Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: "Việt Nam thu hút FDI có chọn lọc"
TCDN - Mặc dù tình hình kinh tế trong và ngoài nước chịu tác động rất lớn do dịch bệnh và các nguyên nhân khác, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế nhìn nhận và đánh giá cao là đất nước an toàn, điểm đến đầu tư hấp dẫn với dòng vốn FDI.
Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam hiện đang là điểm đến của hơn 32 nghìn dự án với tổng vốn đăng ký 378 tỷ USD từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai với hơn 60 tỷ USD vốn đầu tư.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam đã có những cải thiện mạnh mẽ và được đánh giá cao. Đơn cử, Tạp chí US News & World Report xếp Việt Nam đứng thứ 8/20 nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với 2018.
63,9% DN Nhật đang kinh doanh tại Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN và đứng thứ ba trong khu vực châu Á và Châu Đại Dương.
Trước những tín hiệu tích cực đó, Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế đánh giá: Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương.
Chia sẻ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến với hơn 1.000 nhà đầu tư Nhật Bản chiều 9/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, ông Vũ Đại Thắng cho biết, Nhật Bản đứng thứ 2 trong các nước đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, trong khi dòng FDI toàn cầu có khả năng suy giảm tới 40% trong năm 2020 do tác động của đại dịch, kết quả thu hút FDI trong nửa đầu năm của Việt Nam vẫn tương đối khả quan với 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% cùng kỳ năm 2019.
Ông Thắng cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút FDI với mục tiêu tập trung thu hút FDI có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Cùng với Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật PPP vừa được Quốc hội thông qua thì các cơ chế đối thoại chuyên biệt như Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản cùng với các Tọa đàm, Hội thảo thường niên phối hợp với JETRO, JCCI góp phần tích cực vào việc hoàn thiện thể chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang tích cực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ và hiện đại; nâng cấp thị trường và công cụ tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ.... để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đón nhận các dòng vốn đầu tư vào Việt Nam
Chính phủ cũng khuyến khích đổi mới sáng tạo, triển khai mạnh mẽ Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế số, trong đó có việc xây dựng và phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Năm 2019, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng 3 bậc lên vị trí thứ 42/129 quốc gia.
Đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư tin tưởng các DN Nhật Bản nói riêng, các nhà đầu tư nước ngoài nói chung sẽ có nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh thành công hơn nữa tại Việt Nam.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899