Gần 94% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực do dịch Covid-19

04/04/2020, 10:07

TCDN - Kết quả khảo sát doanh nghiệp của Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho thấy, có đến 93,9% các doanh nghiệp điều tra đánh giá dịch Covid-19 có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lao động mất việc làm và thất nghiệp gia tăng

Lao động mất việc làm và thất nghiệp gia tăng

Để có thể thấy rõ tác động của đại dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân tiến hành khảo sát ý kiến của 510 doanh nghiệp (tính đến ngày 01/04/2020). Mẫu doanh nghiệp này bao gồm 92,6% doanh nghiệp ngoài NN, 6,08% doanh nghiệp FDI và 1,76% DNNN. Trong đó các doanh nghiệp thuộc ngành dịch vụ chiếm 65,1%, công nghiệp và xây dựng 29,8% và nông nghiệp 5,1%. 69,3% các doanh nghiệp tại Hà Nội, 12,2% tại TP. Hồ Chí Minh và 18,5% tại các địa phương khác. Trong số này có 61,56% doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 50 người và 82,74% doanh nghiệp dưới 200 người.

Kết quả khảo sát doanh nghiệp cho thấy, cho đến thời điểm hiện tại, tác động của COVID-19 đến khu vực doanh nghiệp đã bắt đầu bộc lộ một cách rõ ràng trong tất cả các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp. Kết quả khảo sát cho thấy có đến 93,9% các doanh nghiệp điều tra đánh giá dịch Covid-19 có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo của Đại học Kinh tế quốc dân, các tác động này thể hiện rõ nhất ở các khía cạnh như: dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp cùng một lúc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Với các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, khảo sát đã đề nghị các doanh nghiệp đưa ra 5 khó khăn lớn nhất mà họ đang gặp phải. Kết quả cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc sụt giảm nguồn thu để bù đắp cho các chi phí khác (60,2% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực lựa chọn); hay hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành dưới mức bình thường (51,8% doanh nghiệp lựa chọn).

Bên cạnh đó, 43,4% doanh nghiệp trong số này gặp khó do không có nguồn thu; 39,4% không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh, chẳng hạn, phải đóng cửa trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh theo qui định để phòng chống dịch. Ngoài ra, 31,2% doanh nghiệp trả lời do hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được trong nước; 17,20% không xuất khẩu được. Các vấn đề về thiếu hụt vốn (36,7% doanh nghiệp lựa chọn), thiếu hụt nguyên liệu sản xuất cũng là một khó khăn lớn, đặc biệt nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu (29,1% doanh nghiệp lựa chọn).

Sụt giảm doanh thu đang là khó khăn lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp gặp phải trong thời kỳ dịch bệnh. Cụ thể, 20,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực cho rằng doanh thu của doanh nghiệp mình sụt giảm từ 80% trở lên; 28,4% doanh nghiệp bị sụt giảm từ 50% đến 80% doanh thu; 34,9% sụt giảm từ 30% đến 50%; 13,9% sụt giảm từ 10% đến 30%; và chỉ có 2,7% doanh nghiệp bị sụt giảm dưới 10% doanh thu.

Một vấn đề khác, lao động mất việc làm và thất nghiệp gia tăng. Theo đó, để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp đã có các giải pháp cụ thể. 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; 34,0% phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc không lương; 44,7% doanh nghiệp cắt giảm qui mô sản xuất kinh doanh; 34,7% các doanh nghiệp lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.

Trên cơ sở phân tích trên, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân đánh giá, nếu đại dịch kéo dài, sự ảnh hưởng đối với nền kinh tế là rất nghiệm trọng. Cụ thể, nếu đến hết tháng 4, 49,2% doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động; 31,9% cắt giảm qui mô sản xuất;18,1% tạm dừng hoạt động; và 0,8% có khả năng phá sản. Nếu đến hết tháng 6, tháng 9 hoặc hết năm tỷ lệ phá sản sẽ là 6,1%, 19,3% và 39,3%.

Do đó, Chính phủ cần xây dựng nhiều kịch bản chính sách kinh tế khác nhau từ ngắn đến dài hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch ở cả Việt Nam lẫn các quốc gia khác trên thế giới.

Nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng 04 hoặc cùng lắm đến hết quý 2 thì phản ứng chính sách nên mang tính “hỗ trợ”.

Nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý 3 hoặc hết năm 2020) Chính phủ cần tính tới các biện pháp thiệp mạnh mẽ hơn mang tính “giải cứu”. Các giải pháp chính sách đưa ra cần tính đến độ trễ trong quá trình ban hành và triển khai để đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả.

Thu Hằng
Bạn đang đọc bài viết Gần 94% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực do dịch Covid-19 tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan