Đổi mới hoạt động thương mại, thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước

29/03/2021, 15:23

TCDN - Sức ép cạnh tranh trên thương trường tới từng chủ thể kinh doanh trong giai đoạn tới sẽ gia tăng mạnh. Các hãng danh tiếng có nhiều tiềm lực trong cạnh tranh sẽ xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Đó là tín hiệu đáng mừng trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường.

Tóm tắt

Hàng năm thương mại trong nước tạo ra giá trị khoảng 14-15% GDP, hỗ trợ giải quyết việc làm cho 6 - 7 triệu lao động (chiếm hơn 12% tổng lao động toàn xã hội). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội của nước ta có mức tăng trưởng nhanh. Trong giai đoạn từ 2015 đến 2017, mức tăng bình quân từ 10,5-10,9%/năm. Riêng năm 2018, tổng mức tăng 11,7% so với năm 2017 - mức tăng đột phá và cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đang tạo thêm sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Thực tế hiện nay đang đặt ra yêu cầu đổi mới thương mại trong nước cả về hình thức tổ chức, cơ sở hạ tầng cũng như cơ chế quản lý, điều hành của Nhà nước.

6-2

1. Đặt vấn đề

Ngày nay khái niệm buôn bán không hiểu theo nghĩa đen thuần túy như trước mà bao gồm một phạm vi rộng lớn hơn, bao trùm lên mọi hoạt động kinh tế của các quốc gia, với 4 nội dung cơ bản: hàng hóa - dịch vụ - đầu tư và các yếu tố thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ. Như vậy, có thể khái quát hình tượng của nền kinh tế thương mại trong thế kỷ 21 như sau: Thị trường là toàn cầu; định chế quản lý là WTO và các định chế của các khối kinh tế khu vực; chủ thể kinh doanh chủ yếu là các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia.

Sức ép cạnh tranh trên thương trường tới từng chủ thể kinh doanh trong giai đoạn tới sẽ gia tăng mạnh. Các hãng danh tiếng có nhiều tiềm lực trong cạnh tranh sẽ xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Đó là tín hiệu đáng mừng trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường nhưng đồng thời đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết cả ở tầm chính sách vĩ mô lẫn tác nghiệp và chiến lược kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.

2. Hoạt động thương mại

Hiện nay, trong các văn bản pháp luật hiện hành, hoạt động thương mại được đề cập cụ thể ở Luật Thương mại năm 2005, Nghị định 39/2007/NĐ-CP, và các văn bản khác liên quan đến hoạt động kinh doanh. Cụ thể như sau: 

Đó là mọi hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, đồng nghĩa với hoạt động kinh doanh. “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi“ (K2 Đ4 Luật Doanh nghiệp 2005). Hoạt động kinh doanh thực hiện trong nhiều lĩnh vực sản xuất, lưu thông hàng hóa và dịch vụ.

Như vậy, hoạt động thương mại bao gồm không chỉ các hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mà còn là các hoạt động đầu tư cho sản xuất dưới các hình thức đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, được điều chỉnh bằng Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2005 Luật Kinh doanh bất động sản , Luật Chứng khoán và các Luật chuyên ngành khác.

Theo Luật thương mại , “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác“ (K1 Đ3 Luật thương mại).

Hoạt động thương mại được định nghĩa theo Luật thương mại chỉ tập trung vào các hoạt động kinh doanh trong 2 khâu lưu thông và dịch vụ, không bao hàm khâu đầu tư cho sản xuất.

Hai lĩnh vực chủ yếu của hoạt động thương mại là thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ.

- Mua bán hàng hoá (Thương mại hàng hóa) là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận (K8 Đ3 Luật thương mại).

- Cung ứng dịch vụ (Thương mại dịch vụ) là hoạt động thương mại, theo đó một bên (gọi là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận (K9 Đ3 Luật thương mại).

Đối với hoạt động mua bán hàng hóa, có những thương nhân chuyên kinh doanh mua bán hàng hóa và có những thương nhân đồng thời là nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ. Vì vậy, pháp luật thương mại cũng có một số nội dung liên quan đến quá trình đầu tư sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ như tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quyền sở hữu trí tuệ.

