Giảm giá xăng dầu: Có thể tính toán giảm thuế bảo vệ môi trường
TCDN - PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nói: thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu hiện nay đánh hơi cao, 1 lít xăng cõng 4.000 đồng. Bộ Tài chính nên xem xét giảm mức thuế này.
Giá xăng dầu hiện đang ở mức cao kỷ lục. Một số ý kiến đề nghị cần phải giảm giá xăng dầu từ việc giảm thuế, ông nghĩ sao về điều này?
Hiện nay các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu gồm thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng) và thuế bảo vệ môi trường. Trong đó xăng dầu nhập khẩu chịu 10% thuế nhập khẩu, 10% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và thuế bảo vệ môi trường đối với 1 lít xăng khoảng 4.000 đồng, 1 lít dầu khoảng 2.000 đồng.
Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc hoàn toàn vào giá xăng dầu thế giới. Khi giá xăng dầu thế giới tăng thì giá xăng dầu trong nước sẽ tăng. Giá xăng dầu của một nước phụ thuộc vào giá thế giới và chính sách tài chính của mỗi một quốc gia (thuế).
Nhiều người nói, khi giá xăng dầu thế giới tăng thì Việt Nam có 2 van để giảm giá là thuế và Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, Quỹ Bình ổn thì không bàn nữa vì chuẩn bị âm.
Bộ Tài chính đang nói thuế xăng dầu của Việt Nam không cao, thấp hơn nhiều nước. Nhiều ý kiến cho rằng vẫn cần phải giảm thuế giá xăng dầu.
Vừa qua trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội Chính phủ, Quốc hội đã tính gói giảm thuế. Bộ Tài chính cho rằng, ngân sách đang gặp khó khăn nên nếu tiếp tục giảm thuế tạo gánh nặng cho ngân sách. Tôi thấy điều đó hợp lý.
Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Quốc hội đã chốt giảm thuế giá trị gia tăng 2% ở một số mặt hàng trừ những mặt hàng thuộc diện có thuế tiêu thụ đặc biệt thì nhà nước không giảm trong đó có xăng dầu vì mặt hàng này nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, ảnh hưởng tới môi trường.
Vậy thì chỉ còn thuế bảo vệ môi trường. Cá nhân tôi thấy thuế bảo vệ môi trường hiện đang đánh hơi cao. Một lít xăng cõng 4.000 đồng. Phải chăng nên xem xét lại mức thuế này.
Quan điểm của ngành tài chính là có nguồn thu thì phải nuôi dưỡng nguồn thu. Bộ Tài chính cần tính toán trong cân đối ngân sách khi giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu có ảnh hưởng nhiều không? Từ đó xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường để góp phần giảm giá bán xăng dầu.
Nhiều ý kiến cho rằng việc điều hành giá trong thời gian vừa qua chưa thực sự phù hợp, dẫn đến tình trạng các cửa hàng găm hàng chờ tăng giá? Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình?
Nghị định số 95/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu quy định kỳ điều hành giá xăng dầu được giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày, tức là mỗi tháng điều chỉnh ba lần. Thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng.
Đối với trường hợp kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, lễ theo quy định của nhà nước thì thời gian điều hành giá được lùi sang ngày làm việc tiếp theo. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán thì thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.
Vừa qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài tới 9 ngày gần bằng 1 chu kỳ điều hành giá nên kéo sang chu kỳ mới. Lúc này giá xăng dầu thế giới lại tăng rất là nhanh, nếu không điều chỉnh phù hợp với giá thế giới thì tạo bất lợi cho doanh nghiệp nhưng lại lợi cho nhà nước và người dân. Nhà nước càng kìm giá được bao nhiêu thì càng kiềm chế lạm phát được bấy nhiêu. Giá xăng dầu càng không tăng người tiêu dùng càng được lợi. Vì vậy có hiện tượng doanh nghiệp găm hàng.
Nghị định 95 cũng cho phép trong trường hợp giá cá mặt hàng xăng, dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều chỉnh cho phù hợp.
Bộ Công Thương vừa qua cũng đã trình Chính phủ và Chính phủ cũng đã đồng ý cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo thẩm quyền chủ động điều hành giá xăng dầu đảm bảo đúng quy định tại Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.
Thưa ông, về lâu dài, việc điều hành giá xăng dầu cần thay đổi như thế nào?
Giá xăng dầu phụ thuộc vào tính chất của thị trường xăng dầu. Nếu thị trường có sự cạnh tranh thực sự thì nhà nước không cần tham gia vào định giá mà để thị trường quyết định. Nếu còn doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền thì nhà nước định giá trần để điều tiết thị trường, bảo vệ người tiêu dùng.
Luật Cạnh tranh quy định, doanh nghiệp được xác định có vị trí thống lĩnh thị trường trong các trường hợp: một doanh nghiệp chiếm thị phần từ 30% trở lên; hai doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 50% trở lên; ba doanh nghiệp chiếm tổng thị phần là từ 65% trở lên; hoặc bốn doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 75% trở lên…
Thị trường bán lẻ xăng dầu hiện nay có 38 doanh nghiệp cùng tham gia cung cấp nhưng riêng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chiếm 47% thị phần; 3 doanh nghiệp là Petrolimex, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) chiếm gần 70% thị phần. Do đó nhà nước vẫn phải định giá bán xăng dầu.
Khi nhà nước định giá bán phải quy định tần suất điều chỉnh. Tuy nhiên điều chỉnh từ 3 - 5 ngày/lần cũng rất khó. Do đó, chỉ khi nào thị trường xăng dầu có sự cạnh tranh thực sự thì nhà nước không tham gia vào việc định giá nữa.
Xin cảm ơn ông!
email: [email protected], hotline: 086 508 6899