Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít xăng

03/03/2022, 16:16

TCDN - Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng giảm từ 4.000 đồng/lít xuống còn 3.000 đồng/lít; dầu giảm 500 đồng/lít theo đề xuất của Bộ Tài chính gửi xin ý kiến các bộ, ngành, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam lấy ý kiến dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn đến ngày 31/12/2022.

Cụ thể, xăng (trừ etanol) giảm 1.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 3.000 đồng/lít.

Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 500 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.500 đồng/lít.

Dầu hỏa giảm 500 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít.

Mỡ nhờn giảm 500 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.500 đồng/kg.

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường từ 500 - 1.000 đồng/lít đối với xăng, dầu.

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường từ 500 - 1.000 đồng/lít đối với xăng, dầu.

Hiện nay, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol) là 4.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế); dầu diesel là 2.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế); dầu hỏa là 1.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế là 2.000 đồng/lít); dầu mazut là 2.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế); dầu nhờn là 2.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế) và mỡ nhờn là 2.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế).

Trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, Bộ Tài chính cho rằng, cần có giải pháp điều hành để ổn định thị trường xăng dầu trong nước, trong đó việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường là phù hợp và cần thiết.

Trong ngắn hạn, mức gia tăng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu khó có khả năng tăng cao hơn so với thời điểm trước dịch vì nền kinh tế - xã hội vẫn còn đối mặt nhiều nguy cơ do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Do đó, về cơ bản, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2022 sẽ không làm ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ môi trường của chính sách thuế bảo vệ môi trường do mức gia tăng tiêu thụ không quá lớn.

Theo Bộ Tài chính, với sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2022 sẽ tương đương năm 2019 và mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm 1 năm khoảng 14.524 tỷ đồng/năm, từ đó tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) cả năm khoảng 15.976 tỷ đồng/năm (số giảm thu ngân sách nhà nước bình quân 1 tháng là 1.331,4 tỷ đồng/tháng).

Tuy nhiên, nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 1/4/2022 thì số giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế GTGT) sẽ khoảng 11.982 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ Tài chính, với giả thiết thời gian có hiệu lực của biện pháp giảm thuế bảo vệ môi trường là từ ngày 1/4/2022 và giá bán lẻ xăng dầu trong nước ổn định ở mức hiện tại trong 9 tháng còn lại của năm 2022 thì ước tác động của biện pháp giảm thuế giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,67%.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít xăng tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài nguyên đánh giá mức độ khung thuế bảo vệ môi trường với nhiều hàng hoá
Trước tình hình xăng dầu liên tục tăng giá, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá mức độ phù hợp của Khung và mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành đến mức độ gây ô nhiễm môi trường của các hàng hóa đang thuộc đối tượng chịu thuế để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.