Các doanh nghiệp FDI "hô biến" lãi thành lỗ và chiêu chuyển giá như thế nào?

10/06/2020, 07:42
báo nói -

TCDN - Việc thường xuyên báo lỗ nhưng vẫn mở rộng quy mô sản xuất của nhiều doanh nghiệp có vốn FDI được Kiểm toán Nhà nước cho rằng có liên quan tới hành vi chuyển giá.

Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), tình trạng báo lỗ, chuyển giá liên tục của những doanh nghiệp này đã khiến Ngân sách nhà nước (NSNN) thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng trong những năm qua. Quy mô các khoản thu NSNN này không nhỏ khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm tới khoảng 20% GDP, chiếm khoảng 30% tổng thu NSNN.

50% doanh nghiệp FDI báo cáo thua lỗ

Theo KTNN, Việt Nam có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó, nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Tại TP.HCM, có tới gần 60% trong số trên 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm; tỉnh Bình Dương (một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI) cũng có đến 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 - 2011. 

Hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI đã gây thất thu cho NSNN hàng chục nghìn tỷ đồng trong nhiều năm qua. Quy mô các khoản thu NSNN này không nhỏ khi các doanh nghiệp FDI đã chiếm tới khoảng 20% GDP, 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và trên 40% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu, chiếm khoảng 30% tổng thu NSNN.

Coca Cola- một điển hình của DN FDI thua lỗ liên tục nhưng vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Coca Cola- một điển hình của DN FDI thua lỗ liên tục nhưng vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

GS.TS Đào Xuân Tiên đã chỉ ra ví dụ điển hình trường hợp của Coca - Cola. Theo Cục thuế TP.HCM, từ khi bắt đầu hoạt động ở Việt Nam năm 1992, Công ty Coca - Cola liên tục báo lỗ. Đến tháng 12/2012, tổng số lỗ lũy kế của Coca - Cola Việt Nam lên đến 3.768 tỷ đồng, vượt quá số vốn đầu tư ban đầu. Trong khi đó, sản lượng thực tế của công ty tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm và công ty mở rộng nhà máy sản xuất. 

Hay như Metro Việt Nam, sau khoảng 12 năm hoạt động, đơn vị này đã 6 lần thay đổi giấy phép kinh doanh, nâng tổng vốn đầu tư tại Metro Việt Nam lên hơn 301 triệu USD. Tuy nhiên, Metro Việt Nam lại liên tục kê khai lỗ với số lỗ lũy kế lên đến 1.657 tỷ đồng và chỉ duy nhất năm 2010 là có lãi 173 tỷ đồng. Mặc dù lỗ, Metro Việt Nam vẫn tiếp tục mở thêm 19 điểm bán lẻ trên toàn quốc. 

Các "chiêu trò" chuyển giá ra sao?

Ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, chiêu chuyển giá thường được các tập đoàn đa quốc gia, các công ty FDI thực hiện là mua đi bán lại hàng hóa, dịch vụ lòng vòng giữa các công ty con, công ty liên kết.

"Các công ty đa quốc gia thường thiết lập nên một hệ thống trung gian phức tạp, chuyển giá giữa công ty mẹ, với hoạt động liên kết với công ty con. Họ thường bán hàng trong hệ thống với giá thấp hơn, thậm chí bán 2,3 vòng mới tay người tiêu dùng. Do đó, làm giảm nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt. Như vậy, nó không phản ánh đúng nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với Ngân sách Nhà nước", ông Tiên cho hay.

Một chiêu khác cũng được các doanh nghiệp dùng để "hô biến" biến lãi thành lỗ, đó là bán sản phẩm, dịch vụ cho các công ty liên kết với giá thấp hơn giá thành, nhưng lại mua nguyên vật liệu, máy móc với giá cao hơn. Dù những hàng hóa đó họ có thể mua ngay tại thị trường trong nước, nhưng doanh nghiệp FDI vẫn chọn giao dịch với công ty trong hệ thống ở nước ngoài nhằm mục đích chuyển giá.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng Bộ môn Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: "Doanh nghiệp FDI có lãi trong thời gian được miễm thuế, nhưng sau đó báo lỗ khi hết thời hạn miễn thuế. Sự thay đổi trong kết quả hoạt động báo cáo (lãi, lỗ) của doanh nghiệp FDI gắn liền với thời điểm phải thực hiện nghĩa vụ thuế cho thấy mục tiêu doanh nghiệp hướng tới là có vẻ như muốn tránh/giảm số thuế phải nộp".

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa cũng đã chỉ ra loạt dấu hiệu nhận biết hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp FDI. Cụ thể: Doanh nghiệp FDI có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn mức trung bình của ngành. Doanh nghiệp FDI có lãi trong thời gian được miễm thuế, nhưng sau đó báo lỗ khi hết thời hạn miễn thuế; chi cho các dịch vụ nội bộ/trong cùng hệ thống chiếm tỉ trọng lớn và kéo dài qua nhiều năm; chi mua máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu... từ bên liên kết với tỷ trọng lớn trong tổng mua sắm từ các nguồn…

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng mạnh tay chi cho các dịch vụ nội bộ/trong cùng hệ thống (như dịch vụ đào tạo, dịch vụ tư vấn quản trị, dịch vụ tài chính...) hơn so với bình thường và kéo dài trong nhiều năm. Các chuyên gia cho rằng chuyển giá ở dịch vụ khó phát hiện hơn so với chuyển giá ở tài sản vật chất vì các dịch vụ mang tính đặc thù duy nhất, trên thị trường không tồn tại dịch vụ so sánh được nên không có giá thị trường để tham chiếu và so sánh.

Tăng cường vai trò của kiểm toán trong chống chuyển giá

Qua hoạt động kiểm toán hàng năm, KTNN đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên một số lĩnh vực như môi trường, đất đai, chuyển giá. Ông Đoàn Xuân Tiên cho rằng một trong những nguyên nhân là doanh nghiệp lợi dụng chính sách quản lý thuế hiện nay, cho phép doanh nghiệp tự kê khai thuế rồi kiểm tra, rà soát sau. Vì thế, nên nhiều doanh nghiệp đã dùng kẽ hở này để khai giảm, khai tránh.

Do đó, KTNN kiến nghị các cơ quan quản lý khắc phục những sai sót, yếu kém, sửa đổi, bổ sung các quy định để ngăn chặn các "lỗ hổng" về cơ chế, chính sách.

"Chúng ta không quá nóng ruột về thu hút đầu tư FDI mà phải thu hút có chọn lọc, nhấn mạnh tới những tiêu chí về công nghệ, sản phẩm, khả năng tạo lao động, và cạnh tranh. Đồng thời, cần xây dựng các quy định chặt chẽ hơn trong chuẩn mực kiểm toán, nâng cao việc đào tạo cán bộ. Kiểm toán nhà nước có thể sẽ tăng cường việc kiểm toán chuyên đề về chống chuyển giá trong thời gian tới", ông Đoàn Xuân Tiên nhận định.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh các đơn vị kiểm toán độc lập cần nghiêm túc hơn, chỉ ra những biện pháp loại trừ, nghi vấn khi kiểm toán báo cáo tài chính của các doanh nghiệp FDI. Từ đó, đưa ra các kiến nghị để ngăn chặn tình trạng chuyển giá, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Thanh Tân
Bạn đang đọc bài viết Các doanh nghiệp FDI "hô biến" lãi thành lỗ và chiêu chuyển giá như thế nào? tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thủ tướng yêu cầu ngành thuế tập trung thanh tra việc chuyển giá
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 41/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế và công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập Chi cục Thuế khu vực.
Chặn chuyển giá, tăng minh bạch trong thu thuế
Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng để thu hút thêm các dự án đầu tư có giá trị gia tăng cao và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng, Việt Nam cần tập trung cải thiện môi trường kinh doanh.