EVS đánh giá cao tiềm năng cổ phiếu thủy sản và dầu khí

22/05/2022, 08:45

TCDN - Chứng khoán Everest chỉ ra những yếu tố có thể thúc đẩy đà tăng giá của nhóm cổ phiếu dầu khí và cổ phiếu thủy sản khi VN-Index trở lại vùng 1.320 điểm.

Báo cáo chiến lược thị trường công bố mới đây của Chứng khoán Everest (Mã: EVS) chỉ ra rằng trong tháng 5, VN-Index từng giảm sâu về vùng 1.172 điểm với biến độ lớn, khối lượng giao dịch giảm dần. Tuy nhiên với việc chỉ số giảm rất sâu trong thời gian ngắn sẽ kích thích dòng tiền thông minh giải ngân vào các cổ phiếu được định giá hấp dẫn.

Bên cạnh đó, chỉ báo RSI cũng đã cho thấy tín hiệu thị trường đang rơi về vùng quá bán và là tín hiệu cho nhịp giảm sẽ sớm kết thúc.

Quan điểm Chứng khoán Everest là có thể thị trường sẽ tạo đáy quanh vùng 1.167 nếu xuất hiện lực cầu đủ mạnh và sớm quay lại lấp gap vùng 1.320 điểm trong thời gian tới. Với nhận định ấy, nhóm phân tích nêu tên hai ngành kinh doanh triển vọng là thủy sản và dầu khí.

Giá thủy sản tăng sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới

Kết thúc quý I/2022, các doanh nghiệp ngành thủy sản, đặc biệt là nhóm sản xuất cá tra cho thấy kết quả kinh doanh ấn tượng. Các doanh nghiệp đầu ngành như VHC, ANV đều cho thấy mức tăng trưởng kết quả kinh doanh vô cùng mạnh mẽ, phản ánh ngành cá tra chính thức bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới.

vinh hoan 2

Tương tự như giai đoạn 2017 - 2018, giá xuất khẩu cá tra liên tục lập đỉnh trong 4 tháng đầu năm (trung bình mỗi tháng tăng 50% so với cùng kỳ năm trước) khi nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ hay châu Âu liên tục tăng cao khi dây là khu vực mà đã mở cửa lại các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, chiếm tới 60 – 70% lượng tiêu thụ cá tra.

Hiện tại, lượng tồn kho trong nước lại chỉ bằng một nửa so với giai đoạn 2019 – 2020 sau giai đoạn giá cá tra lao dốc vì dư cung trong chu kỳ trước. Theo dự báo của VASEP, nguồn cung trong nước có thể sẽ quay trở lại vào cuối quý II/2022, khi người dân Đồng bằng Sông Cửu Long quay trở lại nuôi trồng cá giống nhiều hơn, giúp giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp lớn trong ngành.

Trong bối cảnh địa chính trị phức tạp trên thế giới và những biện pháp phòng chống dịch khá quyết liệt từ Trung Quốc, giá cá tra được kỳ vọng sẽ được duy trì đến hết 2022 và có thể sang nửa đầu năm 2023.

Với cuộc chiến giữa Nga – Ukraine vẫn còn rất phức tạp, các lệnh trừng phạt với Nga có thể sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho cá tra Việt Nam khi Nga vẫn cũng cấp tới 4,5 – 5,8 tỷ USD kim ngạch thủy sản (trong đó có cá Minh Thái, của Alaska). Bên cạnh đó, kỳ vọng chính sách Zero-Covid của Trung Quốc sẽ được giảm bớt và hướng tới mở cửa trở lại có thể giúp nhu cầu tại thị trường đông dân nhất thế giới tạo ra một cu huých cho giá xuất khẩu cá tra trong thời gian tới.

Chứng khoán Everest gợi ý hai cổ phiếu thủy sản cần quan tâm với là VHC, ANV. Trong tuần vừa qua, đa số cổ phiếu thủy sản đang lấy lại thế cân bằng sau khi giảm liên tiếp vài phiên. Một số cổ phiếu thủy sản như ASM, CMX đã rơi về gần vùng thấp nhất từ đầu năm trong đợt giảm mạnh vừa qua.

Động lực tăng trưởng cho ngành dầu khí

Không những chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và gián đoạn chuỗi cung ứng, cuộc chiến Nga – Ukraine đã gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu. Giá dầu Brent và giá khí thiên nhiên đạt mốc cao nhất kể từ tháng 7/2008 (139,13 USD/thùng và 5,08 USD/mmbtu trong tháng 4/2022).

Nga là nước xuất khẩu các sản phẩm về dầu và khí top đầu thế giới, do đó dấy lên những lo ngại về các biện pháp trừng phạt có thể khiến cho nguồn cung bị gián đoạn. Theo IEA, nguồn cung khí từ Nga sang Châu Âu hiện đã giảm 25% so với cùng kỳ năm trước do những cẳng thẳng địa chính trị và chưa xác định hồi kết có thể sẽ tiếp tục khiến giá khí gas neo cao trong thời gian tới.

Cũng do ảnh hưởng cuộc chiến, giá than nhập khẩu hiện đang ở mức cao kỷ lục khiến cho các nhà máy nhiệt điện có thể đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Theo EVN, các nhà máy này hiện chỉ tích trữ đủ 76,8% nguồn nguyên liệu đầu vào cùng hiện tượng La Nina khiến thủy điện có lợi dẫn tới việc công suất hoạt động các nhà máy nhiệt điện thấp hơn dự kiến.

Theo EVS Research, khi các yếu tố thời tiết bất lợi giảm dần, nguồn điện khí có thể bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ nhiệt điện than nhờ nguồn cung dồi dào, góp phần gia tăng sản lượng tiêu thụ khí khô trong nước. Bên cạnh đó, dự thảo Quy hoạch điện 8 cũng cho thấy Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ trọng điện khí để đa dạng nguồn điện năng và giảm phát thải.

Chính phủ cũng đã phê duyệt các dự án khu phức hợp năng lượng LNG và trong đó dự án đầu tiên là cảng LNG Thị Vải dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào quý IV/2022. Các cố phiếu trong ngành mà nhóm phân tích quan tâm là GAS, PVS, CNG.

Quốc Bình
Bạn đang đọc bài viết EVS đánh giá cao tiềm năng cổ phiếu thủy sản và dầu khí tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan