Bất động sản hút 850 triệu USD vốn FDI nửa đầu năm

05/08/2020, 12:33

TCDN - Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/3/2020 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 526.396 tỷ đồng, giảm 0,87% so với hết tháng 2/2020, tăng 0,87% so với 31/12/2019.

Theo đó, tính từ cuối năm 2019 và trong 6 tháng đầu năm 2020, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản có xu hướng giảm.

Dư nợ tín dụng bất động sản có xu hướng giảm

Theo số liệu thống kê cho thấy, bình quân dư nợ tín dụng trong 5 năm gần đây khoảng 7,3% (trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế).

Tuy nhiên, tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản giảm dần trong 5 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019 và giảm còn 6,3% trong Quý I/2020. Cơ cấu dư nợ bất động sản cũng có thay đổi theo từng giai đoạn:

Cho vay đầu tư các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở và sửa chữa, cải tạo nhà chiếm tỷ lệ 38,9%; các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê chiếm tỷ lệ 7,2%; các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm tỷ lệ 3,9%.

Các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng chiếm tỷ lệ 4%; các dự án nhà hàng, khách sạn chiếm tỷ lệ 9,7%; cho vay mua quyền sử dụng đất chiếm tỷ lệ 9,1%; cho bất động sản khác chiếm 27,3%.

Khu đô thị Thanh Hà (quận Hà Đông, Hà Nội) gần đây được nhiều người lựa chọn mua nhà và đến ở vì có không gian thoáng, giao thông thuận tiện.

Khu đô thị Thanh Hà (quận Hà Đông, Hà Nội) gần đây được nhiều người lựa chọn mua nhà và đến ở vì có không gian thoáng, giao thông thuận tiện.

Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới và trong nước.

Theo đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn. Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm trong 6 tháng đầu năm, chỉ bằng 95,1% so với cùng kỳ, song mức độ giảm đang cải thiện dần so với các tháng trước đó.

Đối với nguồn vốn FDI, trong nhiều năm trở lại, lĩnh vực bất động sản luôn đứng thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI (chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo).

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2020, vốn đăng ký đầu tư trong lĩnh vực bất động sản chỉ đứng thứ 4 với tổng vốn đăng ký gần 850 triệu USD, chiếm khoảng 11% tổng nguồn vốn FDI đăng ký mới.

Mặt khác, sau thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh đến nay, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã bắt đầu hoạt động trở lại.

Các doanh nghiệp kinh doanh và phát triển bất động sản đã bắt đầu mở bán các dự án, công bố kế hoạch kinh doanh thời kỳ sau đại dịch cùng với kế hoạch tuyển dụng lao động và tìm kiếm nhân sự phù hợp cho kế hoạch lâu dài.

Mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp kinh doanh và doanh nghiệp phát triển bất động sản đã có những giải pháp để tiếp cận khách hàng, thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, xu thế đô thị hóa ở những địa phương ngoài các đô thị lớn.

Bất động sản chờ cơ hội phục hồi

Về hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, trong Quý I/2020, các sàn giao dịch bất động sản chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, cao điểm có tới 80% sàn tạm dừng hoạt động.

Tuy nhiên trong Quý II, sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, các sàn giao dịch bất động sản đã phục hồi nhanh chóng và hầu hết đã hoạt động trở lại.Tính đến thời điểm này ước tính khoảng 15% sàn vẫn phải đóng cửa hoạt động, nhưng số lượng sàn thành lập mới tăng khoảng 20%.

Như vậy, sau đợt cao điểm của đại dịch Covid thì số lượng sàn giao dịch bất động sản hoạt động gần như không thay đổi,thậm chí có xu hướng tăng.

Một sàn giao dịch bất động sản uy tín, hoạt động lâu năm nằm tại Khu đô thị Thanh Hà.

Một sàn giao dịch bất động sản uy tín, hoạt động lâu năm nằm tại Khu đô thị Thanh Hà.

Đồng thời, các sàn giao dịch có tiềm lực tài chính đã bắt đầu khởi động lại, hoạt động với những kế hoạch kinh doanh và phương thức kinh doanh mới như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng ngày càng tốt hơn.

Ngoài ra, các sàn Giao dịch BĐS còn tập chung phát triển mạng lưới bán hàng tinh gọn, chuyên nghiệp, theo chiều sâu chứ không theo chiều rộng, ồ ạt, đại trà như trước kia. Bên cạnh đó, các Sàn giao dịch bất động sản cũng đã nghiên cứu rõ hơn về Chủ đầu tư, sản phẩm bán cho khách hàng, pháp lý dự án để mang đến cho khách hàng của mình những sản phẩm đầu tư an toàn và tiềm năng.

Có thể nói, giai đoạn đỉnh điểm của Covid vừa qua, tuy có những tác động tiêu cực đến thị trường, các doanh nghiệp BĐS nói chung, các sàn giao dịch bất động sản nói riêng, nhưng cũng là cơ hội để các sàn giao dịch có thời gian cơ cấu lại, nghiên cứu ra phương thức hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp hơn.

Theo nhiều chuyên gia nhận định, mặc dù còn có một số khó khăn, nhưng thị trường bất động sản vẫn có nhiều cơ hội hồi phục và phát triển, được thể hiện ở các yếu tố như nhu cầu về các loại bất động sản nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong các khu công nghiệp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng… vẫn còn lớn.

Chính phủ đã và đang tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường bất động sản, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc tồn đọng đối với các dự án từ năm 2019 trở về trước.

Thanh Hà
Bạn đang đọc bài viết Bất động sản hút 850 triệu USD vốn FDI nửa đầu năm tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan