Duyệt quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030

20/05/2020, 10:52

TCDN - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 67/NĐ-CP phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm (2021 - 2025) được thực hiện trên phạm vi toàn bộ diện tích đất tự nhiên cả nước. 

Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm phê duyệt dự toán chi tiết và lựa chọn đơn vị lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia theo quy định hiện hành. Nội dung quy hoạch gồm xác định và khoanh định diện tích đất trồng lúa (trong đó có đất chuyên trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt), đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất (trong đó có đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); đất khu công nghiệp - khu kinh tế, đất khu công nghệ cao; đất đô thị; đất quốc phòng; đất an ninh,...

Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030. (Ảnh minh họa)

Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030. (Ảnh minh họa)

Mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân bổ và khoanh vùng đất đai cho các ngành, lĩnh vực và địa phương; sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững nhằm phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực về đất đai, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

Đồng thời, quy hoạch cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường;

Bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia; Bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới; Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước; bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, tính bảo tồn.

Cùng với đó, quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng. Bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và khả năng, quỹ đất của quốc gia nhằm sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả. Nội dung phân bổ và sử dụng đất trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Thời hạn lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia không quá 30 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt. Kinh phí cho hoạt động Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kinh phí đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch sử dụng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lấy từ nguồn vốn đầu tư công. Kinh phí lập kế hoạch sử dụng đất quốc gia 05 năm (2021 - 2025) lấy từ nguồn chi các hoạt động kinh tế.

Trong quá trình lập quy hoạch, tổ chức tư vấn lập quy hoạch tuyển chọn chuyên gia trong nước, chuyên gia nước ngoài theo quy định của pháp luật. 

PV
Bạn đang đọc bài viết Duyệt quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan