Dự kiến thu hẹp đối tượng không chịu thuế, chịu thuế VAT 5%, tiến tới áp dụng một mức thuế

21/01/2024, 19:39

TCDN - Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như đảm bảo tính liên hoàn của chính sách thuế, việc sửa đổi đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), chịu thuế VAT 5% theo hướng thu hẹp đối tượng là cần thiết.

thue-VAT-1

Sửa thuế VAT tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi các quy định về đối tượng chịu thuế VAT, chuyển nhiều mặt hàng sang diện chịu thuế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điều 5 của Luật Thuế VAT hiện quy định về đối tượng không chịu thuế gồm nhiều mặt hàng như nông sản chưa chế biến, giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, máy nông nghiệp, tàu cá, thức ăn chăn nuôi, muối, phần mềm máy tính, và một số loại máy móc, thiết bị, vật tư khác… Các doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng hoá thuộc nhóm này đang được hưởng lợi là không phải đóng thuế VAT cho sản phẩm đầu ra.

Luật Thuế VAT (sửa đổi) được thông qua ngày 03/6/2008 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khoá XII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 để thay thế cho Luật Thuế VAT năm 1997 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế VAT năm 2003, năm 2005. Trải qua 03 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2013, 2014 và năm 2016.

Tuy nhiên, theo VCCI các doanh nghiệp này cũng đồng thời không được khấu trừ thuế VAT đầu vào trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, sản phẩm tương tự nhập khẩu cũng không phải chịu thuế VAT khi nhập khẩu nhưng lại được hoàn thuế VAT khi xuất khẩu ra khỏi nước đối tác. Như vậy, đối với các mặt hàng thuộc diện không chịu thuế, hàng hoá nhập khẩu đang có chi phí thuế thấp hơn hàng hoá sản xuất trong nước.

“Quy định về đối tượng không chịu thuế VAT đang gây tác động không mong muốn là bảo hộ ngược, khuyến khích nhập khẩu hàng hoá thay vì sản xuất trong nước. Hàng hoá nhập khẩu có chi phí thuế thấp hơn so với hàng hoá sản xuất trong nước chính là chi phí thuế VAT chưa được khấu trừ. Đây là vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay và cần được giải quyết một cách thấu đáo trong lần sửa đổi Luật Thuế VAT lần này, nếu không sẽ khiến sản xuất trong nước tiếp tục chịu thua thiệt, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển của đất nước”, đại diện VCCI nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam, xu hướng hoàn thiện hệ thống chính sách thuế VAT cần hướng đến thu hẹp dần đối tượng chịu thuế VAT, đơn giản hóa cách phân loại thuế suất, giảm thiểu thuế suất 5% và tiến tới áp dụng thống nhất một mức thuế suất để đảm bảo tính liên hoàn của chính sách thuế.  

Nếu trong thời gian trước mắt, chưa đủ điều kiện áp dụng thống nhất được 1 loại thuế suất thuế VAT thì nên xem xét hướng dẫn cụ thể việc xác định sản phẩm, dịch vụ không chịu thuế, không kê khai tính thuế, thuế suất 5%, thuế suất 10% một cách rõ ràng, chi tiết để người nộp thuế thực hiện thuận lợi.

Tại Tờ trình Dự án Luật thuế VAT (sửa đổi) gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, qua triển khai thực hiện chính sách thuế VAT cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sửa đổi.

Cụ thể, số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế còn nhiều (26 nhóm) và không được khấu trừ thuế VAT đầu vào làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp và làm tăng giá bán ra, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Việc áp dụng các mức thuế suất (hiện nay gồm 03 mức: 0%, 5% và 10%) đối với các nhóm mặt hàng còn chưa phù hợp. Đối tượng chịu thuế VAT thuế suất 5% còn nhiều (14 nhóm hàng hóa, dịch vụ) chưa phù hợp với định hướng cải cách hệ thống thuế, tiến tới áp dụng 1 mức thuế suất phổ thông. Việc xác định thuế suất đối với một số hàng hóa dựa vào mục đích sử dụng nên gây vướng mắc cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế.

Empty

Thu gọn đối tượng không chịu thuế

Theo đó, tại dự thảo Luật thuế VAT (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT trong 26 nhóm này (bỏ 07 hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và In-ter-net phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng).

Tại phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào dự thảo Luật Thuế VAT vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024.

Cụ thể, với nhóm dịch vụ công ích (như: dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập, dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng;…), theo Bộ Tài chính, quá trình toàn cầu hoá và xã hội hoá đang diễn ra phổ biến và nhiều lĩnh vực dịch vụ công ích đang có xu hướng chuyển sang xã hội hóa ngày càng nhiều. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều đã tham gia cung cấp các nhóm dịch vụ công nêu trên.

Việc quy định các dịch vụ công đã được xã hội hóa thuộc đối tượng không chịu thuế VAT cho thấy không còn phù hợp vì thuộc đối tượng không chịu thuế VAT nên thuế VAT đầu vào của số vốn đầu tư đưa vào kinh doanh dịch vụ sẽ không được khấu trừ, hoàn thuế VAT đầu vào. Theo đó, để khắc phục bất cập này, cần thiết nghiên cứu, sửa đổi để thu hẹp đối tượng không chịu thuế VAT đối với các dịch vụ công đã được xã hội hóa.

Đối với mặt hàng phân bón, Bộ Tài chính nêu rõ, tại khoản 3a Điều 5 Luật thuế VAT hiện hành quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT.  Trong quá trình thực hiện quy định nêu trên, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã kiến nghị sửa đổi quy định này do doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định (TSCĐ) phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Khó khăn về nguồn vốn nên doanh nghiệp không chủ động trong đầu tư, mở rộng sản xuất.

Cùng với kiến nghị của doanh nghiệp sản xuất phân bón, Bộ Tài chính cũng nhận được kiến nghị của Bộ Công thương, Hiệp hội phân bón cũng phản ánh khó khăn của doanh nghiệp sản xuất phân bón và đề nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế VAT thuế suất 5%.

Để vừa thúc đẩy ngành sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu vừa thực hiện mục tiêu thu hẹp đối tượng không chịu thuế VAT, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định áp dụng mức thuế suất thuế VAT 5% đối với phân bón tại điểm b khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật.

Empty

Thu hẹp đối tượng chịu thuế VAT 5%

Về đối tượng chịu thuế 5%, Bộ Tài chính thông tin: Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế (số liệu thống kê của IMF), đa số các nước (47,6%) áp dụng thuế VAT có biểu thuế suất gồm một mức (không tính mức thuế suất 0% cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu); 31,7% số nước áp dụng biểu thuế suất thuế VAT với hai mức thuế suất và số còn lại là nhiều hơn hai mức. Phần lớn các nước châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN, chỉ áp dụng một mức thuế suất ngoài mức thuế suất 0%.

Theo đó, để phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế và nhằm thực hiện mục tiêu tiến tới áp dụng một mức thuế suất thuế VAT theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế, cần thiết rà soát để thu hẹp đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất 5%.

Tại dự thảo Luật đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% (bỏ 10 hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% gồm: nhựa thông sơ chế; thực phẩm tươi sống; lâm sản chưa qua chế biến; đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn; các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học; hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim).

Chủ tịch VTCA khẳng định: “Việc xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện lại chính sách thuế là điều cấp thiết, làm cho chính sách ngày càng đồng bộ, kết hợp với cải cách thuế sẽ tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ. Đồng thời cũng nâng cao hiệu quả hiệu lực của công tác thuế”.

Bộ Tài chính cho biết, Luật thuế VAT góp phần quan trọng, ổn định, đảm bảo tỉ lệ động viên hợp lý cho (ngân sách nhà nước) NSNN; cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản (dầu thô) và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Thuế VAT tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong động viên vào NSNN, đây là sắc thuế có số thu lớn nhất trong hệ thống thu NSNN của Việt Nam hiện nay. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, hiệu suất thu tốt của thuế VAT góp phần đảm bảo cân đối cơ bản cho thu chi NSNN.

Ngoài ra, thuế VAT được nộp vào ngân sách kịp thời (hàng tháng, hàng quý kế tiếp tháng, quý phát sinh giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ) nên thuế VAT tạo dòng tiền đều cho ngân sách.

Từ năm 2013 đến năm 2022, mặc dù nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới nhưng số thu về thuế VAT vẫn được bảo đảm, tăng trưởng đều qua các năm và ổn định về tỷ trọng thu thuế VAT trong tổng số thu NSNN.

Theo thống kê của cơ quan quản lý thu thì số thu về thuế VAT luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu 5 NSNN cũng như chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu về thuế, cụ thể: Năm 2014 khoảng 26,9%, năm 2019 khoảng 23,3%, năm 2020 khoảng 22,7%, năm 2021 khoảng 23,6% (năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19), năm 2022 khoảng 24,5%.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Dự kiến thu hẹp đối tượng không chịu thuế, chịu thuế VAT 5%, tiến tới áp dụng một mức thuế tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Phân bón có thể chịu thuế VAT 5%
Bộ Tài chính đề xuất áp thuế suất 5% với mặt hàng phân bón thay vì không chịu thuế như hiện tại, khi sửa Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT).