Giải bài toán giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

12/02/2024, 15:46
báo nói -

TCDN - Câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đã được nhắc đến nhiều năm qua. Thế nhưng cho tới nay, vì nhiều lý do doanh nghiệp Việt vẫn đang “dò dẫm” tìm đường tham gia và chưa khẳng định được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

1

Doanh nghiệp Việt còn yếu trong chuỗi cung ứng

Theo TS. Trần Thị Mai Thành, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho tới thời điểm hiện tại, khả năng tham gia cung ứng đầu vào cho doanh nghiệp FDI của doanh nghiệp nội địa Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt cung ứng cho các tập đoàn lớn. Trong khi 90% doanh nghiệp FDI tại các nước như Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan sử dụng nguồn đầu vào trong nước thì ở Việt Nam con số này chỉ khoảng 60%.

Sau nhiều năm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam chủ yếu hình thành mối liên kết với một số doanh nghiệp FDI bằng hình thức liên kết dọc bao gồm liên kết ngược và liên kết xuôi. Việt Nam chủ yếu tham gia vào những mắt xích có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa phần tham dụng lao động và yêu cầu kỹ thuật thấp.

Bà Mai Thành dẫn chứng, các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình hơn là các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thấp và có xu hướng sử dụng nhà cung cấp tư nhân trong nước ít hơn. Đơn cử như các doanh nghiệp Nhật Bản, mua sắm khoảng 32,6% các dịch vụ và ản phẩm đầu vào từ các nhà cung cấp địa phương.

Bên cạnh đó, có 30% các doanh nghiệp FDI hoàn toàn xuất khẩu, không cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước vì thế không có bất kỳ cơ sở nào để hình thành liên kết xuôi trong nước.

Số liệu mới cập nhật của Bộ Công Thương cho thấy, hiện cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí, trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước và 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Như vậy, mới có khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong thu hút đầu tư nước ngoài, nếu chỉ liên kết như hiện nay chỉ dừng ở quy mô nhỏ. Chúng ta có động lực hợp tác, liên kết và phát triển nhưng không có nguồn lực, chính sách hỗ trợ chưa trúng nên liên kết doanh nghiệp trong nước và FDI còn lỏng lẻo.

Theo ông Cung, chúng ta phải tư duy lại cách tiếp cận, phải làm một nghề có thể cung ứng cho tất cả chứ không phải phụ thuộc vào EU hay Hoa Kỳ. Do đó, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh đến việc cần thay đổi cách tiếp cận trong hợp tác, liên kết doanh nghiệp trong nước và FDI với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn hơn. Trên cơ sở đánh giá lại năng lực, thế mạnh để tập trung sản xuất sản phẩm của mình để cung ứng cho chuỗi, tạo thành mắt xích của chuỗi một cách bền vững.

Công nghiệp hỗ trợ - bệ phóng chuỗi liên kết toàn cầu

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù Chính phủ đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp triển khai các hoạt động tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI còn lỏng lẻo.

Theo Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Việt Nam có ngành công nghiệp phát triển sau các nước khu vực 2 - 3 thế hệ, dung lượng thị trường nhỏ chưa đảm bảo quy mô công suất đối với sản phẩm công nghiệp để cạnh tranh về giá với thị trường khác. Trong khi đó, dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển công nghiệp không còn nhiều do phải tuân thủ các cam kết quốc tế.

2

Bên cạnh đó, tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp toàn cầu là thường sử dụng các doanh nghiệp đã từng cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi sản xuất của họ hoặc các doanh nghiệp cùng quốc tịch, ít tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Nguồn lực xã hội chưa tập trung nhiều vào đầu tư sản xuất do thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận biên kém hấp dẫn so với đầu tư vào lĩnh vực khác.

Đặc biệt, Việt Nam chưa có doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt mang tính lan tỏa trong ngành công nghiệp; Trình độ doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; Công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), phát triển sản phẩm mới chưa được quan tâm và thiếu nguồn vốn đầu tư...

TS. Nguyễn Quốc Việt, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, để thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, tận dụng những tác động lan tỏa về mặt công nghệ và giúp doanh nghiệp iệt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, cần thiết lập liên kết vùng. Chính phủ cần đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu, tạo thành chuỗi liên kết khép kín.

Song song với đó, cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến. Về phía Chính phủ, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững… Còn doanh nghiệp thì cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI. Đồng thời, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Việt khẳng định, điều quan trọng là tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Để các doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp nội địa hay FDI thực sự quan tâm tới nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện biên lợi nhuận dựa trên đổi mới, sáng tạo và dám đầu tư mạo hiểm vào các xu hướng sản xuất, tiêu dùng mới, thì đòi hỏi phải có sự rà soát đánh giá tổng thể cả môi trường thể chế cho đầu tư, kinh doanh, lẫn các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hiện đang tản mát, manh mún theo từng ngành/đối tượng như hiện nay.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, cần làm sao duy trì mối liên kết giữa các hiệp hội, giữa các tổ chức quốc tế ví dụ như các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức hỗ trợ công nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ, các cơ quan tham vấn chính sách và các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam để có sự phối hợp nhịp nhàng giữa khu vực doanh nghiệp trong nước, khu vực FDI với các chính sách của nhà nước.

Ngoài ra, cần phải tạo được hệ sinh thái liên kết giữa các doanh nghiệp với các trường đại học cung ứng dịch vụ về chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, mô hình quản lý, mô hình kinh doanh cho đến cung cấp cung ứng và đào tạo, đào tạo lại các nguồn nhân lực.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Việt Nam đã đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, để hiện thực hóa chủ trương của Việt Nam trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam xác định những lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực tạo đột phá, là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bình An

Tạp chí in số tháng 1+2/2024
Bạn đang đọc bài viết Giải bài toán giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu tại chuyên mục Số đặc biệt Xuân Giáp Thìn 2024 của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899