Giá dầu thế giới tiếp tục trượt dốc

18/12/2024, 08:33
báo nói -

TCDN - Giá dầu thế giới vẫn trên đà trượt dốc và chưa có dấu hiệu dừng lại do lo ngại về nhu cầu sau các dữ liệu kinh tế từ Đức và Trung Quốc. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước có khả năng tăng trong đợt điều chỉnh giá sắp tới.

Giá dầu thế giới

Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/12, giá dầu giảm khoảng 1% xuống mức thấp nhất trong một tuần do lo ngại về nhu cầu sau các dữ liệu kinh tế từ Đức và Trung Quốc, trong khi các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lãi suất.

Giá dầu Brent giảm 72 cent, tương đương đương 1%, xuống mức 73,19 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 63 cent, tương đương 0,9%, xuống mức 70,08 USD/thùng.

Đây là mức đóng cửa thấp nhất của dầu Brent kể từ ngày 10/12 và thu hẹp mức chênh lệch giữa hai mặt hàng dầu chuẩn Brent và WTI xuống mức thấp nhất trong 12 tuần.

Các nhà phân tích cho biết khi mức chênh lệch giá dầu Brent so với dầu WTI giảm xuống dưới 4 USD/thùng, việc các công ty năng lượng thu mua dầu thô của Mỹ không còn mang lại nhiều ý nghĩa kinh tế, điều này sẽ dẫn đến lượng dầu xuất khẩu của Mỹ giảm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tăng trưởng sản lượng công nghiệp tăng nhẹ trong tháng 11, trong khi doanh số bán lẻ thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Điều này cho thấy Bắc Kinh cần phải tăng cường gói kích thích tập trung vào người tiêu dùng khi các nhà hoạch định chính sách chuẩn bị cho kịch bản mức thuế quan thương mại từ Mỹ sẽ cao hơn sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.

Còn tại Đức, theo cuộc khảo sát của Viện Ifo, trong tháng 12, chỉ số môi trường kinh doanh giảm xuống còn 84,7 từ mức 85,6 đã được điều chỉnh giảm nhẹ vào tháng trước. Tâm lý kinh doanh giảm trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và suy thoái công nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Trong khi đó, tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng cao hơn dự kiến vào tháng 11 trong bối cảnh nhu cầu mua ô tô và mua sắm trực tuyến tăng tốc. Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ không tác động đến kỳ vọng rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp sẽ kết thúc vào hôm nay.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ theo dõi dự báo của các nhà hoạch định chính sách Mỹ để biết tín hiệu liệu Fed có thận trọng hơn vào năm 2025, vì các chỉ số kinh tế, như dữ liệu bán lẻ, cho thấy khả năng phục hồi liên tục và lạm phát vẫn dai dẳng.

Về tồn kho xăng dầu của Mỹ trong tuần trước, Viện Dầu khí Mỹ cho biết tồn kho dầu giảm 4,7 triệu thùng, tồn kho xăng tăng 2,4 triệu thùng.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 18/12 cụ thể như sau:

- Xăng E5 RON 92 không quá 19.861 đồng/lít.

- Xăng RON 95-III không quá 20.596 đồng/lít.

- Dầu diesel không quá 18.255 đồng/lít.

- Dầu hỏa không quá 18.566 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 15.574 đồng/kg.Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên sẽ được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 19-12. Do giá xăng dầu thế giới tuần trước tăng mạnh nên giá xăng dầu trong nước nhiều khả năng sẽ chấm dứt chuỗi giảm. Tuy nhiên, giá có thể duy trì đà giảm nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm sâu trong các phiên giao dịch tới.

Gia Linh
Bạn đang đọc bài viết Giá dầu thế giới tiếp tục trượt dốc tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Giá dầu thế giới tiếp tục giảm
Giá dầu thế giới tiếp tục giảm do chi tiêu tiêu dùng ở Trung Quốc yếu đi và do các nhà đầu tư tạm dừng mua trước quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Giá dầu thế giới leo dốc khoảng 2%
Giá dầu thế giới leo dốc do kỳ vọng các lệnh trừng phạt Nga và Iran chặt chẽ hơn, định hướng kinh tế của Trung Quốc, tình hình chính trị hỗn loạn ở Trung Đông và triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tuần tới.
Giá dầu thế giới giảm tuần thứ 2 liên tiếp
Giá dầu thế giới tiếp tục ghi nhận tuần giảm do chịu tác động mạnh bởi quyết định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+), tình hình bất ổn ở Trung Đông và khả năng dư cung vào năm sau.