Giải pháp phát triển bền vững thị trường bảo hiểm Việt Nam

26/12/2023, 14:46

TCDN - Trong thời gian qua, sự phát triển của thị trường bảo hiểm đóng một vai trò quan trọng đối với sự ổn định xã hội thông qua việc góp phần nâng cao nhận thức của người dân về các yếu tố gây mất an toàn xã hội, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy sự bình đẳng xã hội, hạn chế xung đột.

2-1

TÓM TẮT:

Trong thời gian qua, sự phát triển của thị trường bảo hiểm đóng một vai trò quan trọng đối với sự ổn định xã hội thông qua việc góp phần nâng cao nhận thức của người dân về các yếu tố gây mất an toàn xã hội, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy sự bình đẳng xã hội, hạn chế xung đột.

Bài viết này được thực hiện nhằm phân tích, đánh giá thực trạng thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2022. Trên cơ sở nhận diện những thách thức và cơ hội đối với thị trường bảo hiểm trong nước, tác giả đề xuất một số gợi ý chính sách phát triển thị trường bảo hiểm đối với Nhà nước và các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, bảo hiểm là một trong những ngành dịch vụ có đóng góp to lớn trong nền kinh tế. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã và đang từng bước chứng tỏ được vai trò quan trọng trong đời sống con người cũng như có tác động đến các lĩnh vực, ngành nghề khác trong xã hội. Theo các kết quả thống kê, mức đóng góp của doanh thu phí bảo hiểm chiếm 3,07% tổng sản phẩm nội địa (GDP). Trong tương lai, tỷ lệ này còn có thể tăng cao hơn nữa do tiềm năng thị trường chưa được khai thác hết. Thông qua quan sát số liệu, nhóm tác giả thấy rằng, tỷ lệ tăng trưởng của ngành Bảo hiểm trong nhiều năm trở lại đây tăng rất ấn tượng. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch COVID-19 diễn ra, tốc độ tăng trưởng của ngành có chững lại. Với mong muốn đánh giá thị trường bảo hiểm một cách toàn diện, tác giả sẽ trình bày bức tranh thị trường bảo hiểm năm 2022; đồng thời, đưa ra một số khuyến nghị đối với Nhà nước và các DNBH.

Trong bối cảnh nêu trên, thị trường bảo hiểm tiếp tục ghi nhận sự phát triển tích cực. Điều này được thể hiện qua hàng loạt các chỉ tiêu như: sự tăng trưởng về doanh thu phí bảo hiểm, năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm, việc thực hiện tốt chức năng chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng cường các dịch vụ tiện ích chăm sóc khách hàng, việc gia tăng tái đầu tư trở lại nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế xã hội, việc triển khai tích cực các loại hình bảo hiểm thực hiện chủ trương chính sách của nhà nước…

2. Thị trường bảo hiểm

Năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 245.877 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 15% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 67.608 tỷ đồng (tăng trưởng khoảng 16,8% so với năm 2021), lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 178.269 tỷ đồng (tăng trưởng khoảng 11,8% so với năm 2021).

Năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm ngày một tăng vững chắc. Năm 2022, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 811.312 tỷ đồng (tăng 14,51% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 117.229 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 694.083 tỷ đồng. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 526.559 tỷ đồng (tăng 14,60% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 32.901 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 493.658 tỷ đồng.

Về nguồn vốn chủ sở hữu, năm 2022 tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 162.814 tỷ đồng (tăng 3,83% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 37.392 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 125.422 tỷ đồng.

Trong năm 2022, các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm khoảng trên 64.000 tỷ đồng (tăng 23,29% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.418 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 40.600 tỷ đồng; đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng trên 656 nghìn tỷ đồng (tăng 12,56% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 63.612 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 592.811 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp bảo hiểm còn tích cực tài trợ xây dựng công trình đề phòng hạn chế tai nạn giao thông, hỗ trợ nhân đạo, xây dựng nhà tình nghĩa, gây quỹ khuyến học, xây dựng trường học và các hoạt động văn hóa thể thao lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Năm 2022, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng tích cực triển khai bảo hiểm thực hiện chủ trương chính sách của nhà nước thông qua các sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện; bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bảo hiểm nông nghiệp…

Đánh giá hoạt động kinh doanh từng loại hình bảo hiểm trong năm 2022 cụ thể như sau:

Về Bảo hiểm phi nhân thọ, Bảo hiểm sức khỏe chiếm tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm lớn nhất (khoảng 33,2%) với doanh thu đạt 22.414 tỷ đồng tăng 24,3 % so với cùng kỳ, bồi thường 7.222 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 32,2%.

Bảo hiểm xe cơ giới doanh thu đạt 18.101 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 26,8% trong tổng doanh thu toàn thị trường, tăng 11,9% so với cùng kỳ, bồi thường 9.015 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 49,8%. Trong đó doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bắt buộc chủ xe cơ giới đạt 4.365 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,5%, tăng 10,6% so với cùng kỳ, bồi thường 854 tỷ, tỷ lệ bồi thường 19,6%. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 13.735 tỷ đồng, tăng 12,4 % so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 20,3%, bồi thường 8.161 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 59,4 %.

Bảo hiểm tài sản thiệt hại doanh thu đạt 7.805 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 11,5%, tăng 1.3% so với cùng kỳ, bồi thường 2.404 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 30,8%Bảo hiểm cháy nổ doanh thu đạt 9.509 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 14,1%, tăng trưởng 27,6% so với cùng kỳ, bồi thường 2.123 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 22,3%. Doanh thu bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt 7.281 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,8%, tăng 21,9%, bồi thường 1.058 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 14,5%. Doanh thu bảo hiểm cháy nổ tự nguyện đạt 2.228 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,3%, tăng 50,2% so với cùng kỳ, bồi thường 1.064 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 47,8%.

Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển doanh thu đạt 3.183 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4,7%, tăng trưởng so với cùng kỳ 15,8%, bồi thường 759 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 23,9%.

Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu doanh thu đạt 2.801 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4,1%, tăng trưởng 19,3%, bồi thường 1.051 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 37,5 %.

Các nghiệp vụ bảo hiểm khác gồm bảo hiểm trách nhiệm đạt 1.432 tỷ đồng tăng trưởng 9% so với cùng kỳ; bảo hiểm hàng không 1.060 tỷ đồng, tăng 4,8%; bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính 845 tỷ đồng; tăng 11,3%; bảo hiểm thiệt hại kinh doanh 375 tỷ đồng tăng 48,6%; bảo hiểm nông nghiệp đạt 41 tỷ đồng, giảm 31,9% so với cùng kỳ; bảo hiểm bảo lãnh 36 tỷ đồng, tăng 24 % so với cùng kỳ.

Về Bảo hiểm nhân thọ: tính đến 31/12/2023, tổng số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đang có hiệu lực khoảng 13,92 triệu hợp đồng, tăng 5,45% so với năm 2021, trong đó số hơp đồng bảo hiểm nhân thọ khai thác mới trong năm 2022 đạt 3,4 triệu hợp đồng (giảm khoảng 4,2% so với số lượng hợp đồng khai thác mới của năm 2021). Tổng phí bảo hiểm nhân thọ đạt 178.269 tỷ đồng, tăng 11,8%, trong đó phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới đạt 50.723 tỷ đồng, tăng khoảng 2,4% so với phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới năm 2021.

Các dòng sản phẩm liên kết đầu tư tiếp tục là các sản phẩm chủ đạo mang lại tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm lớn nhất (khoảng 85% phí bảo hiểm nhân thọ), tuy nhiên, khẩu vị lựa chọn đầu tư của khách hàng cũng có những sự thay đổi. Các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đơn vị (khách hàng chủ động lựa chọn các quỹ đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm theo khẩu vị đầu tư của mình) có xu hướng tăng trưởng mạnh, trong khi sản phẩm bảo hiêm liên kết đầu tư chung (khách hàng hưởng kết quả từ hoạt động kinh doanh đầu tư chung của doanh nghiệp bảo hiểm) có xu hướng sụt giảm.

Năm 2022, khai thác mới xấp xỉ 1,24 triệu hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư chung (giảm khoảng 20% so với 2021) với phí khai thác mới đạt 21.841 tỷ đồng (giảm khoảng 14%), trong khi dòng bảo hiểm liên kết đầu tư đơn vị đạt trên 747 nghìn hợp đồng số hợp đồng khai thác mới (tăng 57% so với 2021) với doanh thu phí đạt khoảng 21,7 nghìn tỷ đồng (tăng trên 31%).

Các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng có sự tăng trưởng tốt, với trên 383 nghìn hợp đồng khai thác mới trong năm 2022, doanh thu phí đạt trên 642 tỷ đồng, tăng trưởng 15,4%. Trong năm 2022, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân tho chi trả quyền lợi bảo hiểm tổng cộng khoảng 40.600 tỷ đồng.

3. Những thách thức và triển vọng của ngành Bảo hiểm ở Việt Nam

Mặc dù Việt Nam phải chịu nhiều rủi ro nhưng mức độ bảo hiểm lại không cao. Các DNBH của Việt Nam đã và đang phải đối mặt với rất nhiều trở ngại để vận hành các hoạt động bảo hiểm một cách suôn sẻ và đạt được sự phát triển bền vững có tính cạnh tranh.

Tác giả đã xác định bốn vấn đề chính trong lĩnh vực bảo hiểm của Việt Nam, trong đó vấn đề marketing có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển hơn nữa của ngành này; các vấn đề khác liên quan đến quản lý nguồn nhân lực, hoạt động và các vấn đề đạo đức. Về nhân sự, trình độ đại lý thấp là vấn đề quan trọng nhất. Sự thiếu hiểu biết của chủ hợp đồng về chính sách bảo hiểm và thiếu nhận thức về quyền lợi bảo hiểm là những vấn đề lớn về marketing. Việc thiếu kiến thức kỹ thuật của nhân viên, hỗ trợ CNTT kém và quản lý kém hiệu quả là những vấn đề chính trong khi cạnh tranh không lành mạnh và những sơ suất của đại lý là những vấn đề hàng đầu liên quan đến vấn đề đạo đức. Hơn nữa, do tính chất biến động của thị trường vốn, các DNBH không có khả năng đầu tư vào cổ phiếu, thiếu nhân lực có trình độ và các hạn chế pháp lý vướng vào lĩnh vực này khiến bảo hiểm không được ưa chuộng ở Việt Nam. Ngoài ra, lợi tức đầu tư vào cổ phiếu thấp, thiếu minh bạch, xu hướng đầu tư vào tài sản cố định và chứng khoán Chính phủ cũng là những trở ngại của lĩnh vực này. Các chiến lược marketing không hiệu quả, thiếu quảng cáo, khoảng cách kiến thức của khách hàng, đại lý marketing không có tay nghề, phân khúc thị trường không phù hợp, các vấn đề đạo đức và thủ tục quan liêu là những thách thức đáng kể hiện nay của ngành Bảo hiểm ở Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn có khả năng lạc quan về sự tăng trưởng của lĩnh vực bảo hiểm ở Việt Nam khi sự mở rộng kinh tế đang diễn ra ở Việt Nam và có nhiều khả năng phát triển bảo hiểm hỏa hoạn, bảo hiểm hàng hải và bảo hiểm tài chính vi mô ở Việt Nam. Các xu hướng kinh tế vĩ mô của Việt Nam chứng tỏ rằng, có thể có những tiến bộ tiềm năng trong lĩnh vực bảo hiểm. Khi đất nước trở nên công nghiệp hóa hơn, nhu cầu về bảo hiểm hỏa hoạn và tài sản cũng như bồi thường cho người lao động có thể sẽ tăng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, thiên tai và tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra ở Việt Nam, do đó, việc nâng cao nhận thức về bảo mật của những sự cố đó và sự tích hợp của chúng với bảo hiểm sẽ làm tăng nhu cầu bảo hiểm và tăng cường sự phát triển của lĩnh vực này. Trên cơ sở phân tích những hạn chế của lĩnh vực bảo hiểm, tác giả cho rằng, có thể cải thiện tình trạng hiện tại của lĩnh vực này ở Việt Nam chúng ta cần thực hiện một số giải pháp như: thu hút và giữ chân các chuyên gia có trình độ, tổ chức các chương trình đào tạo thường xuyên, tập trung vào phát triển CNTT, marketing sáng tạo, chiến lược, loại bỏ cạnh tranh không lành mạnh, tăng lợi tức đầu tư và tiến hành mua, bán sáp nhập nếu được yêu cầu. Bên cạnh đó, việc xây dựng và thực hiện các chiến lược marketing sáng tạo, áp dụng các chính sách thống nhất, tập trung vào đổi mới, phân khúc khách hàng dựa trên nhu cầu hợp lý, nâng cao nhận thức của người dân, đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển, thực hiện phong cách quản lý năng động… có thể cải thiện hiệu quả hoạt động của lĩnh vực này nhằm có được vị thế cạnh tranh bền vững.

4. Một số khuyến nghị

Dựa trên những kết quả đã đạt được trong năm qua cùng với triển vọng phát triển sắp tới của ngành Bảo hiểm, tác giả đưa ra một số khuyến nghị như sau:

4.1. Đối với mảng kinh doanh

Bên cạnh việc hợp tác với các doanh nghiệp trong cùng ngành để hỗ trợ, thúc đẩy nhau phát triển, các DNBH cần khai thác tối đa mối quan hệ với các doanh nghiệp ở những lĩnh vực khác như: bất động sản, ngân hàng... để khai thác cơ sở dữ liệu khách hàng. Các ngân hàng đã và đang triển khai phân phối sản phẩm Bancassurance một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo quan sát thực tế của nhóm tác giả, có một số khía cạnh cần được quan tâm cải thiện như sau:

- Chất lượng phục vụ, chăm sóc khách hàng sau bán tại một số ngân hàng hiện nay chưa tốt. Các nhân viên kinh doanh bảo hiểm tập trung quá nhiều vào khai thác khách hàng mới mà chưa chú trọng đến khâu chăm sóc khách hàng cũ và khách hàng hiện hữu. Nếu khâu chăm sóc khách hàng sau bán được quan tâm, chú trọng hơn nữa thì đánh giá của khách hàng cũ và khách hàng hiện hữu sẽ có hiệu ứng lan tỏa đến những khách hàng đang và sẽ có ý định tham gia bảo hiểm.

- Chất lượng tư vấn của đội ngũ bán hàng cần được nâng cao. Một bộ phận cán bộ bán hàng chưa trung thực khi tư vấn hoặc tư vấn không đầy đủ các điều khoản liên quan đến sản phẩm khiến cho khách hàng hiểu nhầm, từ đó có ấn tượng không tốt đối với các sản phẩm bảo hiểm.

- Các sản phẩm bảo hiểm cần đa dạng hóa hơn nữa. Cụ thể, ở mảng bảo hiểm phi nhân thọ, các DNBH nên phát triển thêm các sản phẩm bảo hiểm mới gắn với lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp. Nông nghiệp nước ta vốn bị ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, dịch bệnh, tuy nhiên, khi rủi ro xảy ra, những thiệt hại được bù đắp thông qua bảo hiểm vẫn còn hạn chế, riêng bảo hiểm ở lĩnh vực ngư nghiệp, lâm nghiệp là chưa có. Do vậy, việc phát triển thêm các sản phẩm bảo hiểm ở những lĩnh vực đặc thù này sẽ tạo điều kiện để người dân yên tâm sản xuất, giảm bớt gánh nặng hỗ trợ của Nhà nước.

- Về vấn đề hợp tác với các ngân hàng trong việc triển khai sản phẩm Bancassurance, đôi bên cần hướng đến dài hạn (long - term) cam kết lâu dài nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng đã mua các sản phẩm của DNBH. Chẳng hạn, việc ngân hàng thay đổi đối tác bảo hiểm sẽ gây không ít trở ngại đối với khách hàng đã tham gia bảo hiểm với hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng ngân hàng bên cạnh những sự bất tiện khác mà khách hàng có thể gặp phải.

4.2. Đối với mảng ứng dụng công nghệ

Các DNBH đã và đang ứng dụng chuyển đổi số vào trong lĩnh vực kinh doanh của mình cũng như đáp ứng nhu cầu được chi trả của khách hàng hiện hữu. Tuy nhiên, hoạt động chuyển đổi số cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa, nhất là trong khai thác dữ liệu khách hàng mới. Dựa trên tập dữ liệu khách hàng từ các đối tác liên kết, chẳng hạn như ngân hàng, các DNBH có thể tiến hành khảo sát nhu cầu, thói quen chi tiêu, tần suất giao dịch của khách hàng, phân loại khách hàng... để có thể giới thiệu sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

Ngoài ra, việc đưa những sản phẩm bảo hiểm lên các sàn thương mại điện tử cũng là một kênh phân phối tốt cần được đẩy mạnh hơn nữa trong tương lai. Thông qua sàn thương mại điện tử, khách hàng có thể tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, sử dụng được nhiều tiện ích cũng như các phí ưu đãi.

4.3. Đối với công tác quản lý

Các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát bán hàng và kết hợp các bộ phận có liên quan trong việc thu thập, xử lý thông tin khách hàng trước khi ký hợp đồng bảo hiểm nhằm hạn chế tối đa các hành vi trục lợi bảo hiểm hoặc dẫn đến sự nhập nhằng, tranh chấp có liên quan đến pháp lý giữa DNBH và khách hàng.

4.4. Về mặt pháp lý

Nhà nước cần ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, trong đó bổ sung thêm quy định liên quan đến bảo hiểm nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư bất động sản đối với khách hàng khi chủ đầu tư không thực hiện đúng các điều khoản đã cam kết với khách hàng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần để các DNBH được tự chủ hơn trong quá trình kinh doanh dưới sự giám sát của Nhà nước và các cơ quan quản lý.Về phía các DNBH, cần có hệ số an toàn vốn để có thể kiểm soát rủi ro trong quá trình hoạt động. Mặt khác, việc công bố thông tin của các DNBH phải chú trọng tính minh bạch hơn nữa với khách hàng nhằm củng cố niềm tin của khách hàng khi tham gia bảo hiểm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Duy Thái (2022), Thị trường bảo hiểm năm 2021: Vượt thách thức COVID-19, duy trì tăng trưởng 2 con số, https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-bao-hiem-2021-vuot-thach-thuc-COVID-19-duy-tri-tang-truong-2-con-so-98318.html.

2. Đặng Hiếu (2021), Báo cáo đánh giá tác động của COVID-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách, https://dangcongsan.vn/kinh-te/COVID-19-anh-huong-sausac-den-doi-song-nguoi-lao-dong-594893.html.

3. Ngọc Quỳnh (2021), Dịch COVID-19: Bốn thách thức với ngành Bảo hiểm,https://ncov.vnanet.vn/tin-tuc/dich-COVID-19-bon-thach-thuc-voi-nganh-baohiem/174f7ee7-ae50-4c30-86aa-cc0a01d20f61.

ThS. Nguyễn Vinh Quang

Viện Khoa học Bảo hiểm xã hội

Tạp chí in số tháng 12/2023
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp phát triển bền vững thị trường bảo hiểm Việt Nam tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899