Dự kiến sẽ có phân khúc nhà ở giá thấp khoảng 15 triệu đồng/m2

08/11/2020, 08:24

TCDN - Theo Bộ Xây dựng, vấn đề giá nhà tại các đô thị không phù hợp với khả năng chi trả của người dân tới đây sẽ sửa đổi căn bản quy định còn bất cập để tạo cơ chế đột phá hơn. Đồng thời báo cáo Chính phủ hỗ trợ nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ và giá bán đến 15 triệu đồng/m2.

Dự kiến sẽ có căn hộ nhỏ, giá rẻ

Tại phiên chất vấn của Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã có trả lời đại biểu về tình trạng phân khúc nhà ở xã hội đang vắng bóng dần ở các thành phố lớn. 

Theo Bộ trưởng, nhu cầu về nhà ở của người dân Việt Nam là rất lớn. Đến năm 2020, cần khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội. Đến nay, chúng ta đã xây được 5,2 triệu m2 nhà ở cho người dân, trong đó cho người thu nhập thấp ở đô thị là 2,8 triệu m2 và công nhân ở khu công nghiệp là 2,3 triệu m2, đáp ứng 41,5% nhu cầu.

Đối với vấn đề nhà ở xã hội, vướng mắc lớn nhất là thiếu nguồn cung. Do cơ chế chính sách chưa đủ mạnh khuyến khích các nhà đầu tư, thủ tục, chính sách còn nhiều bất cập và thiếu nguồn vốn hỗ trợ người mua nhà ở theo quy định của pháp luật.

"Theo quy định cần dành 9.000 tỷ nhưng nay mới được 4.000 tỷ. Nhiều địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất, chưa quan tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án nhà ở xã hội và chưa quyết liệt cải cách thủ tục hành chính", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà dẫn chứng.

Bộ Xây dựng đang báo cáo Chính phủ hỗ trợ nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán đến 15 triệu đồng/m2.

Bộ Xây dựng đang báo cáo Chính phủ hỗ trợ nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán đến 15 triệu đồng/m2.

Trước hết, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và diện tích tối thiểu căn hộ 45m2, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Chính phủ cũng rất quan tâm đầu tư cho người dân vay vốn. Các địa phương quan tâm đầu tư bố trí quỹ đất, hạ tầng…

Đồng thời, tới đây sẽ sửa đổi căn bản Nghị định 100 tạo cơ chế đột phá hơn cho doanh nghiệp, người dân mua nhà ở xã hội.

Chúng tôi cũng đang báo cáo Chính phủ hỗ trợ nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán đến 15 triệu đồng/m2. Hiện cơ cấu nhà ở đô thị có diện tích nhỏ và giá dưới 1 tỷ đồng rất khan hiếm", Bộ trưởng Hà cho hay.

Việc Bộ Xây dựng đưa ra các giải pháp về thể chế, tài khóa và tín dụng đối với phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, đặc biệt là tập trung trọng tâm phát triển nhà ở xã hội - được coi là giải pháp tạo đà, "kích thích" sự phát triển của thị trường bất động sản trong giai đoạn khó khăn.

Theo các chuyên gia, Bộ này cần phối hợp đánh giá kỹ lưỡng tình hình ở Hà Nội và TP. HCM, rà soát việc triển khai các dự án nhà ở, bất động sản lớn ở hai địa phương này bởi đây là thị trường lớn nhất…

Chính sách còn nhiều bất cập 

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chính sách phát triển nhà ở xã hội đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại khá nhiều những bất cập trong quy định Luật Nhà ở, Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội…

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu đã chỉ ra tới hơn 10 bất cập chính đang "kìm hãm" quá trình phát triển nhà ở xã hội. Đơn cử như: Bất cập về việc chưa có quy hoạch khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng, kết hợp với các dự án nhà ở thương mại giá thấp; bất cập khi sử dụng quỹ đất công để làm nhà ở xã hội; bất cập khi sử dụng quỹ đất do doanh nghiệp tạo lập làm dự án nhà ở xã hội; Bất cập trong quy định về cách tính giá trị "quỹ đất 20%"…

Bên cạnh đó, ông Lê Hoàng Châu dẫn chứng, Nghị định 100/2015/NĐ-CP, quy định "lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư", là không hợp lý vì Luật Nhà ở cho phép chủ đầu tư dự án 100% nhà ở xã hội, thì được bán 20% quỹ nhà theo giá thương mại để giảm giá thành nhà ở xã hội, dẫn đến thực tế là chủ đầu tư không được lợi gì thêm khi bán số nhà ở thương mại này.

Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BXD kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, có hiệu lực từ ngày 1.7.2020. Theo đó, tại dự án nhà thương mại sẽ cho phép diện tích sử dụng tối thiểu của một căn hộ không dưới 25m2 và bảo đảm số lượng căn hộ nhỏ hơn 45m2 không vượt quá 25% tổng số căn hộ tại dự án đó. Theo đánh giá, thông tư được ban hành mang lại nhiều lợi ích cho người dân, nhưng cũng không ít bất cập.

Nêu giải pháp tháo gỡ khó khăn phát triển nhà ở xã hội, HoREA đề nghị bãi bỏ quy định tại Khoản 2 Điều 33 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, để cho phép Ngân hàng chính sách xã hội được cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay ưu đãi, theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Điều 15 Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Về lãi suất cho vay ưu đãi, HoREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội thống nhất cùng một loại lãi suất tại Ngân hàng chính sách xã hội và tại các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank. Về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, HoREA kiến nghị thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội từ 3-3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp ở các đô thị có thể mua được nhà ở.

Cùng với việc nêu các kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu cho biết, trong những năm qua, HoREA đã có nhiều khuyến nghị đến các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản cần chuyển hướng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.

Chủ tịch HoREA cho rằng, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp, thì sẽ huy động được nhiều doanh nghiệp bất động sản tham gia, có thể hình thành các khu đô thị, khu dân cư có các loại nhà ở vừa túi tiền, bao gồm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp có đầy đủ các hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, các tiện ích, dịch vụ, thân thiện môi trường…

"Khi được triển khai đồng bộ, cũng có thể giảm thêm giá bán, giá cho thuê loại nhà này và thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp đô thị được mua, thuê, thuê mua nhà ở giá thấp, phù hợp với khả năng tài chính", ông Châu kỳ vọng.

An Tú
Bạn đang đọc bài viết Dự kiến sẽ có phân khúc nhà ở giá thấp khoảng 15 triệu đồng/m2 tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan