Doanh nghiệp sau Covid-19:

Đầu tư giải pháp số phù hợp, đảm bảo đủ nguồn lực

25/03/2021, 09:34

TCDN - Trước bối cảnh số lượng doanh nghiệp phải ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc rút khỏi thị trường có xu hướng tăng trong hai tháng đầu năm, chuyển đổi số được xem là giải pháp căn cơ nhất để vượt qua khó khăn. Điều này giúp các doanh nghiệp tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn.

9-1

Tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2021, có 33.611 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 21.636 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 8.380 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, 3.595 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 3.595 doanh nghiệp, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2020. 16/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là Sản xuất phân phối, điện, nước, gas; Vận tải kho bãi và Khai khoáng với tỷ lệ tăng lần lượt là 220%; 53,2% và 50%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho hay, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 2 tháng đầu năm nay là 18.129 doanh nghiệp, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 11.033 doanh nghiệp, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2021 giảm ở 12/17 lĩnh vực, trong đó, chủ yếu là các ngành nghề chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí; Giáo dục và đào tạo; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Khai khoáng; Xây dựng; Vận tải kho bãi...

Trước thực trạng hoạt động của doanh nghiệp, theo các chuyên gia, công nghệ và chuyển đổi số sẽ là xu thế hoạt động của doanh nghiệp thời kỳ hậu Covid-19. Trong giai đoạn phục hồi, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn. Do đó, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp phải có cả phần cứng, phần mềm, có những giao dịch với nền tảng công nghệ số. Đầu tư công nghệ hợp lý để kết nối người lao động, kết nối với đối tác...

Ông Hoàng Văn Thuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ tin học EFY Việt Nam nhấn mạnh, công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Để vượt bão Covid-19 và đón đầu sự phát triển trong năm nay, doanh nghiệp cần chuyển đổi số nhanh nhưng chuẩn xác; tính toán, nghiên cứu và tìm ra điểm nghẽn trong hoạt động của đơn vị; từ đó đầu tư giải pháp số phù hợp với năng lực doanh nghiệp và phải đảm bảo có đủ nguồn lực để triển khai lâu dài.

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, hiện tại và xu thế trong tương lai có 2 hướng phát triển đối với doanh nghiệp. Thứ nhất, ngành nghề phải chuyển đổi sang lĩnh vực khác. Ví dụ, doanh nghiệp lữ hành không thể hoạt động được thì họ chuyển đổi rất nhanh sang xuất khẩu hay lĩnh vực ngư nghiệp. Thứ hai là phải chuyển đổi số. Các doanh nghiệp hiện nay làm online rất tốt. Đó cũng là xu hướng của thế giới, tôi cho rằng rất phù hợp.

Để doanh nghiệp có thêm điều kiện vượt qua khó khăn, ông Nguyễn Văn Thân kiến nghị thứ nhất là dành 30% đầu tư công giao cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện. Thứ hai là phải có biện pháp huy động nguồn vốn, nguồn lực trong dân bằng nhiều hình thức để phát triển doanh nghiệp, nhất là trong thời kỳ này. Thứ ba là chuyển đổi số doanh nghiệp. Chính phủ cần bỏ vốn ra để đầu tư từ những cái nhỏ nhất như hóa đơn, chứng từ, văn bản… phải có một lượng vốn để đầu tư lĩnh vực này thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, đại diện Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, chuyển đổi số nên bắt đầu sớm và doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được nếu có quyết tâm. Đối với các DNNVV, tuy nguồn lực có hạn chế nhưng lợi thế lại ở chỗ do có quy mô nhỏ nên chuyển đổi số sẽ dễ dàng và ở trong phạm vi ảnh hưởng nhỏ hơn so với doanh nghiệp lớn.

“Cần nhất của chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy người lãnh đạo đến xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân sự và cuối cùng mới là yếu tố công nghệ”, ông Dũng chia sẻ.

Ở phạm vi lớn hơn khi nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh tiếp cận với thị trường toàn cầu, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) nhận định, xúc tiến thương mại trực tuyến chi phí chỉ bằng 1/10 so với xúc tiến trực tiếp, nhưng đem lại hiệu quả gấp nhiều lần; có thể rút ngắn khoảng cách giữa các đối tác, khách hàng và doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có thể tiếp thị toàn cầu, truy cập lấy thông tin cũng như giao dịch với khách hàng 24/7. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận đơn hàng nhanh hơn, độ phủ lớn hơn.

Duy trì ngành có tốc độ chuyển đổi số nhanh

Ông Phạm Sỹ An, Trưởng phòng Phòng Kinh tế vĩ mô và thể chế kinh tế, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, quá trình chuyển đổi số vốn đã diễn ra ở Việt Nam trong một vài năm qua. Nhưng khi dịch Covid-19 qua đi, nền kinh tế có thể quay trở lại trạng thái bình thường, nghĩa là những hoạt động và chuyển đổi số của doanh nghiệp do Covid-19 thúc đẩy, nâng lên, thì khi qua đi qua lại quay về trạng thái ban đầu, không còn gọi là chuyển đổi số mạnh nữa. Do đó, Chính phủ cần duy trì được những ngành đang có tốc độ chuyển đổi số nhanh và có những chính sách hỗ trợ để họ có thể thực hiện một cách dài hạn, không phải là chỉ qua thời kỳ Covid này, sau đó lại quay trở lại bình thường.

Ông Phan Đức Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Proview nêu thực tế, chuyển đổi số tại các doanh nghiệp hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức về chi phí ứng dụng công nghệ số cao, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu nhân lực có trình độ...

Theo ông Quang, khó khăn lớn nhất là doanh nghiệp cần biết được rằng trên thế giới là những công nghệ, giải pháp, phát triển nền tảng công nghệ đã phát triển nghiên cứu tới đâu? Khó khăn thứ hai là về việc tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng để có thể áp dụng các thử nghiệm nghiên cứu giải pháp của mình. Vì khi tiếp cận với các tổ chức doanh nghiệp, việc tạo kết nối để có được một hệ sinh thái, thông thường mất nhiều thời gian và nhiều lúc các chủ doanh nghiệp cũng không sẵn sàng để hỗ trợ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đổi mới tư duy và đổi mới thể chế chính sách theo hướng tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mạnh mẽ và huy động sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước là yếu tố quan trọng bậc nhất cho khoa học, công nghệ để phát triển.

Đồng thời, huy động được nguồn lực cần thiết cho đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó chú ý đột phá về thể chế, chính sách. Do đó việc chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là một quá trình để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế chứ không phải chỉ để đối phó với dịch bệnh. Yêu cầu đặt ra là cần xây dựng, triển khai thực hiện sớm chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chính là cơ hội hiếm có để thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước.

Mặt khác, phải thay đổi tư duy, biến công nghệ thông tin và chuyển đổi số là cú hích quan trọng và là trụ cột nền tảng để nâng đỡ quá trình phục hồi, tăng cường năng lực chống chịu và cải thiện chất lượng tăng trưởng theo hướng hiệu quả, xanh và bền vững.

Thái Minh

Tạp chí in số tháng 3/2021
Bạn đang đọc bài viết Đầu tư giải pháp số phù hợp, đảm bảo đủ nguồn lực tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Sản xuất công nghệ chủ chốt, giành thị phần xuất khẩu
Bước vào năm 2021, thị trường Việt Nam liên tiếp đón nhận các dự án triệu đô vào lĩnh vực công nghệ. Điều này vừa tạo lợi ích kinh tế, vừa tạo cơ hội để Việt Nam thành công trong việc chuyển đổi sang nền sản xuất công nghệ chủ chốt, giành thị phần đáng kể trong xuất khẩu điện thoại và chip xử lý.