Doanh nghiệp đặc thù không phải xác định giá trị thương hiệu, yếu tố lịch sử khi cổ phần hoá

10/12/2019, 14:24

TCDN - Quá trình tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa cho thấy căn cứ xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống chưa thực sự rõ ràng, gây nhiều lúng túng trong quá trình thực hiện và thực tế triển khai gặp khó khăn, khó xác định.

Việc thực hiện khấu trừ giá trị lợi thế vị trí địa lý vào tiền thuê đất phải nộp hàng năm có vướng mắc do quy định tại Luật Đất đai do không có hình thức “khấu trừ vào tiền thuê đất” chỉ có quy định “miễn, giảm tiền thuê đất” theo lĩnh vực và địa bàn

Việc thực hiện khấu trừ giá trị lợi thế vị trí địa lý vào tiền thuê đất phải nộp hàng năm có vướng mắc do quy định tại Luật Đất đai do không có hình thức “khấu trừ vào tiền thuê đất” chỉ có quy định “miễn, giảm tiền thuê đất” theo lĩnh vực và địa bàn

Đây là một trong những nội dung sẽ được sửa đổi tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 31 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP: “Đối với một số doanh nghiệp đặc thù, cơ quan tư vấn xác định để báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống (nếu có)”.

Tuy nhiên, việc quy định xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống (nếu có) gây lúng túng trong quá trình thực hiện và thực tế triển khai gặp khó khăn, khó quyết định do không có đủ hồ sơ tài liệu để xác định, không thuyết minh được căn cứ xác định giá trị lịch sử, bề dày truyền thống, cơ quan đại diện chủ sở hữu (là các Bộ, địa phương) và các bộ phận tham mưu không có chuyên môn để xác định giá trị này, việc xác định này hoàn toàn mang tính chủ quan gây khó khăn cho cơ quan quyết định đặc biệt là khi có thanh tra, kiểm toán có thể đưa ý kiến chủ quan xác định giá trị khác với quyết định của chủ sở hữu sẽ tạo tâm lý gây thất thoát vốn nhà nước trong khi giá trị thực tế khi cổ phần sẽ do thị trường quyết định khi đấu giá, còn giá khởi điểm chỉ là một cơ sở giá ban đầu cho các nhà đầu tư tham khảo làm cơ sở đặt mua.

Do đó, dự thảo Nghị định (tại khoản 11 Điều 1) bãi bỏ nội dung quy định về xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống (nếu có) vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

Liên quan đến phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công thì toàn bộ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (trong đó gồm cả doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa và doanh nghiệp không thuộc diện cổ phần hóa) đều phải xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (Nghị định 167/2017/NĐ-CP đã quy định cụ thể về đối tượng, hồ sơ, trình tự, phương án xử lý, thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất).

Đối với các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, Nghị định 126/2017/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về đối tượng, trình tự, thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa mà tại khoản 1 Điều 13 quy định doanh nghiệp thực hiện rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa.

Trong quá trình triển khai cổ phần hóa, theo phản ánh còn có sự lúng túng trong triển khai xây dựng trình duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và việc triển khai xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa.

Để tách bạch rõ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công với phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa của doanh nghiệp cổ phần hóa, dự thảo Nghị định bãi bỏ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 126/2017/NĐ-CP, đồng thời bổ sung quy định hướng dẫn điều kiện cổ phần hóa phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công (tại khoản 1 Điều 1) và căn cứ vào phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa và thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để xây dựng phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (tại khoản 9 Điều 1), cụ thể:

Phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp. Trường hợp đề xuất sử dụng đất của doanh nghiệp chưa phù hợp với quy hoạch chung của địa phương và không đúng mục đích sử dụng đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước thì doanh nghiệp phải trả lại cho Nhà nước để sử dụng vào mục đích khác. Giá trị tài sản trên diện tích đất phải trả lại cho Nhà nước (nếu có) doanh nghiệp cổ phần hóa bàn giao cho địa phương tiếp nhận, quản lý; đồng thời hạch toán giảm tài sản, giảm vốn nhà nước theo giá trị của tài sản trên sổ sách kế toán tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cổ phần hóa báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu có văn bản gửi lấy ý kiến của địa phương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) về toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa (bao gồm ý kiến về sự phù hợp với quy hoạch chung của địa phương và mục đích sử dụng đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hình thức sử dụng đất và giá đất cụ thể tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp). Trong thời hạn 60 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) có ý kiến chính thức về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa.

