Doanh nghiệp khởi nghiệp trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

04/12/2020, 09:10

TCDN - Chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ khởi đầu vào ngày 22/3/2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ, để ngăn chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.

Tóm tắt

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc chính thức nổ ra từ ngày 22/3/2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ, để ngăn chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.

Trong cuộc chiến này nền kinh tế 2 nước và nhiều quốc gia trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đã chịu tác động nặng nề. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, cuộc chiến thương mại Mỹ - trung đã mang lại cho Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp những cơ hội. Để có thể duy trì sự phát triển, tận dụng tốt cơ hội, vượt qua thách thức, doanh nghiệp khởi nghiệp cần tìm ra những biện pháp ứng phó kịp thời, hoạch định chiến lược thương mại phù hợp.

khoi-nghiep

1. Tác động của căng thẳng thương mại tới kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam

Chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ khởi đầu vào ngày 22/3/2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ, để ngăn chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.

Trong vài tháng qua, Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều động thái trả đũa lẫn nhau, đánh thuế đối với nhiều mặt hàng, như nông sản, ô tô, hóa chất, máy móc, kim loại và thiết bị y tế. Tranh chấp thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có tác động đối với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Bởi, Mỹ và Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và hàng hóa của Việt Nam nằm trong chuỗi giá trị của Trung Quốc, cuộc chiến thương mại này sẽ tác động mạnh mẽ tới nhiều mặt của nền kinh tế Việt Nam.

Tác động đến thị trường xuất nhập khẩu

Nhìn vào mặt tích cực, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ do hàng Trung Quốc bị hạn chế. Tuy nhiên, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại trong dài hạn sẽ làm suy giảm kinh tế thế giới, giảm cầu nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam. Sự gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng tác động tới các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Các công ty Trung Quốc bị hạn chế xuất khẩu sang thị trường Mỹ, có thể là nguyên nhân cho việc xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc giảm đi do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với các mặt hàng như linh kiện điện tử, thiết bị máy tính và nông sản.

Hàng Trung Quốc vào Mỹ bị đánh thuế cao đã tạo ra những cơ hội thị trường lớn cho hàng hóa xuất khẩu của những nước đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Trong danh sách những mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi đợt đanh thuế của Mỹ, nhiều hàng hóa là thế mạnh của Việt Nam, đáng chú ý là nhóm hàng công nghệ cao như thiết bị viễn thông liên lạc, bảng mạch điện tử vi tính, bộ chuyển đổi tĩnh điện, đồ gỗ. Đây là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu nhóm hàng công nghệ cao sang Mỹ.

Tuy nhiên, việc tăng xuất khẩu sang Mỹ cũng đồng nghĩa với việc làm gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam. Điều đó sẽ khiến hàng hóa Việt Nam rơi vào tầm ngắm của việc kiểm tra của Mỹ, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu. Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi đối với những quốc gia thao túng tiền tệ, việc bị coi là nước “thao túng tiền tệ” có thể dẫn đến việc hàng hóa Việt Nam bị đánh thuế khi bán vào thị trường Mỹ, gây tổn hại cho nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng làm nguy cơ thâm hụt thương mại với Trung Quốc gia tăng trong thời gian ngắn. Do vị trí địa lý nên lượng hàng Trung Quốc dư thừa sẽ đổ về thị trường Việt Nam, gây sức ép cạnh tranh về giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam (đồng NDT mất giá mạnh khiến giá hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn). Mặt khác, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn vì Trung Quốc tăng cường thực thi biện pháp bảo vệ thị trường nội địa.

Tác động tới dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI

Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến quan trọng của dòng FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc nhờ vị trí chiến lược, chi phí nhân công thấp, nguồn nhân lực dồi dào, môi trường vĩ mô và chính trị ổn định, độ mở kinh tế lớn và việc mới tham gia vào hai hiệp định thương mại tự do (CPTPP và EVFTA) đã giúp các nhà sản xuất tiếp cận tốt hơn các thị trường xuất khẩu chính. Chi phí sản xuất ở Trung Quốc ngày càng tăng cao cũng khiến cho các nhà đầu tư chuyển hướng sang những địa điểm đầu tư tiết kiệm chi phí hơn, và Việt Nam được xem là một lựa chọn thay thế. Hơn nữa, Việt Nam đang tiến dần lên nấc thang công nghệ mới, đó cũng là lý do để kỳ vọng dòng vốn FDI trong lĩnh vực công nghệ cao có thể tìm đến Việt Nam.

Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng của dòng vốn FDI từ Trung Quốc cũng là vấn đề đáng lo ngại, bởi vì nhiều dự án FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam trước đây là các dự án có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, còn có những lo ngại về khả năng Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam là nhằm đạt được xuất xứ “Made in Việt Nam”, tận dụng các FTA mới của Việt Nam để hưởng lợi về thuế và lệnh áp thuế từ Mỹ. Nếu Việt Nam không kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, rất có thể Mỹ sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt lên các doanh nghiệp ở Việt Nam tương tự như đối với Trung Quốc.

2. Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp khởi nghiệp

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mang lại cho các doanh nghiệp khởi nghiệp những cơ hội và thách thức đan xen. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp nghiệp cần tận dụng tốt cơ hội, tìm ra những biện pháp vượt qua khó khăn để tạo đột phá, phát triển bền vững.

Tận dụng cơ hội từ dòng vốn đầu tư nước ngoài

Lợi thế của FDI là nguồn vốn lớn, công nghệ cao, năng lực quản lý hiện đại; mạng lưới rộng, quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao. Những lợi thế của khởi nghiệp là sự ủng hộ của Chính phủ và cộng đồng cũng như công chúng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp còn hạn chế về kinh nghiệm quản lý, hiểu biết thị trường, công nghệ, cạnh tranh, cho nên sự thành công của doanh nghiệp FDI là động lực và hình mẫu để khởi nghiệp học hỏi, lấy cảm hứng hành động và rèn luyện bản lĩnh kinh doanh.

Để kịp thời nắm bắt cơ hội thị trường, tiếp cận hiệu quả với các nguồn lực phát triển và các biện pháp ưu đãi, khởi nghiệp cần lấy động lực cạnh tranh, hợp tác và kết nối chặt chẽ lẫn nhau trong đó có với các doanh nghiệp FDI để phát triển. Nói cách khác, FDI trở thành động lực phát triển khởi nghiệp.

Hơn nữa, do FDI là nguồn vốn đầu tư có lịch sử vận hành hơn 30 năm ở Việt Nam trong khi khởi nghiệp mới được thúc đẩy và coi trọng trong vài năm gần đây, cho nên FDI sẽ là động lực dẫn dắt thậm chí định hướng khởi nghiệp. Các doanh nghiệp khởi nghiệp cần quan sát, phân tích, học hỏi thành công và chưa thành công của doanh nghiệp FDI để xây dựng chiến lược và phát triển giải pháp khởi nghiệp phù hợp.

Thực tế, không ít các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đã gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để có thể thu hút vốn FDI thành công các doanh nghiệp khởi nghiệp buộc phải đáp ứng được những yêu cầu vô cùng khắt khe từ các nhà đầu tư nước ngoài, ngoài một ý tưởng sáng tạo nổi bật và có hiệu quả các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần có một sự chuyên nghiệp, trung thực, rõ ràng thông qua bộ hồ sơ gọi vốn, báo cáo tài chính và các kế hoạch dự kiến. Không những thế các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng phải tìm hiểu và nắm rõ ngôn ngữ văn hóa truyền thống và chuẩn mực xã hội các quốc gia của các nhà đầu tư mà mình hướng tới. Điều quan trọng nhất là phải nắm bắt nhanh kịp thông tin cơ hội trước khi bị vuột mất.

Ngoài nỗ lực của bản thân doanh nghiệp khởi nghiệp, chính sách tốt tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh và đầu tư là mấu chốt để thu hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc. Trong dài hạn, những lợi thế cạnh tranh truyền thống của Việt Nam như lao động giá rẻ sẽ khó thu hút FDI bởi vì ngành công nghiệp tương lai sẽ đòi hỏi ít lao động hơn và lao động có trình độ cao hơn.

Các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp cần xác định rõ đâu là lợi thế cạnh tranh trong tương lai để tập trung cải cách. Cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề, cải thiện nguồn nhân lực, thúc đẩy liên kết giữa các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp.

Tiếp cận thị trường ngách

Lý do chính khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại là do không tìm thấy thị trường cho sản phẩm mà họ đã xây dựng. Một số hiện tượng phổ biến như: Không có đề xuất giá trị đủ hấp dẫn đến người mua thực sự cam kết mua hàng. Bên cạnh đó, chọn sai thời điểm gia nhập thị trường cũng có tác động không nhỏ. Nhìn chung, quy mô thị trường của những nhà khởi nghiệp chịu tổn thất do thị trường chỉ đơn giản là không đủ lớn. 

Để giải bài toán tăng thêm lợi ích và giảm thiểu rủi ro ở các thị trường nước ngoài khi một loạt nước lớn kêu gọi doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc, doanh nghiệp khởi nghiệp nên tìm hiểu các thị trường ngóc ngách, cùng với đó là nhìn nhận đầy đủ hơn ở thị trường trong nước.

Chính phủ doanh nghiệp khởi nghiệp cũng phải có tự mình nhìn nhận và "test" thử với những biến động có thể có như việc thay đổi dòng tiền, tài sản thì làm thế nào để hạn chế được những rủi ro khi đang ở trong những biến động.

Mặt khác, trong bối cảnh rủi ro thương mại leo thang, rủi ro về tỉ giá có thể tăng cao, Chính phủ cần nghiên cứu, tối ưu hóa các quy định về dự phòng rủi ro đối với các ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất.

Bên cạnh đó, cần cung cấp thông tin rộng rãi đến các doanh nghiệp đối với các vấn đề xung quanh xung đột thương mại (các động thái cũng như là danh mục hàng hóa bị đánh thuế) để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể chủ động, linh hoạt trong việc sản xuất, tìm kiếm thị trường, đối tác và đưa ra những giải pháp kịp thời, phù hợp.

Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tìm thêm những hướng xuất khẩu ổn định và thuận lợi hơn để tận dụng hết các cơ hội đến từ cuộc chiến cũng như là các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang hướng đến. Đặc biệt, cần hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nâng cao trình độ, đầu tư vào công nghệ sản xuất giúp doanh nghiệp đón đầu những thách thức trong thời đại khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phương Anh (2018), Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam cần có những đối sách kịp thời và phù hợp, Tạp chí Kinh tế và Dự báo;

2. Mịch Dương (2019), Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam, Thái Lan được lợi, Tạp chí Công Tthương.

3. Trần Thị Thanh Hương (2019), Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và một số tác động đến Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2019;

4. Vương Diện Kiên (2019), Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ và những tác động đối với Việt Nam; Trang thông tin Vietnam-briefing.

5. Nguyễn Văn Lịch (2018), Chiến tranh thương mại: Phải tìm ra lợi thế để vượt qua, Trang điện tử bnews.vn;

6. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2018), Tóm tắt diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

ThS. Nguyễn Văn Nhung

Giám đốc kinh doanh Công ty LG Electronics Việt Nam

Tạp chí in số tháng 11/2020
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp khởi nghiệp trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong nền kinh tế số
Nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đó là: có kiến thức: chuyên môn, kinh tế, tin học; có kỹ năng: kỹ thuật, tìm và tự tạo việc làm, làm việc an toàn, làm việc hợp tác; có thái độ, tác phong làm việc tốt, trách nhiệm với công việc.