Giá tôm Việt Nam tăng vọt tại Mỹ và Trung Quốc
TCDN - Dù khối lượng xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 2/2025 vẫn ở mức thấp, giá xuất khẩu bình quân lại ghi nhận mức tăng đáng kể, vượt ngưỡng 9 USD/kg - cao nhất trong nhiều tháng qua, nhờ đà tăng tại các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc.
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã tăng 9,1% lên 7,2 USD/kg, mức cao nhất kể từ tháng 3/2023. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu lại giảm xuống 1.637 tấn, thấp nhất kể từ tháng 2/2023.
Giá tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng 11% lên 17,8 USD/kg – mức cao nhất trong gần một năm qua.
Tại Nhật Bản, giá tôm xuất khẩu của Việt Nam tăng 5,6% lên 9,5 USD/kg. Giá xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng ghi nhận mức tăng 5,3% lên 8 USD/kg.
Tương tự, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận mức tăng 3% lên 10,2 USD/kg. Đây cũng là mức tăng đầu tiên kể từ tháng 10/2024. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu sang thị trường này giảm hơn một nửa xuống 103 tấn.

Giá tôm Việt Nam tăng vọt tại Mỹ và Trung Quốc.
Dù giá xuất khẩu cải thiện, sản lượng lại có xu hướng giảm. Tổng lượng tôm thẻ xuất khẩu trong tháng 2 đạt 17.608 tấn, giảm 7% so với tháng 1, nhưng vẫn tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tôm sú xuất khẩu đạt 1.475 tấn, giảm 21% so với tháng trước, nhưng tăng 7% so với tháng 2/2024.
Về sản phẩm tôm thẻ, số lượng xuất khẩu trong tháng 2 giảm 7% so với tháng 1 xuống còn 17.608 tấn, nhưng vẫn tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, số lượng tôm thẻ xuất sang các thị trường lớn như Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) giảm 30%, EU giảm 17% và Anh giảm 19%.
Trong khi đó, mặt hàng này xuất khẩu sang một số thị trường khác chỉ có mức tăng khiêm tốn, với thị trường Mỹ tăng 6%, Nhật Bản tăng 9% và Hàn Quốc tăng 2%.
Dù vậy, giá xuất khẩu bình quân sản phẩm tôm thẻ sang tất cả thị trường đều có mức tăng hơn 5%, lên 9,01 USD/kg.
Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân tăng chủ yếu nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường Mỹ và Trung Quốc. Đồng thời, các nhà máy chế biến lớn đã nối lại việc thu mua nguyên liệu từ đầu tháng 2, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán với nhu cầu tương đương tháng 1.
Tuy vậy, giao dịch tôm thẻ cỡ nhỏ lại có xu hướng giảm do lực mua hạn chế của thương nhân Trung Quốc.
Còn về tôm sú, cũng trong tháng 2, số lượng tôm sú xuất khẩu chỉ đạt 1.475 tấn, giảm 21% so với tháng 1. Giá xuất khẩu bình quân tất cả sản phẩm tôm sú tăng 14% lên 12,77 USD/kg.
Hoạt động thu mua tôm sú nguyên liệu trong tháng 2 vẫn khá trầm lắng do số hợp đồng xuất khẩu hạn chế và nguồn cung trái vụ không nhiều.
Đồng thời, nông dân chậm xuống giống từ cuối năm 2024 khiến nguồn cung tôm cỡ lớn đầu năm 2025 không dồi dào. Để duy trì sản xuất và xuất khẩu, nhiều nhà máy chế biến đã nâng giá mua tôm. Vì vậy, giá tôm nguyên liệu cũng tăng thêm 1-2%.
Trong tháng 2, Trung Quốc là thị trường thu mua tôm sú lớn nhất của Việt Nam dù xuất khẩu sang thị trường này ghi nhận sự sụt giảm.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899