Căn cứ ý kiến của các địa phương, cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa của doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp cấp 2, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch của doanh nghiệp nhà nước phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa.

Để đồng bộ với nội dung sửa đổi trên, dự thảo Nghị định (khoản 10 Điều 1) sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 30 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP như sau:

“4. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm thực hiện các thủ tục để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật đất đai và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.”

Đồng thời, dự thảo Nghị định (khoản 8 Điều 1) sửa đổi khoản 4 Điều 29 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về căn cứ xác định giá trị thực tế của doanh nghiệp theo hướng bỏ quy định tiền thuê đất xác định lại là một căn cứ để xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

Đối với việc khấu trừ giá trị lợi thế vị trí địa lý đất thuê, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần quy định: “Đối với các doanh nghiệp đã xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý đất thuê vào giá trị doanh nghiệp và hạch toán tăng phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền công bố giá trị doanh nghiệp theo quy định trước ngày Nghị định 59/2011/NĐ-CP có hiệu lực thì được khấu trừ giá trị lợi thế vị trí địa lý vào tiền thuê đất phải nộp của doanh nghiệp cổ phần hóa. Đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa theo Nghị định số 109/2007/NĐ-CP mà chưa tính giá trị lợi thế vị trí địa lý thì được áp dụng Nghị định số 59/2011/NĐ-CP không phải tính bổ sung giá trị lợi thế vị trí địa lý và điều chỉnh vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.” Nguyên tắc khấu trừ, trình tự thực hiện và hồ sơ khấu trừ đã được Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 127/2014/TT-BTC ngày 05/9/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần quy định.

Tại khoản 3 Điều 48 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định: “Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trước ngày Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, khi thực hiện khấu trừ giá trị lợi thế vị trí địa lý vào tiền thuê đất phải nộp hàng năm của công ty cổ phần mà có khó khăn vướng mắc thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định xử lý”.

Qua rà soát, việc thực hiện khấu trừ giá trị lợi thế vị trí địa lý vào tiền thuê đất phải nộp hàng năm có vướng mắc do quy định tại Luật Đất đai do không có hình thức “khấu trừ vào tiền thuê đất” chỉ có quy định “miễn, giảm tiền thuê đất” theo lĩnh vực và địa bàn. Do đó, dự thảo Nghị định (khoản 15 Điều 1) sửa đổi quy định về xử lý đối với giá trị lợi thế vị trí đất thuê mà các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trước ngày Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành đã tính vào giá trị doanh nghiệp và hạch toán tăng phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng chưa thực hiện phân bổ hết vào chi phí sản xuất kinh doanh và chưa thực hiện khấu trừ vào tiền thuê đất theo hướng công ty cổ phần thực hiện phân bổ vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian tối đa không quá 03 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành; công ty cổ phần có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.

1.4. Về cổ phần hóa các công ty nông, lâm nghiệp 

- Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp đã quy định cụ thể việc rà soát, đo đạc, lập bản đồ; lập, điều chỉnh, phê duyệt phương án sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất; thu hồi và bàn giao đất về địa phương; xử lý đất công ty đang cho thuê, cho mượn; đang bị lấn, chiếm, tranh chấp; đất liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư…

Do đó, để đảm bảo tính đồng bộ khi cổ phần hóa các công ty này, dự thảo Nghị định (khoản 1 Điều 1) bổ sung điều kiện cổ phần hóa nội dung: “Đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có phương án sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.”.

- Tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 126/2017/NĐ-CP quy định việc tổ chức bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế hiện nay việc cổ phần hóa các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước không giữ cổ phần chi phối cho thấy có trường hợp cần thiết phải có nhà đầu tư chiến lược (vì nhà đầu tư chiến lược có các điều kiện ràng buộc khi tham gia đầu tư vào doanh nghiệp cổ phần hóa là các công ty nông, lâm nghiệp - các doanh nghiệp quản lý diện tích đất rừng lớn và có tác động ảnh hưởng đến nhiều đối tượng như người lao động, các hộ nhận khoán và đồng bào dân tộc). Vì vậy, dự thảo Nghị định (khoản 2 Điều 1) bổ sung quy định: “Riêng các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp không thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa cần thiết lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa xem xét, quyết định cụ thể”.

1.5. Về xử lý chi phí cổ phần hóa

Nghị định số 126/2017/NĐ-CP chưa quy định về xử lý chi phí cổ phần hóa trong trường hợp phải tạm dừng cổ phần hóa hoặc phải xác định lại giá trị doanh nghiệp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền (như việc dừng cổ phần hóa Tổng công ty thuốc lá, tạm dừng cổ phần hóa Tổng công ty Giấy Việt Nam).

Vì vậy, dự thảo Nghị định (khoản 3 Điều 1) bổ sung quy định: “Trong trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện lại việc xác định giá trị doanh nghiệp hoặc tạm dừng cổ phần hóa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định xử lý các khoản chi phí cổ phần hóa (đảm bảo đầy đủ chứng từ hợp lý, hợp lệ) hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.”

1.6. Về xử lý một số vấn đề về tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp

- Tại khoản 3 Điều 17 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp và không thực hiện kết chuyển vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Số dư khoản chênh lệch tỷ giá tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp cổ phần hóa tiếp tục theo dõi trong giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần mà chưa quy định về việc xử lý số dư khoản chênh lệch tỷ giá này. Do đó dự thảo Nghị định (khoản 6 Điều 1) bổ sung quy định theo hướng: Số dư khoản chênh lệch tỷ giá tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được xử lý vào kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần theo quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước.

- Tại điểm d khoản 2 điều 21 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định cổ phiếu doanh nghiệp cổ phần hóa đã được nhận thêm từ sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần mà không phải trả tiền, doanh nghiệp cổ phần hóa căn cứ số lượng cổ phiếu nhận được để ghi tăng giá trị vốn nhà nước (theo giá được xác định theo nguyên tắc quy định tại Điều 32 Nghị định này) đồng thời ghi tăng giá trị khoản đầu tư tài chính. Điều 32 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định nguyên tắc xác định giá trị vốn đầu tư của doanh nghiệp cổ phần hóa tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, trong khi đó điểm d khoản 2 Điều 21 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định số cổ phiếu nhận được sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Để thống nhất nguyên tắc xử lý tài chính tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần, dự thảo Nghị định (khoản 7 Điều 1) quy định: “Đối với cổ phiếu doanh nghiệp cổ phần hóa đã được nhận thêm từ sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần mà không phải trả tiền, doanh nghiệp cổ phần hóa căn cứ số lượng cổ phiếu nhận được để ghi tăng giá trị vốn nhà nước (theo giá được xác định tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần và các nguyên tắc quy định tại Điều 32 Nghị định này) đồng thời ghi tăng giá trị khoản đầu tư tài chính”.

Thu Hằng
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp đặc thù không phải xác định giá trị thương hiệu, yếu tố lịch sử khi cổ phần hoá tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tập trung giải quyết các vấn đề nóng: Giải ngân vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng, cổ phần hóa, thoái vốn
Giải ngân vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là những vấn đề nóng vừa được Chính phủ yêu cầu từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề cao trách nhiệm người đứng đầu, sâu sát công việc, chủ động, phối hợp xử lý những vướng mắc, bất cập.