốn, các định chế tài chính, công ty tài chính, ngân hàng…Hiện Việt Nam có 70 quỹ đầu tư mạo hiểm. Đây mới là nguồn vốn chính. Chúng tôi đang đề xuất Chính phủ phải có thị trường vốn riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không thể hòa đồng với thị trường chứng khoán vì nó đã quá chuyên nghiệp.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần sớm có hành lang pháp lý để cho vay ngang hàng phát triển, đây là kênh huy động vốn tuyệt vời cho khởi nghiệp sáng tạo. Bởi bản thân những người khởi nghiệp cũng thích tiếp cận các nguồn vốn cho vay với thủ tục đơn giản, nhanh, mặc dù mức lãi suất sẽ cao hơn.

Đồng tình quan điểm, bà Bùi Thu Thủy cũng cho rằng, vai trò của các nguồn quỹ, các nhà đầu tư hiện nay là rất quan trọng. Nhiều nhà đầu tư có nguồn tiền nhàn rỗi muốn tìm kiếm các dự án khả thi, có tiềm năng để đầu tư với mong muốn cho ra đời những sản phẩm tốt, đủ sức cạnh tranh và tạo ra sự khác biệt. Nghị định 38 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo đã chính danh hóa những quỹ đầu tư. Các địa phương lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... cũng có cơ chế dùng ngân sách địa phương đối ứng vào mô hình start-up. Và TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên có quỹ đầu tư mạo hiểm thành lập trên cơ sở Nghị định 38 này.

ông Sharath Martin chia sẻ, việc hình thành ý tưởng kinh doanh và ra đời được doanh nghiệp là thành công bước đầu của mỗi một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Quan trọng hơn, sau giai đoạn bước đầu đó, doanh nghiệp cần phải có những chiến lược hiệu quả để mở rộng quy mô. Theo đó, để mở rộng quy mô hiệu quả, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm.

Trước hết, người lãnh đạo phải xây dựng được văn hóa tăng trưởng trong toàn doanh nghiệp. Khi người lao động chia sẻ và cam kết thực hiện theo mục tiêu và tầm nhìn của doanh nghiệp, họ thường sẽ xem tương lai của doanh nghiệp như là tương lai của chính họ. Vì vậy, cần xây dựng một chiến lược, tầm nhìn và mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp gắn với xây dựng văn hóa tăng trưởng ở tất cả các cấp của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thiết lập một khung quản trị tốt ngay từ đầu hành trình kinh doanh của doanh nghiệp, để phát triển bền vững cũng như có khả năng linh hoạt ứng phó trước những biến động rủi ro của thị trường...

Đặc biệt, doanh nghiệp cần tăng cường áp dụng các công nghệ mới, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Việc áp dụng công nghệ là yếu tố vô cùng quan trọng giúp doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô và đóng góp đáng kể vào việc tăng hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Bởi công nghệ như điện toán đám mây sẽ đóng góp nhiều cho doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch, triển khai kế hoạch. Nghiên cứu của ACCA cho thấy, nếu sử dụng tư vấn chuyên nghiệp từ bên ngoài có thể hỗ trợ tổ chức tăng trưởng mạnh mẽ về tài chính, chiến lược cũng như cách thức vận hành. Đồng thời, phải xây dựng một mạng lưới nguồn vốn bên ngoài, thay vì coi ngân hàng là thực thể duy nhất cấp vốn cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.



Thanh Loan - Tạp chí TCDN số 4/2019
Bạn đang đọc bài viết DNNVV khởi nghiệp: Thiếu kinh nghiệm, không sẵn sàng chấp nhận rủi ro tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận