Thúc đẩy tiến độ CPH, thoái vốn nhà nước:

Gắn kết quả thực hiện với đánh giá trách nhiệm, lập đoàn giám sát

24/03/2021, 09:28

TCDN - Kết thúc giai đoạn 2016 - 2020, còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa. Trong khi, 02 tháng đầu năm 2021, số tiền thu về từ thoái vốn là 2.104 tỷ đồng; bán đấu giá cổ phần của Công ty mẹ EVENGENCO2 chỉ đạt 0,045% tổng số cổ phần bán ra.

Bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty mẹ EVENGENCO2 chỉ đạt 0,045% tổng số cổ phần bán ra

Bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty mẹ EVENGENCO2 chỉ đạt 0,045% tổng số cổ phần bán ra

Thu hơn 2.100 tỷ đồng từ hoạt động thoái vốn

Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, kết thúc giai đoạn 2016 - 2020, còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019.

Dự kiến các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục triển khai cổ phần hóa theo kế hoạch. Trong đó những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải cổ phần hóa như: Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (04 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 06 doanh nghiệp (03 tập đoàn, 03 tổng công ty), Bộ Xây dựng cổ phần hóa 02 tổng công ty.

Thông tin về tình hình cổ phần hóa DNNN, Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, trong tháng 02/2020, các đơn vị vẫn tiếp tục triển khai xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa theo quy định. Cụ thể: ngày 08/2/2021, EVENGENCO2 đã tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty mẹ EVENGENCO2. Số cổ phần bán được là 262.500 cổ phần, tương đương 0,045% tổng số cổ phần bán ra. Tổng giá trị cổ phần bán được: 6,4 tỷ đồng.

Về tình hình thoái vốn, trong tháng 02/2021, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam thoái vốn tại 01 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Xây lắp Bưu điện Huế với giá trị 1,5 tỷ đồng, thu về 4,6 tỷ đồng.

Lũy kế 02 tháng đầu năm 2021, thoái vốn với giá trị 241,6 tỷ đồng, thu về 2.104 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn với giá trị 8 tỷ đồng, thu về 23,6 tỷ đồng.

Thoái vốn tại 08 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, NXB Giáo dục Việt Nam, VNPT với tổng giá trị là 233,5 tỷ đồng, thu về 2.080,7 tỷ đồng.

Đối với công tác sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước năm 2021, Cục Tài chính doanh nghiệp cho hay, trong 02 tháng đầu năm 2021, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 86 tỷ đồng. Số dự kiến thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào NSNN năm 2021 là 40.000 tỷ đồng.

Thực hiện đúng và đầy đủ quyền, trách nhiệm

Để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, hiện Cục Tài chính doanh nghiệp đang tổng hợp ý kiến các đơn vị liên quan tham gia về Dự thảo Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 - 2025 để hoàn thiện, báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, làm cơ sở tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN để DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo độc lập, tự chủ và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Đồng thời, Cục Tài chính doanh nghiệp đề xuất, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Cụ thể:

Đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cần thực hiện đúng và đầy đủ quyền, trách nhiệm được giao theo quy định của pháp luật; hoàn thành phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu cần tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thuộc phạm vi quản lý thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc rà soát những vấn đề liên quan đến phương án cơ cấu lại, sản xuất kinh doanh, các vướng mắc khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trong quá trình triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại để có phương án xử lý đảm bảo triển khai có hiệu quả công tác cơ cấu lại và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ưu tiên tập trung xử lý các tồn tại, yếu kém, các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương; Thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với việc hoàn thành quyết toán công tác cổ phần hóa; xác định số phải nộp/tạm nộp và thực hiện nộp tiền thu từ cổ phần hóa theo quy định, trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này; cơ quan đại diện chủ sở hữu rà soát, phân loại, đánh giá nguyên nhân DNNN sau cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết, báo cáo kết quả thực hiện và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chủ động phối hợp với Bộ Tài chính để tháo gỡ vướng mắc cho các DNNN sau cổ phần hóa; nhắc nhở, phê bình, xem xét kỷ luật đối với người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp nếu cố tình không chấp hành, trì hoãn việc thực hiện các nội dung trên.

Riêng Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chỉ đạo, rà soát, đẩy nhanh tiến độ các bước thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn đã bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đảm bảo khả thi, hiệu quả theo quy định và nội dung triển khai Đề án cơ cấu lại các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cần khẩn trương triển khai thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa, thoái vốn theo quy định (đặc biệt là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh). Triển khai thu, nộp nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp thuộc địa phương theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, cần nâng cao vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, tuân thủ nguyên tắc thị trường, không để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm trong việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN.

Ngoài ra, các Bộ, ngành tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Duy Long

Tạp chí in số tháng 3/2021
Bạn đang đọc bài viết Gắn kết quả thực hiện với đánh giá trách nhiệm, lập đoàn giám sát tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan