Đồng Nai rà soát lại 265 khu dân cư, khu đô thị
TCDN - Đến này toàn tỉnh Đồng Nai có 265 dự án khu dân cư, khu đô thị đã được cấp chủ trương đầu tư. Trong đó, gồm 64 dự án cấp theo Luật Nhà ở và 201 dự án cấp theo Luật Đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức vừa có buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh để các chủ đầu tư có thể triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ.
Theo đó, đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có 265 dự án khu dân cư, khu đô thị đã được cấp chủ trương đầu tư. Trong đó, gồm 64 dự án cấp theo Luật Nhà ở và 201 dự án cấp theo Luật Đầu tư.
Giai đoạn trước ngày 1/7/2014, có 87 dự án được cấp chủ trương đầu tư và giai đoạn sau ngày 1/7/2014 là 178 dự án. Trong quá trình triển khai dự án, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở… khiến dự án bị chậm tiến độ. Đồng thời, nhiều dự án vướng vào đất công hoặc bồi thường giải phóng mặt bằng.
Trong đó, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom và TP Biên Hòa là những địa phương có nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị đang gặp khó khăn, vướng mắc.
Do vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu các huyện, thành phố trên địa bàn tình thực hiện rà soát lại tất cả các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn, sau đó phân loại, đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nhanh dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Đối với các dự án được cơ quan thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư giao cho Sở TN&MT chủ trì làm việc với Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng, địa phương và đơn vị liên quan tiếp tục rà soát hồ sơ pháp lý đầu tư, đất đai, tiến độ đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, quy định Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở qua các thời kỳ. Với những vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết của địa phương, UBND tỉnh sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ có biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030 sắp được phê duyệt, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm hơn 250 dự án bị loại ra khỏi quy hoạch vì kéo dài nhiều năm thực hiện.
Tại huyện Nhơn Trạch, hàng loạt dự án hơn 10 năm chưa thực hiện như: khu dân cư thương mại đô thị mới tại 2 xã Long Tân, Phú Hội của Công ty TNHH địa ốc Chợ Lớn được UBND tỉnh giới thiệu địa điểm từ năm 2003; khu dân cư xã Phú Hội do Công ty TNHH La Mã làm chủ đầu tư được UBND tỉnh thỏa thuận địa điểm vào năm 2009; khu dân cư ở 2 xã Long Tân và Phú Hội của CTCP Tập đoàn Đại Viễn Dương được thỏa thuận địa điểm lần đầu vào năm 2010; dự án Khu chợ và dân cư Dân Xuân tại thị trấn Hiệp Phước được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2010 cho CTCP Bất động sản Dân Xuân làm chủ đầu tư,...
Huyện Long Thành cũng có nhiều dự án kéo dài nhiều năm chưa thực hiện xong như: khu dân cư biệt thự Long An ở xã Long An; khu liên hiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại tại xã Bàu Cạn; khu đô thị Bình Sơn...
Trước đó, trong danh mục thu hồi đất giai đoạn 2015-2021 đã được HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua, trên địa bàn tỉnh có gần 300 khu dân cư sẽ tiến hành thu hồi đất. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án do vướng mắc ở các loại quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, chủ đầu tư chậm trễ… nên nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh không triển khai thực hiện theo đúng tiến độ.
Do đó, HĐND tỉnh đã tiến hành hủy kế hoạch thu hồi đất của 125 dự án khu dân cư, khu đô thị chậm tiến độ với diện tích hàng ngàn ha. Địa phương có nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị bị hủy kế hoạch sử dụng đất là các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom và TP. Biên Hòa.
Trong đó, một số dự án có diện tích đất lớn bị hủy là: Đô thị du lịch xã Đại Phước 130ha, Khu dân cư Long Tân hơn 125ha, Khu dân cư Vĩnh Thanh hơn 100 ha, Khu dân cư Vĩnh Thanh - Phú Thạnh hơn 90ha, Khu dân cư Phước An 70ha (huyện Nhơn Trạch); Khu đô thị sinh thái Long Thành 56ha (TP. Biên Hòa)…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899