Doanh nghiệp còn lúng túng sau 1 tháng giảm thuế giá trị gia tăng
TCDN - Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam cho biết, qua một tháng thực hiện việc giảm thuế GTGT, do chưa có hướng dẫn đồng bộ và chi tiết hơn, nhiều doanh nghiệp vẫn đang lúng túng chưa biết nên áp dụng thế nào cho đúng.
Ngày 28/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP (“NĐ 15”) quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/NQ-QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, có hiệu lực từ ngày 1/2/2022. Trong đó quan trọng nhất là chính sách giảm thuế GTGT 2% cho nhiều nhóm hàng hóa dịch vụ phổ thông đang chịu thuế suất 10% từ ngày 1/2/2022 đến 31/12/2022. Việc giảm thuế này được thực hiện đồng bộ cho cùng đối tượng chịu thuế, xuyên suốt từ khâu nhập khẩu đến sản xuất, gia công, phân phối và cuối cùng là đến tay người tiêu dùng.
Chia sẻ với Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp, ông Bùi Ngọc Tuấn cho hay, với bản chất thuế GTGT là thuế gián thu, việc áp dụng giảm thuế đồng nhất qua các khâu đã giúp làm giảm áp lực về dòng tiền cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, góp phần nâng cao độ thanh khoản và vòng luân chuyển của các hàng hóa dịch vụ phổ thông, từ đó thúc đẩy gia tăng tiêu dùng một cách tích cực trong các khâu của nền kinh tế.
Ông đánh giá thế nào về phản ứng của các doanh nghiệp sau 1 tháng triển khai thực hiện, và ông thấy các doanh nghiệp còn đang gặp vướng mắc ở đâu?
Nhìn chung, các doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân đón nhận chính sách mới rất tích cực. Người tiêu dùng khi mua hàng hóa, dịch vụ ở những nơi có phát hành hóa đơn đã dần hình thành thói quen kiểm tra xem nơi cung cấp đã áp dụng giảm thuế GTGT hay chưa. Các doanh nghiệp thì cũng đã có thông báo cho bạn hàng, đối tác về việc áp dụng giảm thuế GTGT cho các hàng hóa, dịch vụ mà mình cung cấp; cũng như kế hoạch điều chỉnh những hóa đơn đã xuất đầu tháng 2 nhưng do sơ suất vẫn áp dụng thuế suất 10%.
Mặc dù hình dung được những ích lợi cũng như ủng hộ chính sách chung của Chính phủ, qua 1 tháng thực hiện, nhưng do chưa có hướng dẫn đồng bộ và chi tiết hơn để hướng dẫn thực hiện Nghị định, nhiều doanh nghiệp vẫn đang lúng túng chưa biết nên áp dụng thế nào cho đúng.
Một số vướng mắc thông thường có thể kể ra như: Không rõ hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp cung cấp có thuộc phạm vi các đối tượng không được áp dụng, như liệt kê tại các Phụ lục kèm theo Nghị định 15 hay không; Chưa rõ cách tra cứu mã hàng hóa, dịch vụ, cũng như thời điểm áp dụng thuế suất giảm (thời điểm xuất hóa đơn hay thời điểm bàn giao hàng hóa, hoàn thành dịch vụ);
Việc tách hóa đơn khi bán nhóm hàng hóa, dịch vụ có cấu phần được giảm và không được giảm thuế GTGT. Xuất hóa đơn cho dịch vụ trả trước dài hạn; Hàng hóa mua vào chịu thuế 10%, khi bán ra có được áp dụng 8%..., cũng là những vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Phần lớn các doanh nghiệp khi gặp khúc mắc đều tham khảo cán bộ thuế chuyên quản, tuy nhiên đến nay gần như chưa có doanh nghiệp nào nhận được hướng dẫn cụ thể bằng văn bản mà chỉ thông qua hình thức trao đổi miệng.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn về việc phân loại áp dụng mức thuế GTGT đối với mặt hàng sản xuất, kinh doanh của mình. Trong trường hợp này, ông có khuyến nghị gì đối với các doanh nghiệp?
Hiện nay, khi doanh nghiệp thành lập, trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thường ghi rõ mã ngành sản xuất kinh doanh mà chủ doanh nghiệp đăng ký. Hệ thống mã này được cơ quan quản lý đầu tư cấp dựa vào Hệ thống Mã ngành kinh tế (CPC) ban hành theo QĐ 27/2018 của Thủ tướng CP. Trong khi đó, các Phụ lục trong NĐ15 sử dụng danh mục trong Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam (bao gồm cả dịch vụ), ban hành kèm theo Quyết định 43/2018 của Thủ tướng CP; có kèm theo mã HS đối với hàng hóa nhập khẩu.
Trước khi có những hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý, Deloitte Việt Nam cũng đã có những hướng dẫn sơ bộ cho các doanh nghiệp quan tâm để tự xác định xem hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp có thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, sơ bộ theo các bước như sau: Xác định lĩnh vực và sản phẩm đang kinh doanh có thuộc danh mục 12 nhóm ngành, nghề loại trừ không; Đối chiếu mô tả sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh với “Tên sản phẩm” trong các Phụ lục của NĐ15; Với dịch vụ liên quan đến hàng hóa (như: vận tải, kiểm định chất lượng, gia công...), thì không cần quan tâm đến nội dung về các hàng hóa đó, mà tập trung vào mô tả của dịch vụ để tìm kiếm;
Đối với kinh doanh nội địa, hiện nay mới chỉ có một vài Cục thuế địa phương có hướng dẫn chi tiết cách xác định, tra cứu mã hàng hóa dịch vụ cho doanh nghiệp trên địa bàn với nội dung tương tự như Deloitte Việt Nam hướng dẫn nói trên.
Đối với hàng hóa nhập khẩu, chúng tôi cũng khuyến nghị doanh nghiệp tra cứu từ dưới lên trên. Nghĩa là sẽ tra từ mã HS 8 số, rồi 6 số, 4 số v.v. đối với hàng hóa đang tiến hành nhập khẩu kinh doanh. Mới đây, Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành Công văn số 521/TCHQ-TXNK để hướng dẫn các Cục hải quan địa phương và doanh nghiệp trong việc xác định hàng hóa nhập khẩu có thuộc đối tượng giảm thuế GTGT hay không.
Để việc thực hiện chính sách có hiệu quả trong thời gian tới, ông có kiến nghị gì với cơ quan thuế?
Để mang tính tuyên truyền rộng rãi chính sách trên phạm vi cả nước, chúng tôi khuyến nghị Tổng Cục Thuế nên ban hành hướng dẫn thống nhất cách xác định đối tượng áp dụng giảm thuế GTGT. Bên cạnh đó, Tổng Cục Thuế cũng nên nghiên cứu số hóa cơ sở dữ liệu Hệ thống Ngành sản phẩm Việt Nam để các doanh nghiệp tiện tra cứu và xác định xem các hàng hóa, dịch vụ mình đang kinh doanh có thuộc đối tượng giảm thuế GTGT hay không. Như vậy sẽ tiết kiệm thời gian và tăng niềm tin cho các doanh nghiệp trong việc tuân thủ áp dụng chính sách, cũng như kê khai nộp thuế.
Tổng Cục Thuế cũng nên ban hành văn bản chung hướng dẫn xử lý một số trường hợp vướng mắc thông thường của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh thu từ dịch vụ. Hiện nay, có một số quan điểm xử lý khác nhau, hoặc áp dụng tại thời điểm doanh nghiệp xuất hóa đơn (đơn cử như dịch vụ hoàn thành tháng 1 nhưng xuất hóa đơn tháng 2 vẫn được áp dụng giảm thuế GTGT); hoặc căn cứ vào thời điểm hoàn thành dịch vụ làm cơ sở lập hóa đơn (cùng ví dụ trên, nhưng không được áp dụng giảm thuế GTGT).
Một số Cục thuế đã ban hành hướng dẫn theo cách 2 và như vậy, sẽ phát sinh các trường hợp đến cuối năm (31/12/2022) khi NĐ15 hết hiệu lực thì liệu cơ quan thuế có cho phép doanh nghiệp áp dụng thuế suất 8% khi hóa đơn cho tháng 12/2022 sẽ được xuất vào tháng 1 hoặc tháng 2/2023 hay không. Các doanh nghiệp đang rất trông chờ vào hướng dẫn tổng quát như vậy để đảm bảo tuân thủ, tránh bị xử phạt sau này.
Xin cảm ơn ông!
Bộ Tài chính sẽ không ban hành thông tư hướng dẫn
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 3/3 liên quan đến việc giảm thuế GTGT, Bộ Tài chính cho hay, về phản ánh doanh nghiệp không biết mặt hàng nào được giảm thuế, mặt hàng nào không: Tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP đã quy định loại trừ 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT và chi tiết tại 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.
Về nội dung phản ánh liên quan đến giá của hàng hóa tại các chợ dân sinh: Tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP đã quy định trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn cho hàng hóa, dịch vụ giảm thuế giá trị gia tăng.
Về ý kiến Bộ Tài chính sớm có Thông tư hướng dẫn chi tiết: Để Nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành, do đó, Bộ Tài chính sẽ không ban hành Thông tư hướng dẫn. Đối với các vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 15/2022/NĐ-CP về việc trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn, giải quyết.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899