FDI vào Việt Nam: "Phải không có tiền gầm bàn, chi phí không chính thức"

16/10/2020, 09:32

TCDN - Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam vẫn có những kết quả khả quan, chứng tỏ có sự chuyển dịch làn sóng đầu tư vào Việt Nam.

Dự án điện khí Bạc Liêu thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn.

Dự án điện khí Bạc Liêu thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn.

Hơn 21 tỷ USD vốn đầu tư trong 9 tháng

Tính đến 20/9/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,20 tỷ USD, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 13,76 tỷ USD, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 13,76 tỷ USD, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,9 tỷ USD, chiếm 46,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký lần lượt gần 3,2 tỷ USD và 1,3 tỷ USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.

Đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,77 tỷ USD, chiếm 32% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,17 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,87 tỷ USD, chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan,...

Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 60 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu với 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. TP Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt 3,25 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ 3 với 2,92 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Phòng,…

Nếu xét theo số lượng dự án mới thì TP Hồ Chí Minh dẫn đầu (719 dự án); Hà Nội đứng thứ hai (409 dự án); Bắc Ninh đứng thứ ba (119 dự án),….

Bên cạnh đó, ước tính trong 9 tháng năm 2020, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước thu hút được khoảng 517 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 8,5 tỷ USD.

Việt Nam điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam hấp dẫn trong mắt giới đầu tư quốc tế

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam đã có tác động không nhỏ tới dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nước ta trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh tốt và vẫn rất tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.

Mặc dù số dự án mới, điều chỉnh vốn và cả số lượt GVMCP của nhà đầu tư nước ngoài đều giảm so với cùng kỳ nhưng theo Cục Đầu tư nước ngoài, xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, về mặt thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19 và xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, trong đó có sự dịch chuyển trụ sở sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn lớn, Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quan tâm vì sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực…

Từ đầu năm đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức một số cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến với các đối tác khu vực châu Á (Nhật Bản, Singapore) hay châu Âu (Pháp). Qua các cuộc xúc tiến đầu tư này, rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến việc đầu tư tại Việt Nam, họ đều bày tỏ sự quan tâm tới các định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới.

“Chúng tôi rất kỳ vọng cuối năm nay, đặc biệt là năm 2021, sẽ có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam để hiện thực hoá việc dịch chuyển của mình”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ, cho đến nay đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đến từ “các thiên đường thuế” rất nhiều. Phần lớn đầu tư đến từ các nước châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc. Không có hoặc rất ít đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ và châu Âu.

Trong khi đó, chúng ta rất kỳ vọng đầu tư từ Hoa Kỳ và từ châu Âu với kỳ vọng những đầu tư này là đầu tư chất lượng cao. Những đầu tư này sử dụng công nghệ cao hơn, không sử dụng chi phí lao động thấp, loại đầu tư này rất phù hợp với chúng ta khi chúng ta muốn cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

“Tôi cho rằng các nhà đầu tư muốn chính sách, luật pháp của chúng ta ổn định. Trong văn bản phải cụ thể, khi thực thi phải dự đoán được. Không có tiền gầm bàn, không có chi phí không chính thức. Điều này đối với nhà đầu tư Hoa Kỳ và châu Âu là cực kỳ quan trọng bởi vì họ là những người luôn luôn phải tuân thủ luật pháp, nếu họ không tuân thủ, rủi ro pháp lý xảy ra với họ là rất lớn. Nếu như họ vấp phải rủi ro pháp lý này, họ sẽ tránh. Đây là điều đầu tiên tôi cho rằng chúng ta phải khắc phục trước mắt”, ông Cung cho hay.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh,”chúng ta cần phải thiết kế những gói chính sách mang tính chất “may đo”, không “may sẵn”, lúc đó chúng ta mới đáp ứng các nhu cầu của các nhà đầu tư. Từ đó, chọn được nhà đầu tư có chất lượng. Tôi cho rằng chúng ta phải hành động hết sức cụ thể và xác định đúng vấn đề xử lý khi các nhà đầu tư yêu cầu. Phải thu hút được doanh nghiệp bên trong của chúng ta, hỗ trợ họ tham gia chuỗi dịch chuyển này. Nếu không thì chỉ có nhà đầu tư nước ngoài tận dụng được lợi thế này”.

T. Phương
Bạn đang đọc bài viết FDI vào Việt Nam: "Phải không có tiền gầm bàn, chi phí không chính thức" tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,2 tỷ USD trong 9 tháng
Tính đến ngày 20/9/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 21,20 tỷ USD, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện ước đạt 13,76 tỷ USD, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: 'Việt Nam thu hút FDI có chọn lọc'
Mặc dù tình hình kinh tế trong và ngoài nước chịu tác động rất lớn do dịch bệnh và các nguyên nhân khác, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế nhìn nhận và đánh giá cao là đất nước an toàn, điểm đến đầu tư hấp dẫn với dòng vốn FDI.