Căn cứ theo khái niệm về “hoạt động thương mại” được quy định tại khoản 1 Điêù 3 Luật Thương mại năm 2005, có thể xác định “hoạt động thương mại” có những đặc điểm chính sau đây:

Một là, trong các chủ thể tham gia trong hoạt động thương mại thì có ít nhất một trong các bên được xác định là thương nhân.

Thương nhân, là khái niệm dùng để chỉ những chủ thể thực hiện hoạt động thương mại gồm tổ chức kinh tế được thành lập một cách hợp pháp, cá nhân họat động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có thực hiện việc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trong đó, tổ chức kinh tế được hiểu là những tổ chức mà được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh thu lợi nhuận, thường được thể hiện thông các hình thái như doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…

Việc khẳng định một trong các bên thực hiện hoạt động thương mại là thương nhân là bởi, thương nhân là chủ thể được quyền hoạt động thương mại dưới tất cả những hình thức, phương thức mà pháp luật không cấm, trên các lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật. Đồng thời, trong quy định tại Điều 1, và Điều 2 Luật Thương mại năm 2005 có quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng thì có xác định là áp dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng như các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại khác mà không được xác định là thương nhân. Ngoài ra, trong quy định của Luật thương mại năm 2005 quy đinh về một trong các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại cũng xác định về nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của thương nhân trong hoạt động thương mại. Do vậy, có thể khẳng định một bên trong hoạt động thương mại được xác định là thương nhân.

Bên còn lại trong hoạt động thương mại có thể được xác định là thương nhân, nhưng cũng có thể được xác định không phải là thương nhân như cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh được điều chỉnh bởi Nghị định 39/2007/NĐ-CP, ví dụ như người buôn bán vặt, buôn bán quà vặt, buôn chuyến…

Hai là, mục đích của các bên khi thực hiện hoạt động thương mại đều là nhằm mục đích lợi nhuận.

Cũng giống như các hoạt động kinh doanh khác, các chủ thể thực hiện hoạt động thương mại dù dưới hình thức nào, là mua bán hàng hoá hay cung cấp dịch vụ, thậm chí thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại như tổ chức hoạt động khuyến mại, quảng cáo thì đều nhằm mục đích tạo ra điều kiện cũng như khả năng trao đổi hàng hoá, giao lưu thương mại, đảm bảo việc tạo ra một nguồn thu nhập, một khoản tiền lợi nhuận từ những hoạt động này.

Ba là, hoạt động thương mại được thể hiện dưới nhiều hình thức hoạt động khác nhau, nhưng được xác định chủ yếu thông qua hai nhóm hoạt động: Mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ.

Bốn là, Chủ thể thực hiện hoạt động thương mại được phép thực hiện kinh doanh tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật, trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật.

Năm là, phạm vi thực hiện hoạt động thương mại không chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn được thực hiện ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam, trong phạm vi khu vực và thế giới, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thế giới và phù hợp với xu thế toàn cầu hoá, mở cửa nền kinh tế. Thông qua đó khẳng định vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Như vậy, hoạt động thương mại là cơ sở để phát triển nền kinh tế nội tại cũ của quốc gia cũng như sự giao thương, củng cố vị thế quốc gia trên thương trường quốc tế. Đồng thời, qua việc thực hiện các hoạt động thương mại còn cho thấy vai trò của thương nhân, nhà đầu tư, cũng như các cá nhân, tổ chức khác có trong việc đóng góp xây dựng và phát triển nền kinh tế.

3. Thực trạng thương mại trong nước

Theo Bộ Công Thương, hàng năm thương mại trong nước tạo ra giá trị khoảng 14-15% GDP, hỗ trợ giải quyết việc làm cho 6 - 7 triệu lao động (chiếm hơn 12% tổng lao động toàn xã hội). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội của nước ta có mức tăng trưởng nhanh. Trong giai đoạn từ 2015 đến 2017, mức tăng bình quân từ 10,5-10,9%/năm. Riêng năm 2018, tổng mức tăng 11,7% so với năm 2017 - mức tăng đột phá và cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đang tạo thêm sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Thực tế hiện nay đang đặt ra yêu cầu đổi mới thương mại trong nước cả về hình thức tổ chức, cơ sở hạ tầng cũng như cơ chế quản lý, điều hành của Nhà nước.

