EVFTA: Ngân hàng, bảo hiểm sẽ tăng giá trị xuất khẩu khoảng 21%
TCDN - Dự báo ngành ngân hàng, bảo hiểm sẽ tăng giá trị xuất khẩu khoảng 21% so với kịch bản không có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo ngành Tài chính – Viễn thông Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ EVFTA do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 23/10.
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, phạm vi các dịch vụ tài chính Việt Nam có cam kết mở cửa trong EVFTA bao gồm các dịch vụ tài chính cụ thể thuộc 03 ngành gồm: Ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác; Bảo hiểm và các dịch vụ liên quan tới bảo hiểm; Chứng khoán.
Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp tăng GDP thêm 2,18 – 3,25% trong giai đoạn 05 năm đầu có hiệu lực và khoảng 4,57 - 5,3%; 7,07 - 7,72% cho lần lượt các giai đoạn 05 năm tiếp theo.
Về xuất khẩu, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 20% trong năm đầu tiên thực hiện EVFTA, 42,7% vào năm thứ 5 và khoảng 44,37% vào năm thứ 10.
Nhờ các tác động này, dự kiến bản thân ngành ngân hàng, bảo hiểm cũng sẽ tăng giá trị xuất khẩu khoảng 21% so với kịch bản không có EVFTA.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập chung, đặc biệt với việc Việt Nam còn có cam kết mở cửa thị trường dịch vụ tài chính trong các Hiệp định thương mại tự do khác ngoài EVFTA, ngành dịch vụ tài chính đang phải đối mặt với một số thách thức.
Đó là áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài trên thị trường Việt Nam ngày càng lớn. Áp lực này một mặt do Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ tài chính theo một số các cam kết FTA, qua đó mở đường cho nhiều nhà cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam hoặc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam.
Mặt khác, Việt Nam mở cửa mạnh nền kinh tế theo các FTA khiến thương mại - đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu sôi động. Từ đó, tạo ra thị trường hấp dẫn thu hút sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài tại Việt Nam dẫn tới sức ép cạnh tranh mạnh với các doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, nhu cầu đối với dịch vụ tài chính ngày càng cao, không dừng lại ở giá, đòi hỏi mức độ phong phú về dịch vụ, chất lượng dịch vụ.
Theo Tổng cục Thống kê, ngành bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán đạt tốc độ tăng trung bình khoảng 7,5%/năm trong giai đoạn 2005-2015, cao hơn tốc độ tăng GDP trung bình của toàn ngành dịch vụ trong cùng giai đoạn. Năm 2018, quy mô tài sản của ngành tăng 11,5% so với năm 2017, với tổng tài sản tương đương 203% GDP.
Tính đến 31/12/2018, Việt Nam có tổng cộng 388 doanh nghiệp, tổ chứ kinh doanh được cấp phép hoạt động trong 3 lĩnh vực tài chính, bao gồm 64 đơn vị kinh doanh bảo hiểm, 126 ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và 198 tổ chức chứng khoán.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899