Bộ trưởng Bộ Tài chính nói về điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

23/02/2022, 16:56

TCDN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã giao Vụ Chính sách thuế và Tổng Cục thuế chuẩn bị, nghiên cứu, xây dựng phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, để kịp thời báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2.

Tại Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/02/2022 theo đúng chỉ đạo tại văn bản số 486/VPCP-KTTH ngày 21/02/2022 của Văn phòng Chính phủ.

Trả lời báo chí về vấn đề này, người đứng đầu ngành Tài chính cho biết đã giao Vụ Chính sách thuế và Tổng Cục thuế chuẩn bị, nghiên cứu, xây dựng phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, để kịp thời báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu cần phải xem xét, đánh giá kỹ tác động. Bởi vì trong gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã có chính sách giảm thuế tới 64 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng nêu rõ, bây giờ phải tính toán xem mức giảm như thế nào để vừa đảm bảo được chính sách tài khóa, vừa đảm bảo được vấn đề điều chỉnh giá xăng dầu, cùng với đó là giải pháp chống buôn lậu… Khi giá xăng dầu của chúng ta giảm xuống, thì giá của một số nước xung quanh như Trung Quốc, Lào, Campuchia vẫn cao. Vậy cần phải có giải pháp để chống được buôn lậu, để hàng hoá của chúng ta không “chạy” sang bên kia.

Bộ trưởng khẳng định, ngành tài chính sẽ nghiên cứu và sẽ đưa ra giải pháp tối ưu cho vấn đề này.

Liên quan đến thuế đối với mặt hàng xăng dầu, trước đó, trả lời cử tri Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, hiện hành các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu gồm thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng) và thuế bảo vệ môi trường (không thu phí, lệ phí đối với xăng dầu), đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam.

“So với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 45%-60% (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn), trong khi đó, đối với nước ta tỷ trong thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%”, Bộ trưởng khẳng định.

Cụ thể, với thuế giá trị gia tăng, xăng dầu chịu mức 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt mức 10% với xăng, không thu với các loại dầu (thuế này với xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%); thuế bảo vệ môi trường với xăng là 4.000 đồng/lít (xăng sinh học E5 và E10 thu với phần xăng gốc, không tính trên phần ethanol pha trộn), các loại dầu là 2.000 đồng/lít.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất, kiến nghị xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt  hàng xăng dầu để giảm giá xăng dầu vì mức thuế đang cao.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Bộ Tài chính nói về điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, hải quan lo ngại buôn lậu
Tổng cục Hải quan vừa chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu và các cục hải quan địa phương tăng cường nắm tình hình, xây dựng các phương án, kế hoạch nghiệp vụ để phòng ngừa, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu, than trên các tuyến biên giới, vùng biển.
Xăng dầu “cõng” thuế lớn, Bộ Tài chính nói gì?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước trong khoảng 45%-60%, trong khi đó nước ta là 38% với xăng và 20% với dầu.