Chiến lược phát triển phát triển thương mại nội địa do Bộ Công Thương xây dựng hướng đến mục tiêu phát triển thương mại trong nước hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, phù hợp với trình độ phát triển từng giai đoạn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn vệ sinh, môi trường, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sản xuất, phân phối và người tiêu dùng.

Các giải pháp Chiến lược hướng tới việc giải quyết các vấn đề về tổ chức kênh phân phối; về loại hình, phương thức kinh doanh; về kết cấu hạ tầng thương mại; về các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phù hợp với tính chất, đặc điểm của thị trường theo ngành hàng, khu vực… Qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường.

Cần đổi mới phương thức hoạt động của thương mại trong nước theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp, phù hợp với quy luật của lưu thông hàng hoá. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, chú trọng phát triển thương mại điện tử; gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống; tạo mọi điều kiện giảm chi phí của hoạt động thương mại. Bên cạnh đó cũng cần đổi mới về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý thương mại trong nước theo hướng tôn trọng các quy tắc thị trường. Nhà nước chỉ can thiệp vào những địa bàn, lĩnh vực mà tư nhân không tham gia; tập trung vào giữ trật tự thị trường, bình ổn thị trường, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Song song với việc đổi mới về tổ chức hoạt động, cần phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hoà giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại. Nâng cao năng lực đối với nguồn nhân lực trong ngành phân phối, bán lẻ theo hướng chuyên nghiệp, văn minh.

Đặc biệt, đẩy mạnh việc thực hiện các chiến lược, đề án triển thị trường trong nước gắn kết với thực hiện các chiến lược liên quan đến xuất khẩu và hội nhập nhằm giảm áp lực cho thị trường trong nước, gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020.

Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, Chiến lược phát triển thương mại trong nước sẽ hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh và pháp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước.

4. Giải pháp

Để đổi mới hoạt động thương mại trong nước, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Sở Công Thương chú trọng theo dõi các hoạt động khuyến mại, bán hàng đa cấp, cấp phép mặt hàng kinh doanh có điều kiện như xăng dầu, gas, rượu bán buôn, thuốc lá bán buôn. Vấn đề quan trọng là luôn cập nhật thị trường, giá cả hàng hóa để đề xuất UBND tỉnh có giải pháp kiềm chế tăng giá hàng hóa cũng như các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của tỉnh, chính sách xuất khẩu trong nước, chính sách các nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán. Ngành đồng hành với doanh nghiệp, tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, phát triển thương mại bền vững.

Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, chiến lược phát triển thương mại của các địa phương là sẽ hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh và pháp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng tại thị trường nội địa. Theo đó, sẽ đổi mới phương thức hoạt động của thương mại theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với quy luật của lưu thông hàng hóa. Cùng với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chú trọng phát triển thương mại điện tử, gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống, qua đó giảm chi phí của hoạt động thương mại.

Bên cạnh những đổi mới về quản lý nhà nước theo hướng tôn trọng các quy tắc thị trường, Nhà nước chỉ can thiệp vào những địa bàn, lĩnh vực mà tư nhân không tham gia, tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phân phối, bán lẻ theo hướng chuyên nghiệp, văn minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Luật thương mại năm 2005 (Luật số 36/2005/QH11).

2. Chính phủ (2007), Nghị định 39/2007/NĐ-CP về việc cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập,thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.

3. Bộ môn Kinh tế phát triển (2009), Giáo trình Kinh tế phát triển, Nhà xuất bản Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

4. Hoàng Đức Thân, Phạm Đình Đào (2009), Giáo trình kinh tế thương mại, Nhà xuất bản Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

5. Bộ Công thương (2019), tài liệu Hội thảo “Giải pháp phát triển thương mại dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp”.

6. Bộ Công thương (2019), dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035

NCS Đặng Huy Du

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Tạp chí in số tháng 3/2021
Bạn đang đọc bài viết Đổi mới hoạt động thương mại, thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Đầu tư giải pháp số phù hợp, đảm bảo đủ nguồn lực
Trước bối cảnh số lượng doanh nghiệp phải ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc rút khỏi thị trường có xu hướng tăng trong hai tháng đầu năm, chuyển đổi số được xem là giải pháp căn cơ nhất để vượt qua khó khăn. Điều này giúp các doanh nghiệp tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn.