Bộ Công Thương: Cam kết đủ xăng dầu đến hết tháng 3
TCDN - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, mặt hàng xăng dầu biến động rất lớn, một phần do xung đột vũ trang Nga-Ukraine. Tuy nhiên, với lượng xăng dầu nhập khẩu và dự trữ hiện tại, Bộ Công Thương "cam kết cơ bản đáp ứng đủ nguồn cung xăng dầu trong tháng 3".
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 3/3, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương cho biết, hiện nguồn cung do sản xuất trong nước đã đáp ứng được 70-75%, thậm chí có thời điểm sản xuất trong nước đáp ứng được 80% nhu cầu thị trường. Cung xăng dầu trong nước chủ yếu đến từ hai nhà máy lọc dầu: Dung Quất (35% thị phần tại Việt Nam) và Nghi Sơn (35-40% thị phần).
Thời gian qua, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp khó khăn nên đã giảm công suất, dù nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn đã tăng công suất, nhưng chưa đủ bù lượng thiếu hụt.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã giao cho 10 thương nhân đầu mối có thị phần lớn nhất để nhập khẩu, góp phần đảm bảo đủ xăng dầu nội địa. Từ quý II, kể cả nhà máy Nghi Sơn không đáp ứng được, vẫn đảm bảo xăng dầu cho sản xuất và nhu cầu của người dân.
"Với lượng xăng dầu nhập khẩu của các đơn vị kinh doanh đầu mối và lượng hàng dự trữ, chúng tôi cam kết trong tháng 3 cơ bản đáp ứng cung xăng dầu", ông Hải khẳng định.
Liên quan việc có rút ngắn kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước nếu giá dầu thế giới biến động mạnh hay không, Thứ trưởng Công Thương cho rằng, quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực từ đầu năm 2022 thì mỗi tháng giá xăng dầu được điều chỉnh 3 lần, tức 10 ngày một lần.
Trong trường hợp xăng dầu biến động bất thường, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, đời sống người dân, liên Bộ sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
"Hai ngày một lần, tổ công tác điều hành gồm Bộ Công Thương và Tài chính sẽ họp bàn, tính toán và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xem có cần thiết điều hành giá xăng dầu sớm hơn quy định hay không", ông thông tin.
Liên quan việc điều chỉnh thuế môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, dự thảo xin ý kiến các bộ, ngành đưa mức giảm từ 500 - 1.000 đồng/lít. Nếu theo phương án này, giá xăng sẽ giảm 1.000 đồng/lít, giá dầu giảm 500 đồng/lít… “Chủ trương này sẽ góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho dân”, ông Chi nói.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899